Lưu ý kiểm tra thiết bị hạ xuồng cấp cứu có trang bị cơ cấu thao tác quay tay

04/05/2019

Mục 6.1.1.3 của Bộ luật quốc tế về trang thiết bị cứu sinh (LSA) của Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định về thiết bị hạ xuồng cứu sinh hoặc xuồng cấp cứu của tàu biển như sau:


"6.1.1.3 A launching appliance shall not depend on any means other than gravity or stored mechanical power which is independent of the ship's power supplies to launch the survival craft or rescue boat it serves in the fully loaded and equipped condition and also in the light condition."

(Thiết bị hạ không được phụ thuộc vào bất kỳ phương tiện nào khác ngoài trọng lực hoặc năng lượng cơ khí dự trữ độc lập với các nguồn cung cấp năng lượng của tàu để hạ xuồng cứu sinh hoặc xuồng cấp cứu mà thiết bị hạ đó phục vụ ở trạng thái đầy tải và trang thiết bị và cũng ở trạng thái không tải.)

Một số các tàu hàng hoạt động tuyến quốc tế của Việt Nam có xuồng cấp cứu  sử dụng cần cẩu (crane) phục vụ việc di chuyển xuồng cấp cứu từ giá cất giữ trên boong ra ngoại mạn tàu để hạ xuống nước. Để thực hiện việc di chuyển xuồng cấp cứu như vậy, ngoài việc sử dụng năng lượng điện được cấp từ nguồn điện của tàu, cần cẩu xuồng có cơ cấu thao tác quay tay (hand operated mechnism) được sử dụng khi mất nguồn năng lượng điện.

Nhiều nước trên thế giới chấp nhận việc trang bị cơ cấu thao tác quay tay nêu trên là thay thế tương đương (alternative arrangement) với năng lượng cơ khí dự trữ độc lập được quy định tại Mục 6.1.1.3 của LSA Code (Anh, Hà Lan, Bahamas, Faroe, ...) với điều kiện khối lượng toàn bộ của xuồng được trang bị đầy đủ bao gồm cả máy, nhưng không có thuyền viên, phải nhỏ hơn khoảng từ 500 - 700 kg, tùy theo quốc gia. Nhưng cũng có nước không chấp nhận điều này, mà điển hình là Trung Quốc. Mới đây đã có 01 tàu Việt Nam bị Chính quyền cảng Quảng Châu đưa ra khiếm khuyết mã 30 đối với cần cẩu hạ xuồng cấp cứu có cơ cấu thao tác quay tay thay cho năng lượng cơ khí dự trữ độc lập và lưu giữ tàu.

Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thảo luận về nội dung nêu trên theo đề xuất của Hàn Quốc và Hiệp hội các tổ chức phân cấp tàu quốc tế (IACS), hướng tới việc thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Mục 6.1.1.3 của LSA Code để chấp nhận cho phép sử dụng cơ cấu thao tác quay tay của cần cẩu phục vụ xuồng cấp cứu có khối lượng không quá 700 kg trang bị cho tàu hàng thay cho năng lượng cơ khí dự trữ độc lập. Dự thảo sửa đổi, bổ sung này đã được khóa họp thứ 100 của MSC (tháng 01/2019) nhất trí phê chuẩn với nội dung như sau:

[Hình ảnh] Thực tập hạ xuồng cứu sinh 028

"6.1.1.3 Thiết bị hạ không được phụ thuộc vào bất kỳ phương tiện nào khác ngoài trọng lực hoặc năng lượng cơ khí dự trữ độc lập với nguồn cung cấp năng lượng của tàu để hạ xuồng cứu sinh hoặc xuồng cấp cứu mà thiết bị hạ đó phục vụ ở trạng thái đầy tải và trang thiết bị và cũng ở trạng thái không tải.

Trên các tàu hàng được trang bị xuồng cấp cứu không phải là một trong những xuồng cứu sinh của tàu, có khối lượng không quá 700 kg trong điều kiện được trang bị đầy đủ, có động cơ, nhưng không có thuyền viên, thiết bị hạ của xuồng không cần phải được trang bị năng lượng cơ khí dự trữ độc lập. Việc nâng xuồng bằng tay từ vị trí cất giữ và chuyển tới vị trí đưa người lên xuồng phải có thể được thực hiện bởi một người. Lực tác dụng lên tay quay không được vượt quá 160 N tại bán kính quay tối đa 350 mm. Phải có phương tiện để giữ xuồng cấp cứu tại mạn tàu và giữ cho mạn xuồng song song với mạn tàu để người có thể lên xuồng an toàn. "

Dự thảo sửa đổi, bổ sung sẽ được MSC tiếp tục thảo luận/quyết định để thông qua tại khóa họp thứ 101 (từ ngày 04 đến 15/6/2019).

Cho đến khi vấn đề liên quan được MSC quyết định, thông qua và có hiệu lực, để trách cho các tàu biển Việt Nam có trang bị cần cẩu xuồng cấp cứu với cơ cấu thao tác quay tay gặp rắc rối với Chính quyền cảng nước ngoài, đề nghị  các chủ tàu/công ty vận tải biển quốc tế kiểm tra, rà soát xem cần cẩu xuồng cấp cứu trên tàu có phải là loại có cơ cấu thao tác quay tay thay cho năng lượng cơ khí dự trữ độc lập hay không; nếu có, thông báo ngay cho Chi cục Đăng kiểm phụ trách địa bàn hoặc Phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam, để có hướng dẫn cụ thể về cấp lại Giấy chứng nhận An toàn trang thiết bị tàu hàng và Giấy chứng nhận miễn giảm liên quan đến cần cẩu xuồng cấp cứu.


Tác giả: H. Vũ