Hàn Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường

16/05/2018

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, cũng như quá trình phát triển kinh tế không tính đến các yếu tố môi trường trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa đất nước… Những năm cuối thế kỷ XX, Hàn Quốc đã trải qua thời kỳ suy thoái môi trường do công nghiệp hóa nhanh tương tự như tình hình Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc đã làm thế nào để khắc phục và Việt Nam có thể rút được kinh nghiệm gì?

hàn quốc

Việt Nam nên tập trung ưu tiên các chính sách về thuế/phí môi trường để có thể áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Tăng tưởng kéo lùi môi trường
 
Trước đây, Hàn Quốc là nước nông nghiệp nghèo nàn, 85% dân số sống bằng nghề nông và ngư nghiệp, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức dưới 200 USD/người/năm. Điểm xuất phát của Hàn Quốc năm 1960 gần tương tự điểm xuất phát của Việt Nam khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng, khoảng 30 năm sau khi tiến hành công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp, với 85% dân số sống ở đô thị, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ 13 thế giới. Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 4 con rồng châu Á, được cả thế giới biết đến như một kỳ tích của công nghiệp hóa nhanh.

Tuy vậy, kéo theo đó là việc phá hủy môi trường cũng diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt. Theo báo cáo của Bộ Môi trường Hàn Quốc, lượng khí CO2 thải ra của Hàn Quốc năm 2004 là 590 triệu tấn, tương đương với 1,8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các ngành công nghiệp nặng và chế biến đã tiêu thụ khoảng 30% năng lượng của Hàn Quốc, trong khi cùng những ngành này, Nhật Bản tiêu thụ 20%, Mỹ với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới cũng chỉ tiêu thụ 14% năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng và chế biến. Chỉ có 31% nước thải đô thị đổ vào sông Kum là được xử lý, tỷ lệ này ở sông Nakdong là 33%, sông Yongsam là 48% và cao nhất lúc đó là sông Hàn cũng chỉ xử lý được 69%. Hàn Quốc được xếp vào hàng các nước có mức độ thải rác cao nhất thế giới. Nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Seoul đã lâm vào tình trạng khủng hoảng rác, có lúc đến cao điểm, gây ra những phản ứng mạnh mẽ dân chúng.
 
Thay đổi chính sách và tìm kiếm công nghệ
 
Năm 2011, Hàn Quốc đã ban hành Luật Hỗ trợ công nghệ và công nghiệp môi trường. Đồng thời, Hàn Quốc đã thay đổi các các chính sách về môi trường. Trong đó, tập trung vào cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí môi trường. Sự thay đổi này đã giúp cho tổng thu ngân sách từ các loại thuế, phí và lệ phí môi trường ở Hàn Quốc đạt 2,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao thứ 14 trong số 39 quốc gia phát triển. Nguồn thunày có thể đủ bù đắp cho chi ngân sách cho hoạt động BVMT (bao gồm cả chi cho cấp nước và BVMT thiên nhiên), tương đương với tổng mức chi môi trường chiếm hơn 2% GDP.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng rất nhiều chính sách khác nhằm nâng cao hiệu suất cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư trong lĩnh vực BVMT, như: Chính sách bắt buộc phân loại rác thải nguồn và chính sách đánh phí chất thải theo khối lượng xả thải, nhằm nâng cao tỷ suất tái chế chất thải; thúc đẩy các hệ thống gián nhãn sinh thái/môi trường cho các sản phẩm/dịch vụ, mua sắm xanh và lối sống xanh…
 
Đáng qua tâm, để giải quyết vấn đề rác thải nơi dân cư, Chính phủ thực hiện một chính sách thu phí đổ rác theo khối lượng. Theo quy định mới, thay vì nộp phí thu gom rác thải, các hộ gia đình phải mua túi đựng rác từ chính quyền thành phố. Bản thân cấu tạo các loại túi đựng rác đã hướng dẫn cho dân cách phân loại, tỉ mỉ tới mức phải phân loại rác theo kích thước và tập trung những rác có thể tái chế, như: giấy, plastic, đồ gỗ… vào một nơi nhất định. Thùng rác không những có cấu tạo nắp đầy kín, mà còn có khóa từ, các chủ hộ trong khu dân cư mới được sử hữu thẻ từ để mở các khóa này. Khoản thu từ tiền bán túi đựng rác được chính quyền địa phương dùng để hỗ trợ cho kinh phí cho việc thu gom, chuyên chở rác và cả tái chế. Để mọi người quen với quy định mới, Chính phủ đưa ra mức phạt 100.000 Won (khoảng 125 USD) với những hộ nào vi phạm quy định. Ngoài việc bị phạt tiền những người vi phạm còn bị nêu tên trên báo địa phương và bị coi như người vi phạm luật.
 
Ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như nợ công và thâm hụt ngân sách cao, những khó khăn này làm cho nhiệm vụ huy động vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trở nên khó khăn và không dễ hoàn thành. Do đó, Việt Nam nên tập trung ưu tiên cải cách, đồng thời, các chính sách về thuế/phí môi trường để có thể áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong việc huy động các nguồn đầu tư cho môi trường cũng như các chính sách môi trường khác nhằm tối đa hoá hiệu quả cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư đó.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc đã thực hiện 31 dự án về xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng môi trường ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,1 tỷ Won, trong đó, có 12 dự án là hợp tác giữa hai nước.
 


Tác giả: Linh Chi