Thuyền viên mắc kẹt vì dịch: ILO cảnh báo nguy cơ tai nạn hàng hải và kêu gọi hỗ trợ

23/06/2021

Trong một báo cáo công bố cuối năm 2020, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền của thuyền viên khi không thể lên bờ và nguy cơ tai nạn hàng hải so sự mệt mỏi và các vấn đề sức khoẻ của thuyền viên khi mắc kẹt vì dịch COVID-19. Cảnh báo này mới đây lại được nhắc lại trong một sáng kiến ​​chung của Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Văn phòng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cùng lên tiếng cảnh báo về những vấn đề liên quan tới tình trạng mắc kẹt của các thuyền viên, người lao động trên biển do dịch COVID-19.

Hơn 200.000 thuyền viên mắc kẹt trên biển

Các tổ chức này cảnh báo về các vấn đề liên quan tới tình trạng mắc kẹt của các thuyền viên, người lao động trên biển do dịch COVID-19, trong đó số lượng thuyền viên mắc kẹt hiện tại là 200.000 người có nguy cơ tăng trở lại mức kỷ lục 400.000 người như thời điểm khủng hoảng vào tháng 9.2020.

Các cơ quan của Liên Hợp quốc bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về việc thuyền viên làm việc vượt quá giới hạn phục vụ tối đa 11 tháng trên tàu do Công ước Lao động Hàng hải của ILO (MLC) đề ra.

Theo ghi nhận của Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) và ILO, thời gian qua tất cả các quốc gia thành viên đều không tuân thủ các quy định chính của Công ước trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là liên quan đến hợp tác giữa các thành viên, khả năng tiếp cận chăm sóc y tế và hồi hương của thuyền viên. Do đó, ngoài những lo ngại về nhân đạo liên quan đến việc vi phạm quyền của thuyền viên, giờ đây còn có nguy cơ là sự mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến tai nạn hàng hải nghiêm trọng.

ILO cho biết, đã nhận được thông tin về hàng trăm đơn khiếu nại của cá nhân thuyền viên được gửi trực tiếp hoặc do Đội Hành động Khủng hoảng Thuyền viên do Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thành lập trực tiếp gửi đến.

Tình hình này được nhận định đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo bất chấp mức độ đối thoại xã hội chưa từng có giữa các bên chủ chốt của ngành hàng hải ở cấp độ quốc tế và mức độ hợp tác cao giữa họ, giữa nhiều chính phủ và các cơ quan của Liên hợp quốc, dưới sự lãnh đạo của ILO và IMO.

ILO lưu ý với mối quan tâm sâu sắc rằng, trong khi các cảng trên khắp thế giới vẫn tiếp tục hoạt động liên tục trong thời kỳ đại dịch thì thuyền viên - những người cung cấp một dịch vụ tiền tuyến quan trọng cho xã hội, với hơn 90% thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển, bao gồm cả thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp y tế quan trọng - phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn khắc nghiệt để lên tàu và quá cảnh qua các nước để hồi hương.

Các thuyền viên được yêu cầu phải tiếp tục làm việc vượt quá các điều khoản đã thỏa thuận trong các hợp đồng tuyển dụng thuyền viên của họ (SEA), họ bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trên bờ (Quy định 4.1) và bị tước mất quyền hồi hương (Quy định 2.5), quyền nghỉ phép hàng năm và quyền đi bờ (Quy định 2.4) trong một số trường hợp. Cần nhắc lại rằng trên hầu hết các tàu không có nhân viên được đào tạo về y tế và hậu quả là khi việc tiếp cận với chăm sóc y tế trên bờ bị từ chối, các thuyền viên đã không được chăm sóc y tế.

