Đan Mạch có thể tổn hại tài chính nghiêm trọng vì tham vọng điện hóa ô tô

16/09/2020

Đan Mạch đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2050 nước này không có khí thải phương tiện.

Đan Mạch đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ không còn khí thải phương tiện

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, quá trình chuyển đổi quá “nóng”, chủ yếu dựa vào việc trợ cấp, giảm thuế nhằm kích cầu xe điện có thể làm tổn hại tài chính nghiêm trọng cho đất nước Bắc Âu này.

Nền kinh tế sẽ thâm hụt 907 triệu USD vào năm 2030

Chính phủ Đan Mạch xác định, giao thông là nguyên nhân gây ra 40% khí thải CO2, trong khi hiện tại mới chỉ có chưa đến 1% ô tô chạy bằng điện đang được sử dụng tại nước này.

Với lộ trình giảm ô nhiễm gấp rút, tính đến năm 2030, Đan Mạch phải cắt giảm 70% lượng khí thải. Đồng nghĩa, quá trình chuyển đổi sang ô tô điện phải tiến hành với tốc độ phi mã, tăng lên ít nhất 1 triệu chiếc đến năm 2030, so với mức hiện tại là 20.000 chiếc để đáp ứng mục tiêu chính phủ đưa ra. Đây là nhận định trong báo cáo của Hội đồng về Biến đổi Khí hậu, tổ chức cố vấn độc lập cho Chính phủ Đan Mạch.

Đến thời điểm này, chiến dịch điện hoá ô tô của đất nước Bắc Âu chủ yếu dựa vào thuế đường bộ và ô tô, với giá trị khoảng 50 tỉ crown Đan Mạch (tương đương 7,9 tỉ USD)/năm, chiếm khoảng 2,3% GDP trong hệ thống phúc lợi, theo báo cáo khác từ Ủy ban Ô tô.

Để số lượng ô tô điện đạt tới 1 triệu chiếc, thông qua tăng trợ cấp cho xe điện và nâng thuế đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, nền kinh tế của Đan Mạch sẽ thâm hụt 5,7 tỉ crown (tương đương 907 triệu USD) đến năm 2030.

“Như vậy, chỉ riêng mục tiêu 1 triệu xe điện đã đặt ra vấn đề cực lớn đối với nền kinh tế Đan mạch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khiến nền kinh tế kiệt quệ, chưa nói đến lâu dài khi điện hoá ô tô hoàn toàn”, ông Anders Eldrup, người đứng đầu Hội đồng về Biến đổi Khí hậu nhận định.

Do đó, Chính phủ Đan Mạch đã yêu cầu hội đồng này đề xuất các phương án cho phép chuyển đổi từ ô tô sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang ô tô điện trong thập kỷ tới mà không gây nguy hiểm tới ngân sách quốc gia.

Trong một báo cáo, hội đồng này cho biết, đã cân nhắc việc nâng mục tiêu bảo vệ môi trường so với cấu trúc kinh tế quan trọng theo nhiều kịch bản khác nhau nhưng chưa công bố thông tin cụ thể.

Không thể đua theo Na Uy

Trước đó, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Phương tiện Dịch vụ chung của Đan Mạch, ông Dan Jorgensen từng lên tiếng phản đối gay gắt việc Copenhagen học theo con đường chuyển đổi xe điện thành công của Na Uy.

Bộ trưởng Thuế Đan Mạch Morten Bodskov cho biết, Chính phủ mong muốn thực hiện một quá trình chuyển đổi xanh… nhưng theo báo cáo của Ủy ban Ô tô, giải pháp thực hiện không hề dễ dàng. Do đó, Chính phủ đang phải cân nhắc rất kỹ.”


Na Uy đang sở hữu tỷ lệ tiêu thụ ô tô điện bình quân đầu người lớn nhất thế giới và hướng đến 100% phương tiện bán mới sẽ là xe điện chỉ trong vòng 5 năm nữa.

Đồng nghĩa, mục tiêu của Na Uy tham vọng hơn cả Đan Mạch, chưa kể họ có chính sách trợ cấp cực kỳ hào phóng: Miễn 25% thuế giá trị gia tăng (VAT) vốn được áp với xe chạy bằng xăng hoặc diesel, được miễn thuế đường bộ, giảm 50% một số loại phí đường bộ…

Nhưng theo ông Jorgensen, sở dĩ Na Uy có thể thành công mà Đan Mạch thì không tất cả nằm ở chữ “tiền”. “Quá trình chuyển đổi này dễ dàng với họ (Na Uy) hơn vì họ có tiền. Họ làm ra tiền ở đâu? Chính là dầu mỏ”, ông Jorgensen nói.


Tác giả: T. Trần