Quốc gia phản đối lệnh cấm ôtô động cơ đốt trong

14/09/2021

Thủ tướng sẽ bảo vệ ngành công nghiệp ôtô chủ chốt và thách thức đề xuất của EU về việc từ bỏ ôtô chạy bằng xăng, dầu vào 2035.

140921.4.jpg

Dây chuyền sản xuất xe điện Enyaq SUV của Skoda.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới lên kế hoạch cấm bán ôtô sử dụng động cơ đốt trong từ 2030, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis làm ngược lại, ông phản đối kế hoạch này.

"Chúng tôi sẽ không đồng ý với lệnh cấm bán ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch", Babis nói với hãng thông tấn địa phương iDnes. "Điều đó là không thể. Chúng tôi không thể ra lệnh cấm những gì mà những kẻ cuồng tín màu xanh lá cây nghĩ ra trong Nghị viện châu Âu".

Cộng hòa Czech sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào nửa cuối năm 2022 và theo Babis, sẽ ưu tiên chủ đề cấm xe ICE (Internal Combustion Engine - ôtô động cơ đốt trong) được đề xuất. Cộng hòa Czech sẽ hỗ trợ việc giới thiệu cơ sở hạ tầng cần thiết cho xe điện nhưng không trợ cấp cho việc sản xuất xe điện, Automotive News dẫn lời Thủ tướng.

Quốc gia nhỏ với chỉ hơn 10 triệu dân này có GDP cao thứ 16 trong số các quốc gia châu Âu và là một trong số những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới tính theo bình quân đầu người. Trên thực tế, ngành công nghiệp ôtô chiếm một phần ba nền kinh tế, với các hãng xe như Skoda, Toyota và Hyundai.

"Thỏa thuận xanh châu Âu" yêu cầu lượng khí thải trung bình của các loại xe mới giảm 55% so với mức năm 2021 vào năm 2030. Lượng khí thải trung bình sau đó cần giảm 100% vào năm 2035, có nghĩa "tất cả ôtô đăng ký mới tính đến năm 2035 sẽ không phát thải", theo EU (Liên minh châu Âu).

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô vào ngành xe điện

140921.5.jpg

Mẫu xe điện Nio ES8 tại triển lãm ôtô Thượng Hải hồi tháng 4 vừa qua.

Đầu năm nay, tính đến 15/8, có 81.000 doanh nghiệp mới liên quan tới "xe năng lượng mới", đưa tổng số đơn vị trong ngành đạt hơn 321.000. Trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao giá cổ phiếu của các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc, như Nio và Xpeng, thì hàng chục nghìn công ty đã tham gia xu hướng mới, theo số liệu của hãng nghiên cứu Qichacha.

Nếu so với năm ngoái, mức tăng trưởng của ngành này năm nay cao hơn nhiều. Trong cả năm 2020, có 78.600 doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực xe điện, mặc cho đại dịch Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc. Chỉ trong chưa đầy 8 tháng đầu năm nay, con số đã là 81.000 doanh nghiệp.

Dòng xe năng lượng mới chủ yếu gồm xe thuần điện và xe hybrid. Trung Quốc cũng là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, và tính đến hết 2025, khoảng 20% xe mới bán ra tại quốc gia này sẽ là xe năng lượng mới. Tuy nhiên, cổ phiếu của các hãng xe điện lớn đã rớt giá trong ngày 13/9 sau khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) chỉ ra rằng có thể sẽ có sự hợp nhất toàn ngành.

Bộ trưởng MIIT Xiao Yaqing nói: "Các doanh nghiệp của chúng ta cần lớn hơn và mạnh hơn. Lúc này số doanh nghiệp về xe năng lượng mới là quá nhiều, và nằm trong tình trạng manh mún và dàn trải".

Tu Le, nhà sáng lập hãng tư vấn Sino Auto Insights nhận xét: "Điều đó giống như sự tăng vọt đến mức dư thừa khi có quá nhiều thương hiệu và sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường. Tình trạng này thường xảy ra ở mọi lĩnh vực tại Trung Quốc và dẫn tới cuộc đua chỉ về giá thành. Các công ty không đủ sức cạnh tranh lại sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ".

Dữ liệu từ Qichacha cũng cho thấy, các nhà đầu tư đã rót hơn 12,7 tỷ USD vào 50 dự án liên quan tới xe điện trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc. BYD xếp hàng đầu trong số các hãng thu hút đầu tư. Nhưng Top 5 còn lại có cả công ty đang nợ đầm đìa, như Evergrande - hãng địa ốc lớn nhất Trung Quốc vốn chưa bao giờ thiếu các số liệu khiến thị trường vừa nể phục vừa lo sợ.

Trong 2020, các hãng công nghệ như Huawei, Baidu và Xiaomi đều xuất hiện trong các bản tin về xe điện khi tham gia cuộc đua cùng các đối tác và nhà đầu tư trong ngành. Cổ phiếu của Nio trong năm 2020 đã tăng 1000% sau khi nhận một tỷ USD từ các nhà đầu tư. Xpeng cũng thông báo đã nhận được hơn 77,5 triệu USD từ chi nhánh đầu tư ở tỉnh Quảng Đông, nơi startup này đặt trụ sở chính. Năm nay, cổ phiếu của Nio tại thị trường chứng khoán Mỹ giảm 22%, trong khi của Xpeng cũng thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác giả: Vũ-Anh