ILO kêu gọi hỗ trợ thuyền viên

Về vấn đề này, ILO cho rằng sự mệt mỏi tột độ của những thuyền viên đã ở trên tàu quá thời hạn phục vụ tối đa 11 tháng mặc định trên tàu theo Công ước không chỉ tạo thành một tình huống nguy hiểm rõ ràng cho sự an toàn và sức khỏe của những thuyền viên liên quan, mà còn gây ra nguy hiểm sâu sắc đến sự an toàn của hàng hải nói chung.

Do đó, ILO kêu gọi các chính phủ của Quốc gia có cảng cần cho phép thuyền viên được hưởng quyền đi bờ theo Quy định 2.4, khoản 2, nhưng phải tuân theo sự tôn trọng nghiêm ngặt của bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào áp dụng cho người dân địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương của các thuyền viên làm việc trên các tàu ghé cảng của mình hoặc đi qua lãnh hải hoặc nội thủy của mình; cho phép và tạo điều kiện thay thế cho những thuyền viên đã rời tàu và qua đó đảm bảo an toàn định biên của tàu, bằng cách đối xử nhanh chóng và không phân biệt đối với các thuyền viên mới vào lãnh thổ của mình chỉ để xuống tàu của họ; đảm bảo rằng các thuyền viên ở trên tàu đang ở trong lãnh thổ của mình cần được chăm sóc y tế được tiếp cận ngay lập tức với các cơ sở y tế trên bờ và hạn chế việc đưa ra và / hoặc liên tục thay đổi các biện pháp hạn chế của quốc gia và / hoặc những quy định của cảng có thể cản trở việc lập kế hoạch trước cho chuyến đi một cách hợp lý của tàu và tránh việc thực thi và bắt buộc thực hiện Công ước một cách không nhất quán so với các nước thành viên khác.

Vướng dịch COVID-19, 1.500 thuyền viên kẹt đường về quê hương

230621.1.jpg

Các thuyền viên Việt Nam bị kẹt lại ở nước ngoài do dịch COVID-19 đang gặp khó trên hành trình trở về quê hương.

Hết hợp đồng phải lên bờ mà muốn hồi hương thì phải nằm chờ và không biết chờ đến bao giờ là tình trạng mà anh Lường Ngọc Hợp một trong 1.500 thuyền viên Việt Nam đang phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chính sách đóng cửa của nhiều quốc gia cùng quy định siết chặt của một số địa phương khiến đường về nhà của những người lao động đặc thù này trở nên xa quá.

Gần 50 ngày “nằm im” trong khách sạn

Anh Lường Ngọc Hợp, 37 tuổi quê Thanh Hoá chia sẻ câu chuyện của mình với phóng viên báo Lao Động qua mạng xã hội Zalo. Anh Hợp làm thuỷ thủ viễn dương 12 năm nay. Sau hơn 8 tháng lênh đênh trên biển trên một con tàu của Nhật Bản, anh Hợp được cập cảng Manilla, Philippines để thay thuyền viên như thông lệ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, anh Hợp bị mắc kẹt tại một khách sạn ở Manilla và chưa biết ngày về.

Anh cho biết đã gửi đơn tới đại sứ quán Việt Nam ở Philippines nhờ giúp đỡ để được về nước, nhưng hiện chưa có chuyến bay từ Philippines về Việt Nam, nên câu trả lời anh nhận được chỉ là “chờ đợi”. Do dịch bệnh, anh Hợp chỉ được phép ở trong phòng khách sạn, không được ra ngoài, không được tiếp xúc với ai, đồ ăn được mang tới phòng. Dù mọi chi phí ăn ở do chủ tàu chi trả nhưng việc gần như “bị giảm lỏng” khiến anh nhiều lúc rất bức bối.

