Điểm nóng cướp biển Vịnh Guinea trở thành Somalia của thập kỷ thứ hai

15/01/2021

Báo cáo cướp biển hàng năm vừa phát hành của Phòng Hàng hải quốc tế (IMB) thuộc Văn phòng Thương mại quốc tế (ICC) đã ghi nhận sự gia tăng các vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu trong năm 2020, với Vịnh Guinea là điểm nóng nhất khi mà các vụ bắt cóc thuyền viên ở đây tiếp cận mức tại Somalia trong thập kỷ trước.


Trong năm 2020, Trung tâm Báo cáo cướp biển (PRC) của IMB  đã tiếp nhận báo cáo về 195 vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu trên toàn thế giới, so với 162 vụ của năm 2019. Các vụ này bao gồm 3 tàu bị cướp biển bắt, 11 tàu bị bắn, 20 vụ cướp biển tấn công tàu bất thành và 161 vụ cướp biển lên tàu. Sự gia tăng được cho là do sự tăng lên nhiều của số vụ cướp biển và cướp có vũ trang được báo cáo trong Vịnh Guinea cũng như hoạt động cướp có vũ trang tại eo biển Singapore.

Trên phạm vi toàn cầu, 135 thuyền viên đã bị cướp biển bắt đưa khỏi tàu trong năm 2020. Trong đó tại Vịnh Guinea chiếm hơn 95% số thuyền viên bị cướp bắt, với kỷ lục là 130 thuyền viên đã bị bắt trong 22 vụ việc riêng biệt. Kể từ năm 2019, tại Vịnh Guinea đã diễn ra sự gia tăng chưa từng có về số vụ bắt cóc thuyền viên. Chỉ trong quý cuối cùng của năm 2019, tại đây đã ghi nhận 39 thuyền viên bị bắt cóc từ 2 tàu khác nhau.

Các sự cố ở Vịnh Guinea đặc biệt nguy hiểm vì hơn 80% kẻ tấn công được trang bị súng, theo số liệu mới nhất của IMB. Tất cả 3 vụ bắt tàu và 9 trong số 11 tàu bị cướp bắn trong năm 2020 đều xảy ra tại khu vực này. Các vụ bắt cóc thuyền viên đã được báo cáo trong 25% số các vụ cướp tấn công tàu ở Vịnh Guinea - nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Sau khi bị bắt cóc, thuyền viên được đưa ra khỏi tàu của mình và có thể bị giữ trên bờ cho đến khi thỏa thuận được điều kiện để cướp biển thả họ. Vụ bắt cóc thuyền viên xa bờ nhất năm 2020 xảy ra cách đất liền gần 200 hải lý; trung bình các vụ cướp bắt thuyền viên được thực hiện tại khoảng cách trên 60 hải lý tính từ bờ gần nhất, theo IMB.


Sự gia tăng các vụ bắt thuyền viên ở xa bờ biển chứng tỏ năng lực ngày càng tăng của cướp biển ở Vịnh Guinea. Với thực trạng này, IMB khuyến nghị các tàu trong khu vực luôn duy trì vị trí cách bờ biển ít nhất 250 hải lý, hoặc cho đến khi tàu có thể di chuyển để bắt đầu xếp dỡ hàng hóa tại một bến hoặc nơi neo đậu an toàn.

"Các số liệu thống kê mới nhất xác nhận năng lực gia tăng của cướp biển ở Vịnh Guinea với ngày càng nhiều cuộc tấn công diễn ra xa bờ biển hơn. Đây là một xu hướng đáng lo ngại, chỉ có thể được giải quyết thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các tàu báo cáo và các tổ chức ứng phó trong khu vực Vịnh Guinea. Mặc dù các hành động khẩn cấp của hải quân trong khu vực, vẫn còn nhu cầu cấp thiết để giải quyết loại tội phạm hiện đang tiếp tục tác động trực tiếp đến sự an toàn và an ninh của những người đi biển vô tội", ông Michael Howlett - Giám đốc IMB cho biết.

Tổ chức tư vấn an ninh Dryad Global trong một báo cáo gần đây đã lưu ý, sự thay đổi trong phương thức hoạt động của tội phạm hàng hải tại Tây Phi, và mối quan ngại ngày càng tăng về an ninh hàng hải ở Vịnh Guinea đã thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm tăng cường năng lực hải quân trong khu vực, bao gồm cả việc mua sắm thiết bị tuần tra hàng hải gần đây của Angola, Cameroon, Cộng hòa Congo, Nigeria và Senegal.

Tuy nhiên, một số nước trong khu vực đang tỏ ra miễn cưỡng trong việc trang bị tốt hơn cho lực lượng hải quân của họ so với các ưu tiên khác, bao gồm việc giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của quốc gia trước các mối đe dọa trên đất liền.

Các tổ chức tội phạm "năng động" đang tiếp tục rà soát các vùng biển ngoài khơi Tây Phi trong hai tuần đầu năm 2021 để tìm kiếm các mục tiêu có thể đòi tiền chuộc dễ dàng.

Tác giả: Nguyễn Vũ