Quy định về tái sinh tàu của Liên minh châu Âu

09/09/2019

Ngày 15/5/2009, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua Công ước Quốc tế Hong Kong về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường (HKC) với mục đích bảo đảm việc tái sinh tàu (phá dỡ tàu khi chấm dứt sử dụng) không tạo ra các rủi ro quá mức đối với sức khỏe, con người, an toàn và môi trường. Công ước này hiện chưa có hiệu lực thi hành.


Theo quy định của HKC, tàu phải có Danh mục các vật liệu nguy hiểm (inventory of hazardous materials - IHM) được lập theo chỉ dẫn nêu tại Nghị quyết MEPC.269(68) - Hướng dẫn năm 2015 về lập Danh mục các vật liệu quy hiểm.

Mặc dù HKC chưa có hiệu lực, nhưng ngày 20/11/2013, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Quy định số 125/2013 về tái sinh tàu (EU SRR) để đưa các quy định của Công ước này vào pháp luật châu Âu. EU SRR đã có hiệu lực thi hành từ tháng 12/2013 nhằm điều chỉnh việc tái sinh an toàn và thân thiện với môi trường các tàu mang cờ quốc tịch thành viên EU có tổng dung tích từ 500 trở lên. Một số điều khoản của EU SRR áp dụng cho cả tàu mang cờ quốc tịch của quốc gia không phải thành viên EU.

090919.1.jpg

Theo quy định tại Điều 12 của EU SRR, từ ngày 31/12/2020, tàu mang cờ quốc tịch của quốc gia không phải thành viên EU, khi đến cảng hoặc vùng neo của thành viên EU phải có IHM nhận biết các vật liệu nguy hiểm có trong các cấu trúc và trang thiết bị của tàu với mô tả về vị trí, khối lượng xấp xỉ của từng loại vật liệu. IHM cần được lập theo mẫu tiêu chuẩn nêu trong Nghị quyết MEPC.269(68) với thông tin bổ sung là IHM cũng bao gồm các yêu cầu liên quan của EU SRR.  Bản công bố phù hợp (Statement of Compliance) phải được cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia tàu mang cờ quốc tịch cấp cho tàu sau khi thực hiện thẩm tra IHM với kết quả thỏa mãn. Bản công bố phù hợp này có thể theo mẫu nêu tại Phụ chương 3 của HKC. IHM phải được lập cụ thể cho từng tàu và phải được duy trì, cập nhật trong suốt cuộc đời tàu để phản ánh sự bổ sung hoặc thay đổi các loại vật liệu nguy hiểm có trên tàu.

Thực hiện quy định nêu trên của EU, theo yêu cầu tự nguyện của chủ tàu, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể tiến hành việc thẩm tra IHM và cấp Giấy chứng nhận phù hợp về danh mục các vật liệu nguy hiểm cho tàu theo mẫu nêu tại Thông tư số 25/2017/TT-BGTVT ngày 28/7/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về các biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.

Tác giả: Hải Vũ