“Tôi ở một mình trong phòng 47 ngày qua, không được ra ngoài, không tiếp xúc với ai và chỉ biết mòn mỏi chờ đợi mà không biết lúc nào mới được về với vợ con. Điều kiện ăn ở thì ổn nhưng đồ ăn không quen, tôi đã giảm 3kg và cảm thấy rất stress. Tôi rất mong muốn được về nhà. Tôi rất nhớ vợ con và mong các cơ quan đoàn thể liên quan giúp đỡ anh em thuyền viên chúng tôi đang mắc kẹt ở nước sớm được đoàn tụ với gia đình”, anh Hợp tâm sự với chúng tôi trong điều kiện wifi chập chờn lúc được lúc không.

Cũng gần như "mắc kẹt" vì đại dịch, nhưng Phạm Đình Văn, 25 tuổi, quê Phú Yên quyết định kéo dài hợp đồng thay vì lên bờ "nằm chờ". Văn cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đi tàu với chủ tàu người Hà Lan. Tuy nhiên, chuyến đi đã dài hơn dự kiến khá nhiều. Theo kế hoạch, tôi đáng lẽ được lên bờ tại Nhật Bản tháng 5 vừa rồi để về nhà nghỉ ngơi với gia đình trước khi có hành trình mới. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, tôi không thể về nước mà nếu lên bờ nằm chờ như một số anh em thuyền viên khác thì cũng mệt mỏi vì chẳng biết ngày về nên tôi đành đi tiếp. Tính ra tới nay tôi đã đi được 12 tháng 4 ngày và tôi hy vọng tới tháng 8, khi hết hợp đồng tôi có thể trở về Việt Nam thăm gia đình vì bố mẹ tôi ở nhà rất lo lắng cho tôi và tôi cũng không yên tâm khi đi quá lâu".

230621.2.jpg

Một số thuyền viên vừa may mắn được về nước.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thái Đô - thuyền trưởng tàu THE HARMONY - tàu treo cờ PANAMA, công ty UMMS Singapore quản lý (con tàu đầu tên của Tập đoàn Hòa Phát) cho biết, hơn một năm nay, các thuyền viên không được đi bờ (thông thường mỗi lần cập cảng tiếp nhiên liệu hoặc bốc dỡ hàng hoá, các thuyền viên có thể lên bờ mua sắm, giao lưu). Thông thường anh em đi làm từ 8-9 tháng là về nghỉ. Tuy nhiên, do dịch, nên rất nhiều người phải đi 14-15 tháng mới được nghỉ, thậm chí khi rời tàu rồi lên bờ lại nằm chờ ở các nước, có khi phải chờ mấy tháng mới được bay về Việt Nam do không có chuyến bay.

"Như mình năm ngoái, chờ bên Nhật một tháng ở khách sạn sau đó mới có vé để bay về. Đợt đó, tôi làm việc cho chủ tàu Nhật Bản, do vậy phát sinh thêm nhiều chi phí cho chủ tàu (chủ tàu phải chi trả toàn bộ chi phí cho thuyền viên cho đến khi họ an toàn về đến nhà, bao gồm cả chi phí cách ly). Chính vì vậy, thời gian gần đây chủ tàu nước ngoài họ cũng hạn chế thuê thuyền viên Việt Nam do không thay được người." - anh Đô chia sẻ.

Hướng đi nào cho hơn 1.500 thuyền viên mắc kẹt?

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng số thuyền viên tại Việt Nam trong năm 2020 là 41.445 thuyền viên trong đó có 20.392 thuỷ thủ và thợ máy, 11.248 sĩ quan quản lý và 9.805 sĩ quan vận hành. Trong đó, theo báo cáo của các Cảng vụ Hàng hải, Hiệp hội và doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại có hơn 1.500 thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài cần hỗ trợ hồi hương. Bên cạnh đó, có một số lượng lớn thuyền viên (chưa thống kê chi tiết) đang làm việc ở nước ngoài trên 12 tháng mà không thể thay thế và hồi hương.

230621.3.jpg

230621.4.jpg

Hàng nghìn thuyền viên hiện đang mắc kẹt trên bờ hoặc trên tàu do dịch COVID-19. Nhiều người phải kéo dài thời gian hợp đồng và không được lên bờ.

