Tai nạn hàng hải

18/08/2003

Tại nhiều hội thảo về an toàn hàng hải, mọi người đều nhất trí rằng loại hình vận tải biển phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên của môi trường như thời tiết, khí tượng thuỷ văn biển, nên trong lịch sử hàng hải thế giới không có đội tàu của bất kỳ quốc gia nào lại không gặp tai nạn rủi ro. Hậu quả của các tai nạn hàng hải thưòng rất lớn, có tai nạn mà việc khắc phục hậu quả có thể mất hàng chục năm. Tuy nhiên, theo thống kê có một thực tế là nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn hàng hải vẫn do yếu tố con người. Đã biết hậu quả của các vụ tai nạn hàng hải rất khó lường. Vậy tại sao chúng ta vẫn không thể tránh được những vụ tai nạn có thể tránh?

Nhìn lại những vụ tai nạn hàng hải 6 tháng đầu năm.

Ngày 12/1/2003, tàu Fortune Freighter quốc tịch Việt Nam, trọng tải 3.737 DWT, chủ tàu là Công ty Vận tải biển Việt Nam, sau khi rời cầu Cảng Sài Gòn đi Hải Phòng, đi ngang hạ lưu cảng Elf Gas đã đâm va với sà lan chở dầu AG 6139 được lai áp mạn bằng tầu AG 7174 chạy ngược chiều. Hậu quả là tàu lai AG 7174 và sà lan bị chìm cùng 600.000 lít dầu D.O, làm tràn ra sông khoảng 30.000 tấn dầu, làm gián đoạn giao thông đường thuỷ tại khu vực này hơn 30 giờ. Ngày 14/1/2003, Tàu Full City quốc tịch Panama va chạm cầu cảng Phú Mỹ gây thiệt hại nghiêm trọng ước tính trên 250.000 USD. Ngày 20/1/2003, tầu Union Star 88, quốc tịch Indonexia, trọng tải 2.700 tấn, trên đường từ cảng Mỹ Thới -An Giang đi Jakarta-Indonexia bị sự cố mắc lái, mắc cạn và chìm ở khu vực cửa Định An- Cần Thơ. Hậu quả là tầu chìm cùng 2.300 tấn gạo và 34 tấn dầu D.O. Có một vụ tai nạn mà nhiều người còn chưa quên đó là vụ tầu Bạch Đằng Giang, sau khi làm chìm khoang chở hàng để làm hàng đã mất khả năng làm nổi tại khu vực Hòn Gai - Quảng Ninh. Trên đây là một số vụ tai nạn điển hình, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những vụ tai nạn xảy ra 6 tháng đầu năm (4/47 vụ).

Vẫn lại là chuyện biết rồi ... không đổi

Cũng theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu ( chiếm hơn 70%) của các vụ tai nạn hàng hải 6 tháng đầu năm vẫn là do người điều khiển phương tiện. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn hàng hải trong nhiều năm trở lại đây. Các lý do được đưa ra là do trình độ và sự hiểu biết của người điều khiển phương tiện còn thấp. Sự am hiểu các quy định về an toàn hàng hải, các quy trình kỹ thuật và việc áp dụng thực tế của sỹ quan, thuyên viên đã hạn chế, lại không được cập nhật thường xuyên, kinh nghiệm thực tế của các sỹ quan thuyền viên không nhiều nên khó khăn trong việc xử lý các tình huống bất ngờ, phức tạp, các thuyền trưởng các tàu nhỏ (có tổng tấn dung tích dưới 200GT) được phép tự hoa tiêu dẫn tầu vào cảng nhưng lại không tìm hiểu đặc điểm hàng hải và sự thay đổi của luồng tầu... Để khắc phục điều này, nhiều năm trở lại đây, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải nước ta đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, đến nhiều đối tượng, thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật hàng hải, giám sát việc huấn luyện, thi và cấp chứng chỉ cho sỹ quan, thuyền viên. Song song với đó là việc in ấn và phổ biến các văn bản pháp luật hàng hải, nội quy cảng biển...Có thể nói, nhiều biện pháp tích cực đã được đưa ra nhưng hiệu qủa thực tế của nó vẫn chưa phát huy nhiều. Có thể khẳng định rằng, chỉ có thể giảm được số vụ tai nạn hàng hải do người điều khiển phương tiện gây ra khi mà ý thức của chính những người điều khiển phương tiện đó được nâng lên.

Liệu hậu quả mà các vụ tai nạn hàng hải 6 tháng đầu năm 2003 và nhiều năm trước đây để lại có thể trở thành bài học đối với những người điều khiển phương tiện không?

Tác giả: Theo Báo GTVT, Số 61