Kết qủa khoá họp thứ 63 của Uỷ ban bảo vệ môi trường biển

08/03/2012

Khóa họp thứ 63 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã được tiến hành từ ngày 27 tháng Hai đến ngày 02 tháng Ba năm 2012, tại trụ sở của IMO (thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh).

Tại khóa họp này, MEPC đã thông qua một loạt các hướng dẫn quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc thực thi một cách thống nhất các quy định bắt buộc về tăng cường hiệu quả năng lượng và làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Các hướng dẫn được hy vọng là sẽ mở đường cho việc triển khai áp dụng các quy định liên quan thông suốt và hài hòa. Đồng thời, MEPC tiếp tục thảo luận về các biện pháp dựa trên thị trường đối với vấn đề kiểm soát phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ tàu.

Trong chương trình nghị sự dày đặc của khóa họp thứ 63, MEPC đã nhất trí thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 (MARPOL) liên quan đến các phương tiện tiếp chất chất thải gây ô nhiễm tại cảng. Hướng dẫn mới liên quan đến việc thực hiện Phụ lục V (ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải) đã được sửa đổi, bổ sung của Công ước MARPOL; và hướng dẫn áp dụng Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn, thân thiện môi trường năm 2009 (SR 2009) cũng đã được MEPC thông qua tại khóa họp này.

Một nội dung quan trọng khác tại khóa họp thứ 63 là MEPC đã thực hiện việc công nhận cơ bản và công nhận hoàn chỉnh cho một số hệ thống xử lý nước dằn tàu sử dụng hoạt chất.

Hướng dẫn thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng

MEPC đã thông qua bốn bộ hướng dẫn nhằm mục đích trợ giúp việc thực hiện các quy định bắt buộc về hiệu quả năng lượng tàu theo sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI (ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu) của Công ước MARPOL, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2013:

  • Hướng dẫn năm 2012 về phương pháp tính Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) cho tàu mới.
  • Hướng dẫn năm 2012 về soạn thảo Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng (SEEMP) cho tất cả các tàu.
  • Hướng dẫn năm 2012 về kiểm tra và cấp giấy chứng nhận Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI).
  • Hướng dẫn tính đường tham chiếu sử dụng cho Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI).

Các hướng dẫn nói trên hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc thực thi thống nhất các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI (ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu) của Công ước MARPOL được thông qua trong tháng bảy năm 2011. Theo sửa đổi, bổ sung này, Phụ lục VI của Công ước MARPOL được bổ sung thêm chương 4 mới bao gồm các quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu, yêu cầu bắt buộc việc áp dụng Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) cho tàu mới, và Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng (SEEMP) cho tất cả các tàu.

EEDI là cơ chế dựa trên chức năng, không mang tính mệnh lệnh, nó cho phép ngành công nghiệp đóng tàu được lựa chọn các công nghệ sử dụng cho thiết kế tàu cụ thể. Đến chừng mực đạt được mức độ hiệu quả năng lượng, người thiết kế tàu và người đóng tàu sẽ tự do sử dụng giải pháp có hiệu quả về giá thành nhất đối với tàu để tuân thủ quy định này. SEEMP thiết lập cơ chế để người khai thác tàu cải tiến hiệu quả năng lượng của tàu.

Việc hoàn thiện dự thảo và thông qua các hướng dẫn hỗ trợ về EEDI và SEEMP tại khóa họp thứ 63 của MEPC là thành công quan trọng, cung cấp đủ thời gian cho các quốc gia thành viên và ngành công nghiệp đóng tàu và hàng hải có sự chuẩn bị cần thiết. Cũng tại khóa họp này, MEPC đã thống nhất được kế hoạch làm việc để xây dựng các hướng dẫn tiếp theo, và phát triển khung hiệu quả năng lượng đối với các tàu chưa được điều chỉnh bởi quy định EEDI hiện thời.

Dự thảo nghị quyết về chuyển giao công nghệ

Liên quan đến việc thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng, MEPC đã dự thảo nghị quyết về tăng cường sự hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ nhằm cải tiến hiệu quả năng lượng tàu. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa được thông qua tại khóa họp thứ 63; MEPC đã quyết định tiếp tục thảo luận về dự thảo nghị quyết tại khóa họp tiếp theo.