Trong khi đó, theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải MLC 2020 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên, thời gian làm việc tối đa trên tàu của người lao động không được quá 12 tháng. Theo đó, lao động là thuyền viên, sĩ quan phải được hồi hương sau thời gian nêu trên, việc thuyền viên không được hồi hương đúng thời hạn sẽ không đáp ứng được quy định của Công ước.

Việc không tuân thủ quy định của Công ước sẽ dẫn tới việc quốc gia đó sẽ gặp bất lợi trong việc hợp tác về lĩnh vực đó đối với các quốc gia thành viên khác.

Cao hơn nữa, nếu bị Tổ chức quốc tế đó cho vào black list (danh sách đen) thì được xem như một sự đánh giá không đạt yêu cầu về lĩnh vực đó. Điều này sẽ dẫn đến những bất lợi trong việc hợp tác, giảm tính cạnh tranh của quốc gia đó trong lĩnh vực không tuân thủ.

Còn với các thuyền viên, áp lực công việc xa nhà, xa đất liền trong thời gian dài do dịch COVID-19 có thể tạo tâm lý căng thẳng, stress, trầm cảm dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, trên thực tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nước đang triển khai chính sách đóng cửa nên không có chuyến bay đi và đến Việt Nam. Do vậy, dù đại sứ quán Việt Nam tại các nước có hỗ trợ nhưng nhiều thuyền viên vẫn buộc phải chờ đợi đến ngày may mắn được hồi hương.

Thuyền viên mong sớm được tiêm vaccine để trở về

Anh Phạm Quang Trung, sinh năm 1971 - quê Thái Bình đang mắc kẹt ở Malaysia - cho biết anh theo nghề thuyền viên đã 20 năm. Anh ký hợp đồng với công ty từ ngày 15.3.2020, trong hợp đồng là 9 tháng cộng 1 nhưng do dịch nên phải ký đến lần thứ 4 và gia hạn ở nước ngoài.

“Tôi đã cầu cứu công ty rất nhiều, đến bây giờ đã đến tháng thứ 16. Tôi đã cách ly xong và 5 anh em chúng tôi đang kẹt ở Malaysia đã được 22 ngày nhưng vẫn chưa có lịch trình gì để trở về. Tâm trạng bây giờ của tôi thực sự rất buồn. Ở Malaysia mọi người cũng mắc phải dịch bệnh rất nhiều, vì vậy chúng tôi không dám ló mặt ra ngoài, chỉ đến bữa ăn thì ra cửa nhận đồ ăn thôi. Tôi lên đây từ ngày 29.5 nhưng cứ ăn là đau bụng và không thể chịu được, rất phiền toái. Chúng tôi cũng nhờ kêu gọi Việt Nam hoặc đại sứ quán để cố gắng giúp đỡ đưa thuyền viên về quê hương. Chúng tôi ở đây rất chán, chưa biết ngày nào sẽ được về với gia đình. Chúng tôi liên tiếp bị lùi ngày về nên rất bức xúc”- anh Trung cho biết. “Vấn đề kinh tế thì tiền bạc tôi cũng không có để lo những bữa ăn hằng ngày. Ăn uống ở bên này không như trên tàu ở Việt Nam, anh em chỉ uống nước để chịu đựng chứ không thể ăn được những món ăn ở không hợp khẩu vị. Từ 70kg nhưng chắc bây giờ tôi chỉ còn 64kg, xuống khoảng 5-6kg và anh em ai cũng vậy. Ở bên này không có cơm mà hay có mì, nó rất sượng và nếu có cà ri hay cá thì nó rất tanh, tôi không dám ngửi chứ đâu có nói đến chuyện ăn”- anh chia sẻ thêm.

Anh Trung cũng bày tỏ mong muốn được ưu tiên tiêm chủng và được cấp hộ chiếu vaccine như các nước.

Tác giả: K. Hòa