Tàu biển cũ trở thành mỏ vàng khi thương mại toàn cầu gián đoạn

22/06/2022

Sự gián đoạn của thương mại toàn cầu do đại dịch và tình trạng thiếu tàu chở hàng mới đã khiến cước vận chuyển bằng những con tàu cũ chở container lên các mức cao kỷ lục.

220622.9.jpg

Tranh thủ sự bùng nổ này, các công ty vận tải biển đang cho thuê dài hạn trong 3-4 năm. Điều này có nghĩa người tiêu dùng có thể phải trả cho phần chi phí tăng này cho đến khi hàng trăm con tàu mới đang được đặt hàng đi vào hoạt động.

Công ty Euroseas của Hy Lạp đã mua con tàu cỡ trung Synergy Oakland mang cờ Cộng hòa Cyprus, với sức chứa trên 4.200 container thép 20 feet, vào năm 2019 với giá 10 triệu USD, khi con tàu này đã hoạt động một thập niên.

Khi thương mại toàn cầu đình trệ trong năm ngoái, công ty đã thu được 21 triệu USD trong vòng hơn 100 ngày với cước vận chuyển theo ngày cao nhất trong lịch sử của một con tàu cỡ này.

Công ty có được lợi nhuận khoảng 10 triệu USD trong hai tháng trước khi cho thuê con tàu trong 4 năm với giá 61 triệu USD vào tháng Năm, một con số gấp 6 lần so với mức giá mua ba năm trước.

Theo hãng phân tích về vận tải biển Clarksons Research, đội tàu chở container của thế giới tiếp tục tăng trưởng về công suất trong đại dịch, với mức tăng 2,9% trong năm 2020, sau khi tăng 4% trong năm 2019 và 5,6% trong năm 2018.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu về hàng tiêu dùng trong giai đoạn phong tỏa nhằm kiểm soát dịch, sự tắc nghẽn của các cảng và tốc độ đóng tàu mới chậm lại, một phần do sự không chắn chắc về việc liệu những con tàu có tuân thủ các quy định mới về môi trường hay không là những yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng vận tải biển và khiến giá cước cao kỷ lục.

Công suất vận chuyển container tăng 4,5% trong năm ngoái, chủ yếu nhờ những con tàu rất cũ vẫn tiếp tục giong buồm, dù điều này là không đủ để hạ giá cước.

Một đánh giá của Reuters với hơn 30 giao dịch tư nhân đã hoàn tất trong 6 tháng qua cho thấy các công ty sở hữu tàu cho thuê tàu dài hạn ở mức kỷ lục để tranh thủ sự bùng nổ hiếm hoi này.

Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cải cách vận tải biển

220622.10.jpg

Ngày 13/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cải cách vận tải biển nhằm cải thiện việc giám sát vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp kiềm chế lạm phát và giảm tình trạng ùn đọng hàng hóa xuất khẩu tại nước này.

Dự luật đã nhận được 369 phiếu ủng hộ, 42 phiếu chống và dự kiến sẽ được chuyển Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành. Dự luật này sẽ tăng thẩm quyền điều tra của Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát vận tải hàng hóa bằng đường biển - và tăng tính minh bạch trong các hoạt động liên quan.

Luật mới sẽ cho phép FMC mở cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của các hãng vận tải, áp dụng các biện pháp thi hành luật, yêu cầu các hãng vận tải biển báo cáo FMC tổng trọng tải hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi quý, cấm các hãng vận tải từ chối tiếp nhận hàng xuất khẩu của Mỹ với lý do không phù hợp.

Trước đó, Thượng viện đã phê chuẩn Đạo luật Cải cách vận tải biển vào tháng 3. Mặc dù Hạ viện đã thông qua dự luật từ tháng 12/2021, song các nghị sĩ cần thêm thời gian để giải quyết các bất đồng về nội dung, trước khi Tổng thống Biden ký ban hành.

Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, phí vận chuyển đắt kéo theo hàng loạt chi phí của doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cao, khiến các sản phẩm thiết yếu bị ứ đọng tại các cảng.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Charles Schumer nhận định lạm phát đang là mối quan tâm chính của người dân Mỹ tại thời điểm này và tình trạng tồn đọng hàng hóa tại các cảng là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến giá cả leo thang. Theo ông, dự luật trên sẽ giúp giải quyết những vấn đề nêu trên.

Lạm phát Mỹ đã chạm ngưỡng 8,6% trong tháng 5. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1981 trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt.

Quốc hội Mỹ hiện không có nhiều công cụ để chống lạm phát. Ngoài dự luật trên, đảng Dân chủ cũng đang thúc đẩy các biện pháp nhằm hạ giá thuốc kê đơn để góp phần giải quyết vấn đề này.

Tuần trước, Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ cho biết lượng hàng hóa nhập khẩu tại các cảng chính dự kiến sẽ gần đạt mức kỷ lục trong tháng này, khi các nhà bán lẻ tìm cách đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tự bảo vệ trước tình trạng gián đoạn tại các cảng Bờ Tây nước Mỹ./.

Tác giả: L. Minh - Đ. Ánh