Giao thông phục hồi, kênh đào Suez đạt doanh thu tháng cao kỷ lục

05/05/2022

Kênh đào Suez của Ai Cập ghi nhận doanh thu tháng cao nhất từ trước đến nay trong tháng 4 vừa qua, thu về 629 triệu USD phí quá cảnh tàu biển qua tuyến hàng hải huyết mạch này, nhờ giao thông phục hồi sau đại dịch Covid-19.

050522.13.jpg

Một tàu chở container đi qua kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 15/2/2022.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie ngày 1/5 thông tin, doanh thu trong tháng 4 cao hơn 13,6% so cùng kỳ năm ngoái.

Tổng số tàu thuyền qua lại đoạn kênh dài 193 km kết nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải cũng đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.929 tàu, vận chuyển số hàng hóa có khối lượng tổng cộng 114,5 triệu tấn - lượng hàng hóa cao nhất theo tháng được vận chuyển qua kênh đào này.

Ông Rabie cho biết thêm, số lượng tàu chở dầu, khí hóa lỏng và chở container đã tăng lần lượt 25,8%, 12% và 9% trong tháng 4 so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, bên cạnh tác động của đại dịch, giao thông qua kênh đào Suez cũng bị gián đoạn bởi vụ mắc cạn siêu tàu chở hàng Ever Given hồi cuối tháng 3.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã yêu cầu bồi thường hơn 550 triệu USD cho hoạt động trục vớt tàu Ever Given cùng các thiệt hại khác trong vụ tàu bị mắc kẹt chỉ kéo dài 6 ngày nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng cho vận tải biển thế giới này.

Ước tính khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez, một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới và là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Cảnh báo về tình hình tắc nghẽn tại cảng Thượng Hải (Trung Quốc)

050522.14.jpg

Hàng hóa tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 15/4/2022.

Lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19 đối với thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) là một đòn giáng mạnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo do đại dịch COVID-19 và những căng thẳng Nga-Ukraine.

Cảng Thượng Hải là cảng container bận rộn nhất thế giới. Theo World Port Source, đây là nơi ra vào của khoảng 2.000 tàu biển mỗi tháng, xử lý lượng hàng hóa nhiều gấp 4 lần khối lượng hàng hóa đi qua cảng Los Angeles (Mỹ), theo dữ liệu từ chính quyền cảng của cả 2 thành phố trong năm 2021.

Nhưng giờ đây, với những quy định kiểm dịch mới, cảng Thượng Hải đang bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và lượng hàng ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong công tác giao hàng trên toàn thế giới. Những hình ảnh vệ tinh kỹ thuật số ghi nhận tại cảng nằm ở bờ biển phía Đông Trung Quốc này cho thấy lượng lớn tàu đang "mắc kẹt" tại đây. 

Chuyên gia về chuỗi cung ứng - ông David Leaney cảnh báo rằng việc cảng Thượng Hải chịu sức ép quá lớn về lưu lượng hàng hóa sẽ có thể gây ra sự chậm trễ trong tiến độ giao hàng suốt cả phần còn lại của năm 2022. Phát biểu trong chương trình Today Show ngày 30/4, ông Leaney cho biết: “Điều này đang ảnh hưởng đến rất nhiều mặt hàng khác nhau. Sự chậm trễ có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng... Nếu bạn đặt hàng một món đồ có giá trị lớn, hoặc đặc biệt là thứ gì đó có gắn vi mạch, thì thời gian chờ đợi này có thể còn lâu hơn nữa, vì chúng sẽ vướng phải các vấn đề về chuỗi cung ứng riêng biệt".

Theo Maersk - một trong những công ty vận chuyển container lớn nhất thế giới, việc thành phố Thượng Hải bị phong tỏa có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và đẩy chi phí lên cao. Hãng này nhận định: "Dịch vụ vận chuyển hàng hóa đi và đến Thượng Hải sẽ chịu ảnh hưởng tới 30%. Bởi các khu vực Phố Đông và Phố Tây của thành phố - được ngăn cách bởi con sông Hoàng Phố - đều bị phong tỏa hoàn toàn. Do đó, thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển sẽ tăng cao".

Tác giả: Hưng Phương