Thảo luận về biện pháp dựa trên thị trường

MEPC tiếp tục thảo luận kết quả xem xét sâu sắc về các biện pháp dựa trên thị trường (MBM) đề xuất, là phần bổ sung cho các giải pháp về kỹ thuật và khai thác đã được thông qua. Việc thảo luận tiếp theo về MBM sẽ được thực hiện tại khóa họp 64 của MEPC dự kiến tổ chức từ ngày 01 đến 05 tháng mười năm 2012. Đề xuất về MBM đang được MEPC xem xét có phạm vi rất rộng, từ việc đóng góp hay thuế phát thải toàn bộ CO2 trong ngành hàng hải quốc tế hay chỉ áp cho các tàu không thỏa mãn yêu cầu EEDI, thông qua hệ thống thương mại phát thải, cho đến các dự án dựa trên hiệu quả thực sự của tàu, cả về thiết kế (EEDI) và khai thác (SEEMP).

MEPC đã xem xét đánh giá tác động của các đề xuất MBM cũng như cân nhắc một cách chi tiết các phương pháp và tiêu chuẩn làm căn cứ cho MBM. Trước khi kết thúc khóa họp thứ 63, Chủ tịch MEPC đã giới thiệu dự thảo các điều khoản tham chiếu sử dụng trong đánh giá tác động đối với MBM. Việc xem xét này sẽ được tiếp tục tại khóa họp thứ 64 của MEPC.

Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật kỹ thuật NOx

MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật kỹ thuật NOx năm 2008 liên quan đến các động cơ không được chứng nhận trước trên băng thử và thiết bị làm giảm phát thải NOx.

Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MARPOL

MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I, II, IV, V và VI của Công ước MARPOL, nhằm mục đích giúp cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển có thể tuân thủ các quy định đối với quốc gia có cảng liên quan đến việc cung cấp các phương tiện tiếp nhận các loại chất thải từ tàu thông qua các bố trí mang tính khu vực. Các thành viên tham gia bố trí khu vực phải xây dựng một Kế hoạch về các phương tiện tiếp nhận của khu vực và phải cung cấp các thông số của các Trung tâm tiếp nhận chất thải từ tàu của khu vực được nhận biết, cũng như thông số của các cảng thuộc phạm vi của phương tiện tiếp nhận. Sửa đổi, bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng tám năm 2013. Đồng thời với việc thông qua sửa đổi, bổ sung nói trên đối với Công ước MARPOL, MEPC cũng đã thông qua một nghị quyết hướng dẫn soạn thảo Kế hoạch về các phương tiện tiếp nhận của khu vực.

Thông qua nghị quyết về thiết bị xử lý nước nước thải theo Phụ lục IV của Công ước MARPOL

Một nghị quyết mới được MEPC thông qua về phát triển thiết bị kỹ thuật trên tàu liên quan đến việc quy định biển Bantíc là khu vực đặc biệt theo Phụ lục IV (ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ tàu) của Công ước MARPOL. Nghị quyết này kêu gọi việc phát triển ngay thiết bị kỹ thuật phù hợp và có hiệu quả về mặt giá thành để có thể đáp ứng tiêu chuẩn xả nước thải đối với tàu khách hoạt động trong các khu vực đặc biệt theo quy định của Phụ lục IV, Công ước MARPOL.

Việc thông qua nghị quyết nói trên là hành động tiếp theo sau việc khóa họp thứ 62 của MEPC thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục IV của Công ước MARPOL nhằm thiết lập các “khu vực đặc biệt” về kiểm soát nước thải từ tàu, và quy định biển Bantíc là khu vực đặc biệt. Sửa đổi, bổ sung này được hy vọng là sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2013.

Thông qua hướng dẫn thực hiện Phụ lục V của Công ước MARPOL

Hai hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện Phụ lục V (ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải từ tàu) đã được MEPC thông qua là:

  • Hướng dẫn năm 2012 về thực hiện Phụ lục V của Công ước MARPOL.
  • Hướng dẫn năm 2012 về xây dựng Kế hoạch quản lý rác thải từ tàu.

Các hướng dẫn này được thông qua nhằm hỗ trợ việc thực hiện các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục V của Công ước MARPOL đã được MEPC thông qua tại khóa họp thứ 62 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2013.

Thông qua hướng dẫn về tái sinh tàu

MEPC đã thông qua hai hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn, thân thiện môi trường năm 2009 (SR 2009) là:

  • Hướng dẫn năm 2012 về tái sinh tàu an toàn, thân thiện môi trường.
  • Hướng dẫn năm 2012 về việc công nhận các cơ sở tái sinh tàu.

