Làm gì để tàu nội không còn muốn treo cờ ngoại?

18/11/2022

Cần chính sách bảo hộ cho tàu Việt Nam trong việc giành quyền vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tàu nội thích treo cờ ngoại

Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, tỷ lệ đội tàu biển thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài so với đội tàu vận tải biển mang cờ quốc tịch Việt Nam xét trên ba tiêu chí “Tổng số tàu”, “Tổng trọng tải” và “Trọng tải bình quân” đang liên tục tăng. Số tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài hiện chiếm tới gần 40% trọng tải đội tàu quốc gia. Đây chủ yếu là tàu có trọng tải lớn.


làm gì để tàu nội không còn muốn treo cờ ngoại?

Đa số tàu treo cờ nước ngoài chủ yếu hoạt động tuyến quốc tế. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, việc DN Việt đầu tư đội tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài sẽ làm giảm quy mô đội tàu vận tải biển trong nước. Tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài chủ yếu vận tải quốc tế nên cũng làm giảm thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu thuộc sở hữu quốc gia. Đồng thời, nhà nước cũng không thu được một khoản thuế, phí khi tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài.

Nói về điều này, ông Tạ Tiến Luật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK (HTK Simex) cho rằng hiện nay, lợi thế của tàu Việt Nam với hàng hóa Việt Nam không lớn. Minh chứng rằng EVN nhập khẩu than và đấu thầu quốc tế. Khi vận chuyển quốc tế, chủ tàu phải chào giá cạnh tranh.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính đến ngày 30/9/2022, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam có 1.251 tàu với tổng trọng tải là 10,98 triệu tấn, tổng dung tích khoảng 6,76 triệu GT. Số lượng tàu biển hoạt động tuyến quốc tế là 616 tàu với tổng trọng tải là 9,7 triệu tấn, tổng dung tích là 5,98 triệu GT.

“Đội tàu Việt Nam dễ mất lợi thế để tham gia vào chuỗi cung ứng này vì giá cao hơn”, lãnh đạo HTK Simex chia sẻ.

Giải thích rõ hơn, ông Luật cho biết những tàu khi đăng ký tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, đóng các khoản thuế, phí liên quan nên mức giá vận chuyển cao hơn.

Ngoài ra, việc tàu treo cờ quốc tịch nước ngoài cũng được cho rằng để chủ tàu thuận tiện cho việc vận tải tuyến quốc tế và cho thuê tàu định hạn.

Theo một doanh nghiệp vận tải, tàu treo cờ thuận tiện đôi khi còn là để tuân thủ hợp đồng cho thuê tàu với khách hàng nước ngoài. Cũng vì thế, đa số tàu treo cờ nước ngoài chủ yếu hoạt động ở thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp này khẳng định, doanh nghiệp chủ yếu hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Việc đóng thuế không phải vấn đề chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà treo cờ Việt Nam mà còn những khó khăn về thời gian chờ làm thủ tục, khấu trừ thuế... khiến những doanh nghiệp mới đầu tư gặp khó khăn nhất định. Trong khi đó, lãi suất doanh nghiệp phải chịu thường cao.

Không để tàu Việt Nam mất lợi thế ngay trên sân nhà


làm gì để tàu nội không còn muốn treo cờ ngoại?

Cần những chính sách thuận tiện cho doanh nghiệp để có thể phát triển đội tàu

Theo các chuyên gia, tình hình ngành hàng hải đang biến động nhanh và có chiều hướng xấu. Dự kiến, tình hình có thể xấu đến kéo dài tới năm sau. Giá mua tàu hiện nay cũng đã tăng khoảng 2-3 lần so với 2-3 năm trước. Do đó thời điểm này, các doanh nghiệp sẽ phải thận trọng và cân nhắc trong vấn đề vay vốn đầu tư.

Cộng thêm những vấn đề tồn tại khiến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư cho đội tàu vận tải biển quốc gia trở thành bài toán khó. Nói như ông Bùi Việt Hoài - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN, doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên không ai đầu tư nếu xác định lĩnh vực này khó để có lãi.

Theo ông Hoài, hiện nay, chúng ta chủ yếu áp dụng hình thức mua CIF, bán FOB (mua tại cảng đến và bán tại cảng đi), quyền thuê tàu nằm trong tay người mua bán.

Việt Nam có tiềm năng về nguồn hàng xuất nhập khẩu như gạo, than, sắt, quặng... nhưng không có chiến lược cho đội tàu trong nước giành được quyền vận chuyển.

“Chỉ khi các nhà xuất nhập khẩu thay đổi thói quen mua CIF, bán FOB, các doanh nghiệp vận tải biển mới có thể thấy tương lai để quyết định đầu tư đội tàu. Nếu đầu tư rồi phải chạy lang thang tìm hàng, DN sẽ ngại đầu tư”, ông Hoài chia sẻ.

Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN cũng gợi ý, nhà nước cần có chính sách về tài chính, cho các doanh nghiệp được hưởng các lãi suất vay ưu đãi, tránh tình trạng các chủ tàu trong nước luôn chịu chi phí tài chính cao cho đội tàu.

Đồng quan điểm, song ông Tạ Tiến Luật cho biết thêm, đội tàu Việt Nam trên thực tế còn phải cạnh tranh với những hãng tàu của Trung Quốc. Họ có hình thức chạy gom hàng với mức giá cước rẻ. Điều đó khiến các chủ tàu Việt Nam bị mất nguồn hàng.

“Không ai sắm tàu để chờ cả tháng vận chuyển 1 chuyến. Chúng ta có thị trường, nhưng thị trường lại đang không dành cho đội tàu Việt Nam”, ông Luật nói và đề xuất, cần có những cơ chế và chính sách như ưu đãi về thuế suất vay vốn, thuế nhập khẩu, ưu tiên cho đội tàu Việt Nam vận chuyển các mặt hàng về năng lượng, lương thực. Ngoài ra, vấn đề về sử dụng thuyền viên cũng phải bình đẳng so với các chủ tàu quốc tế.

Cùng đó, cần chính sách bảo hộ cho tàu Việt Nam trong việc giành quyền vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như nâng cao chất lượng tàu và năng lực thuyền viên để đội tàu biển treo cờ Việt Nam có được lợi thế riêng.

“Chúng tôi sẵn sàng mở tuyến, đáp ứng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu nước ngoài, nhưng với điều kiện các chính sách của ta phải đi đôi với quốc tế. Không thể để tàu Việt Nam mất lợi thế ngay trên sân nhà”, Phó Giám đốc HTK Simex khẳng định.


Tác giả: Hoàng Anh