Malaysia không quá mặn mà với ngành xe điện

24/02/2021

Chính phủ Malaysia không quá mặn mà với ngành xe điện. Nước này vẫn tập trung chủ yếu vào sản xuất ôtô sử dụng động cơ đốt trong.

​Theo trang Paultan, Malaysia đã bắt đầu khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Tuy nhiên trong một báo cáo phân tích của Maybank Investment Bank Research, đây là quốc gia tụt hậu so với phần còn lại của Đông Nam Á về thúc đẩy xe điện, dù từng dẫn đầu cuộc đua "xe năng lượng xanh" vào đầu những năm 2010.

Malaysia tut hau so voi ASEAN ve khuyen khich xe dien anh 1

Ngành công nghiệp ôtô tại Malaysia vẫn tập trung vào xe động cơ đốt trong và thờ ơ với xe điện.

Trong Chính sách Ôtô Quốc gia (NAP) 2020 của Malaysia đã vạch ra lộ trình của ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên kế hoạch bị trì hoãn trong vài tháng và được thông qua vào những ngày cuối cùng của chính quyền Pakatan Harapan. Lộ trình này không đưa ra thông tin cụ thể về bất kỳ ưu đãi nào dành cho doanh nghiệp sản xuất xe điện, đồng thời cũng không có chi tiết nào liên quan đến xe điện được đề cập trong Dự án Ôtô Quốc gia mới (NNCP).

Thay vào đó, NAP vẽ ra kế hoạch 5 năm tiếp theo, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghệ xe thế hệ tiếp theo (NxGV), mở rộng lĩnh vực di động dịch vụ (MaaS), hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo hệ sinh thái tổng thể được hưởng lợi từ hệ sinh thế NxGV và giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Kế hoạch 10 năm cũng bao gồm 7 lộ trình với 17 mục tiêu, như kế hoạch chi tiết về dịch vụ điện nhằm đạt được 125.000 trạm sạc sẵn sàng hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, Malaysia thiếu những cột mốc cụ thể mà các nước ASEAN đã vạch ra như Thái Lan, Indonesia hay Singapore, tiêu biểu như chương trình Land of Smiles của Thái Lan vào năm 2015, đặt mục tiêu xây dựng 1,2 triệu xe điện vào năm 2026.

Malaysia tut hau so voi ASEAN ve khuyen khich xe dien anh 2

Thái Lan là quốc gia ASEAN thu hút đầu tư từ các hãng xe điện và hãng sản xuất pin.

Là một phần của chương trình này, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch 3 giai đoạn, kéo dài đến năm 2036, bao gồm khuyến khích ngành xe điện, tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng và thuế phí, cùng nhiều lĩnh vực khác liên quan. Nước này muốn trở thành trung tâm xe điện của khu vực vào năm 2025 và đã giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện, sản xuất pin để thúc đẩy tham vọng của mình.

Trong khi đó, Indonesia đang thực hiện kế hoạch điện hóa phương tiện giao thông, chiếm ít nhất 20% tổng số phương tiện vào năm 2025, bao gồm 2.200 xe EV, 711.000 xe hybrid và 2,1 triệu xe máy điện.

Đối với Singapore, quốc đảo này đã công bố Ngân sách 2020, dự định loại bỏ dần xe động cơ đốt trong vào năm 2040, đồng thời đưa ra một số ưu đãi đối với người mua xe điện, cam kết xây dựng thêm các trạm sạc.

Các tiếp cận của Malaysia và các nước ASEAN khác cho ra kết quả hoàn toàn khác biệt. Hoạt động sản xuất xe tại Malaysia vẫn tập trung chủ yếu vào xe động cơ đốt trong. Điểm nhấn trong ngành công nghiệp ôtô của quốc gia này là việc Porsche sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tại đây.

Tuy nhiên, Malaysia cũng mất đi một hãng xe nước ngoài là Hyundai. Hãng xe Hàn Quốc chuyển trụ sở khu vực từ Mutiara Damansara, Malaysia đến Bekasi, Indonesia và xây dựng nhà máy mới trị giá 1,55 tỷ USD.

Malaysia tut hau so voi ASEAN ve khuyen khich xe dien anh 3

Việt Nam vượt mặt Malaysia về việc đầu tư xe năng lượng sạch.

Indonesia cũng đã thu hút nhiều tên tuổi lớn như Toyota và nhà sản xuất pin CATL - chuyên cung cấp pin cho Tesla. Hãng pin này sẽ xây nhà máy trị giá 5,1 tỷ USD tại Indonesia và dự kiến hoạt động từ năm 2024. Chính phủ Indonesia đang xem xét đề xuất đầu tư từ Tesla, bên cạnh hãng LG Chem cũng đang tìm cách xây dựng nhà máy pin tại đất nước này.

Singapore không phải quốc gia mạnh về sản xuất ôtô, nhưng Hyundai đang xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện quy mô nhỏ ở đây. Theo thống kê của Maybank Investment Bank Research, Việt Nam cũng vượt mặt Malaysia về đầu tư xe điện, với việc VinFast tiết lộ 3 mẫu SUV chạy điện mới và dự định sản xuất trong năm nay.

Trong khu vực ASEAN, phần lớn hãng xe điện đang chọn đầu tư vào Thái Lan. Từ năm 2018-2019, Hội đồng Đầu tư (BOI) của nước này đã phê duyệt 26 đơn đăng ký, với tổng giá trị 2,6 tỷ USD, bao gồm BMW, Mercedes-Benz và 3 hãng xe lớn của Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan. Cuối năm ngoái, BOI đã thông báo việc chấp thuận bổ sung một số công ty, bao gồm Mitsubishi và SAIC .

Ngược lại, Malaysia dường như đang ở thế kìm hãm, một số hãng ôtô đầu tư vào nước này than phiền về sự thiếu tiến bộ. Tuần trước, Mercedes-Benz Malaysia cho biết họ vẫn cam kết thực hiện chiến lược xe điện tại đây nhưng cần một lộ trình cụ thể hơn từ phía nhà nước. Không như phần còn lại của ASEAN, Chính phủ Malaysia dường như vẫn khá thờ ơ với xe điện.

Tác giả: Vũ Huỳnh