Các hướng dẫn này, cùng với Hướng dẫn năm 2011 về xây dựng danh mục các vật liệu nguy hiểm và Hướng dẫn năm 2011 về soạn thảo kế hoạch tái sinh tàu (đã được MEPC thông qua tại khóa họp thứ 62), nhằm mục đích hỗ trợ các cơ sở tái sinh tàu và các công ty vận tải biển bắt đầu áp dụng trên cơ sở tự nguyện các yêu cầu của Công ước SR 2009, được IMO thông qua tháng năm năm 2009.

Cũng tại khóa họp thứ 63, MEPC đã quyết định thành lập Nhóm công tác qua thư tín (correspondence group) để xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, và hướng dẫn thanh tra theo quy định của Công ước SR 2009.

Công nhận các hệ thống xử lý nước dằn

Sau khi xem xét các báo cáo của khóa họp thứ 18, 19 và 20 của Nhóm liên kết các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học bảo vệ môi trường biển (GESAMP) được thực hiện trong năm 2011, MEPC đã thực hiện việc công nhận cơ bản cho 03 hệ thống và công nhận cuối cùng cho 05 hệ thống xử lý nước dằn sử dụng hoạt chất.

MEPC cũng thông qua Hướng dẫn sửa đổi về thiết kế và kết cấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát cặn lắng nước dằn của tàu (Hướng dẫn G12), là một trong 14 bộ hướng dẫn được xây dựng để hỗ trợ việc thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 (BWM 2004). Hướng dẫn G12 sửa đổi nâng cấp phiên bản được thông qua năm 2006 của hướng dẫn này.

Liên quan đến sự có sẵn các hệ thống xử lý nước dằn, MEPC lưu ý việc đã công nhận 21 kiểu hệ thống phù hợp Công ước BMW 2004. Trong khi một số quốc gia bày tỏ sự lo ngại liên quan đến việc thực hiện Công ước BWM 2004, do sự thiếu các công nghệ được công nhận, năng lực hạn chế của các cơ sở sửa chữa tàu, sự thiếu hụt thời gian, khó khăn về mặt tài chính; thì một số quốc gia khác lại cho rằng hiện đã có đủ công nghệ xử lý nước dằn cũng như năng lực của các cơ sở sửa chữa tàu, và đề nghị các chủ tàu nên bắt đầu việc trang bị hệ thống xử lý nước dằn cho các tàu hiện có ngay từ bây giờ, nhằm trách nút thắt cổ chai khi Công ước BWM 2004 có hiệu lực.

Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật IBC

MEPC đã phê chuẩn dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Chương 17, 18 và 19 của Bộ luật quốc tế về đóng và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (Bộ luật IBC), nhằm mục đích thông qua sửa đổi, bổ sung này tại khóa họp thứ 64.

Phê chuẩn sổ tay ứng phó ô nhiễm dầu

Bốn sổ tay về ứng phó ô nhiễm dầu từ tàu đã được MEPC thông qua là:

  • Hướng dẫn về bản đồ nhạy cảm đối với ứng phó tràn dầu.
  • Hướng dẫn ứng phó tràn dầu trong điều kiện dòng chảy mạnh.
  • Hướng dẫn thao tác trong sử dụng chất hấp thụ dầu.
  • Công cụ hỗ trợ đưa ra quyết định quản lý chất thải tràn dầu.

Thảo luật về lĩnh vực môi trường của Bộ luật cực trái đất

MEPC đã xem xét tiến trình công việc của Tiểu ban thiết kế và trang thiết bị tàu (DE) liên quan đến xây dựng dự thảo Bộ luật đối với tàu hoạt động tại các vùng nước thuộc các cực của trái đất (Bộ luật cực trái đất). Bộ luật này dự kiến điều chỉnh toàn bộ các vấn đề về hành hải an toàn của tàu biển tại các vùng nước thuộc hai cực trái đất, và việc bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái độc nhất tại các khu vực này. Trong bộ luật sẽ có một chương riêng quy định về vấn đề bảo vệ môi trường. Các đề xuất liên quan đến quy định về bảo vệ môi trường của dự thảo Bộ luật cực trái đất sẽ được MEPC tiếp tục xem xét tại khóa họp 64. Cũng tại khóa họp thứ 63, MEPC đã nhất trí việc quy định bắt buộc áp dụng Bộ luật cực trái đất (khi được thông qua) bằng việc sửa đổi, bổ sung Công ước SOLAS (Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974), Công ước MARPOL và các văn kiện về bảo vệ môi trường khác để đưa vào các điều khoản liên quan.

Tác giả: Phòng TB - VR