Hàn Quốc công bố lộ trình trung hòa carbon vào năm 2050

19/10/2021

Hàn Quốc công bố 2 lộ trình chính sách sửa đổi nhằm thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng của nước này về mức 0% vào năm 2050.

191021.2.jpeg

Cuộc họp của Ủy ban về trung hòa carbon của Hàn Quốc tại Seoul.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, dưới sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in, Ủy ban về trung hòa carbon của Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ hai tại Seoul để xem xét và thông qua các chương trình nghị sự về việc triển khai các kế hoạch giảm thiểu khí thải carbon và khí nhà kính.

Sau khi tổ chức các cuộc điều trần công khai và thu thập ý kiến phản hồi của người dân trong 2 tháng qua, Ủy ban về trung hòa khí thải đã đưa ra lộ trình sửa đổi theo 2 kịch bản, trong đó kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than để sản xuất điện.

Trong kịch bản thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch loại bỏ sản xuất nhiệt điện than sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thực hiện mục tiêu không phát khí thải trong lĩnh vực cung cấp điện. Kịch bản thứ 2 nhằm mục đích xóa bỏ sản xuất nhiệt điện than nhưng tiếp tục sử dụng LNG như một nguồn điện linh hoạt.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, kịch bản đầu tiên đặt mục tiêu có 97% số phương tiện là xe điện hoặc ô-tô chạy bằng hydro. Kịch bản thứ 2 hướng đến mục tiêu 85% số ô-tô lưu thông trên đường có tác dụng thân thiện với môi trường, còn lại là các phương tiện sử dụng các loại nhiên liệu thay thế. Cả 2 lộ trình cũng bao gồm các đề xuất mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà.

Đầu tháng 10 này, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là giảm phát thải khí nhà kính ở mức từ 26,3% đến 40% vào năm 2030, so mức năm 2018. Theo TTXVN, mục tiêu này đã được Tổng thống Moon Jae-in xác nhận trong cuộc họp ngày 18/10.

"Nóng" cuộc đua giành thị phần xe điện tại Mỹ

191021.1.jpg

Tập đoàn Toyota Motor Corp đã ra thông báo về kế hoạch đầu tư 3,4 tỷ USD vào Mỹ đến năm 2030 để sản xuất pin ô tô, gồm việc xây dựng nhà máy pin trị giá 1,3 tỷ USD và tuyển dụng 1.750 công nhân Mỹ. Đây được cho là nỗ lực mới nhất của "đại gia" ô tô Nhật Bản này trong cuộc giành thị phần xe điện tại Mỹ.

Những bộ pin lithium-ion đó sẽ cung cấp năng lượng cho dòng xe hybrid và xe điện của Toyota. Tập đoàn này không cho biết cụ thể địa điểm xây dựng cơ sở này nhưng đặt mục tiêu bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2025.

Ông Ted Ogawa, Giám đốc điều hành chi nhánh Toyota khu vực Bắc Mỹ, cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp tạo ra các xe điện hợp túi tiền hơn cho người tiêu dùng Mỹ, giảm đáng kể lượng khí thải carbon và quan trọng là tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ trong tương lai. Toyota là nhà sản xuất ô tô mới nhất công bố kế hoạch sản xuất pin khi ngành công nghiệp này đang chạy đua để chuyển đổi sang sản xuất xe điện.

Hãng này, từng chỉ trích việc chính phủ thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện, cũng thừa nhận rằng họ phải đầu tư vào ô tô chạy bằng pin để duy trì tính cạnh tranh. Tập đoàn hy vọng xe hybrid và xe điện sẽ chiếm 70% doanh số bán hàng tại Mỹ vào năm 2030, tăng mạnh từ mức 25% hiện tại.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nước ngoài, bao gồm Toyota, Honda và Volkswagen, đang chạy đua vận động các nhà lập pháp đảng Dân chủ loại bỏ một điều khoản trong gói chi tiêu xã hội trị giá 3.500 tỷ USD sẽ cung cấp thêm khoản tín dụng thuế cho ô tô điện do công nhân Mỹ chế tạo.

Các nhà sản xuất ô tô không đăng ký tín dụng thuế mở rộng, bao gồm cả Tesla, cho rằng điều khoản này sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng xe điện. Trong khi đó, Stellantis, công ty mẹ của Chrysler, đã thông báo rằng sẽ hợp tác với LG Corp để xây dựng nhà máy pin của riêng mình ở Mỹ./.

Tác giả: TTX