Kỳ họp thứ 64 Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC)

03/10/2012

Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nhóm họp kỳ họp lần thứ 64 từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 10 năm 2012 tại Trụ sở của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) thành phố Luân đôn, Vương quốc Anh.

Tham dự kỳ họp lần này của MEPC có các đoàn đại biểu từ các quốc gia thành viên và các tổ chức phi chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp bao gồm các đại diện từ Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam do ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam làm trưởng đoàn. Đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam là ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển tham dự.

Chương trình làm việc của hội nghị lần này tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến triển khai áp dụng các quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý nước dằn và tái sinh tàu.

1. Tiếp tục làm việc đối với các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho tàu biển

MEPC sẽ tiếp tục làm việc về các giải pháp kỹ thuật và khai thác để sử dụng năng lượng hiệu quả cho tàu biển, dựa trên chương trình làm việc đã được đặt ra từ kỳ họp trước. Các công việc được tiếp tục sau khi đã thông qua Chương 4 mới của Phụ lục VI MARPOL sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và đã đưa ra các yêu cầu mới bắt buộc về Chỉ số thiết kế năng lượng hiệu quả (EEDI) áp dụng cho tàu mới và Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu của của tàu (SEEMP) áp dụng cho tất cả các tàu biển.



Ảnh - Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp thứ 64 Uỷ ban bảo vệ môi trường biển

Phạm vi công việc bao gồm xây dựng các hướng dẫn để xác định công suất đẩy tàu và tốc độ thấp nhất cho phép điều động tàu an toàn trong điều kiện thời tiết xấu, xây dựng các khung EEDI cho các loại tàu không có trong danh mục các loại tàu đã được xây dựng EEDI tại các kỳ họp trước, ví dự như các tàu ro-ro và các tàu khách, các tàu có hệ thống động lực không theo truyền thống như hệ động lực tua bin hoặc diesel-điện.

2. Hợp tác kỹ thuật để triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả bắt buộc

Quy định 23 Chương 4 của phụ lục VI MARPOL về thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến cải tiến sử dụng năng lượng hiệu quả của tàu yêu cầu các Chính phủ của quốc gia thành viên, phối hợp với IMO và các tổ chức quốc tế khác, thúc đẩy và cung cấp sự hỗ trợ một cách trực tiếp hoặc thông qua IMO cho các quốc gia thành viên khác đặc biệt là các nước đang phát triển có yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Quy định 23 cũng yêu cầu các quốc gia thành viên của Phụ lục VI MARPOL chủ động hợp tác với các quốc gia thành viên khác phù hợp với các chính sách, quy định và luật pháp quốc gia để thúc đẩy phát triển và chuyển giao công nghệ, và trao đổi thông tin tới các quốc gia khác có yêu cầu trợ giúp kỹ thuật, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

MEPC sẽ xem xét dự thảo nghị quyết MEPC về thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến cải tiến sử dụng năng lượng hiệu quả của tàu. Nghị quyết này nhằm mục đích đưa ra một khung pháp lý để thúc đẩy và tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thực thi các quy định mới về sử dụng năng lượng hiệu quả của tàu.

3. Hệ thống quản lý nước dằn

MEPC sẽ xem xét các báo cáo tại các kỳ họp lần thứ 21, 22 và 23 của GESAMP, Nhóm công tác về nước dằn với mục đích chấp thuận phê duyệt cơ bản cho 05 hệ thống xử lý nước dằn và phê duyệt lần cuối cho 03 hệ thống sử lý nước dằn có sử dựng các hoạt chất.

MEPC sẽ nhắc lại sự cần thiết đối với các quốc gia chưa phê chuẩn công ước BWM 2004 để có thể đạt đủ tiêu chuẩn công ước có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. Tới thời điểm này đã có 36 quốc gia chiếm 29,07% tổng dung tích đội tàu thế giới đã phê chuẩn Công ước. Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có từ 30 quốc gia chiếm 35% tổng dung tích đội tàu thế giới phê chuẩn tham gia Công ước.

Ủy ban cũng sẽ xem xét một số đề xuất liên quan đến việc áp dụng công ước, mục đích để hài hòa các quy trình lấy mẫu và phê duyệt kiểu của hệ thống xử lý nước dằn, loại trừ sự không rõ ràng đối với khả năng không phù hợp và ngăn ngừa khả năng trừng phạt không đúng đối với thuyền viên của tàu.

Ủy ban cũng xem xét các đề xuất liên quan đến các loại tàu có công dụng đặc biệt để đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với các tàu dịch vụ dầu khí và các dàn khoan di động để áp dụng các yêu cầu của Công ước BMW.

4. Tái sinh tàu

MEPC sẽ xem xét các dự thảo Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận tàu theo Công ước Hong Kong (Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận) và Hướng dẫn kiểm tra tàu (Inspection) đã được nhóm soạn thảo liên lĩnh vực xây dựng. Các hướng daanxnayf cùng với các hướng dẫn đã được thông qua được nhằm mục đích hỗ trợ các cơ sở phá dỡ tàu và các công ty vận tải biển bawts đầu đưa ra các cải tiến tự nguyện để đáp ứng các yêu cầu của Công ước Hong Kong đã được thông qua vào tháng 05 năm 2009.

5. Bổ sung sửa đổi đối với Bộ luật IBC

MEPC sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi chương 17, 18 và 19 của Bộ luật IBC đã được chấp thuận thông qua tại kỳ họp MSC 90.

6. Các hướng dẫn đối với thiết bị xử lý nước thải

MEPC xem xét thông qua dự thảo Hướng dẫn 2012 về áp dụng tiêu chuẩn dòng thải và thử chức năng của thiết bị xử lý nước thải. Dự kiến đưa ra hướng dẫn để áp dụng quy định mới (dự kiến có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016) đối với các thiết bị xử lý nước thải lắp đặt trên các tàu khác hoặc động trong các vùng đặc biệt theo Phụ lục IV MARPOL.

7. Chương trình đánh giá bắt buộc

MEPC sẽ thông qua dự thảo Bộ luật thực thi các văn kiện của IMO (Bộ luật III) đặt ra tiêu chuẩn cho chương trình đánh giá của IMO, và để phê chuẩn dự thảo bổ sung sửa đổi của MARPOL để đưa Bộ luật III và đánh giá của IMO là bắt buộc theo MARPOL.

Mục đích là thông qua bổ sung sửa đổi MARPOL vào năm 2014 ngay sau khi Bộ luật III được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng vào năm 2013.

8. Bộ luật các tổ chức được công nhận(Bộ luật RO)

MEPC dự kiến phê chuẩn dự thảo Bộ luật các tổ chức được công nhận (RO) và dự thảo bổ sung sửa đổi liên quan đến Phụ lục I và II của MARPOL và đưa Bộ luật thành bắt buộc để thông qua tại một kỳ họp trong tương lai.

Bộ luật sẽ đưa ra một văn bản hợp nhất bao gồm các tiêu chuẩn cho các tổ chức được công nhận để thực hiện việc kiểm tra và chứng nhận tàu thay mặt cho chính quyền phải được đánh giá và công nhận, và đưa ra hướng dẫn để chính quyền hàng hải giám sát hoạt động của các ổ chức này.

Tác giả: Phạm Hải Bằng - TB