Thiếu linh kiện làm giá xe tăng mạnh

10/05/2021

Các nhà phân tích ước tính giá nguyên liệu thô của ôtô đã tăng 83% trong năm tính đến tháng 3.

Hạn chế linh kiện và nhu cầu mua mới cao khiến giá xe ngày càng tăng. Nhiều nguyên liệu thiết yếu cho các nhà sản xuất ôtô, như đồng, thép và nhôm, đang đạt hoặc vượt mức giá cao kỷ lục trong năm nay do nguồn cung chậm lại, không thể theo kịp với nhu cầu. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index (đo diễn biến giá của 23 loại hàng hoá cơ bản) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, với kim loại đã tăng 21% trong năm nay.

Bên trong một nhà máy sản xuất ôtô. Ảnh: Carscoops

Bên trong một nhà máy sản xuất ôtô

Nếu khủng hoảng linh kiện không sớm được giải quyết, nó sẽ là nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase&Co. ước tính giá nguyên liệu thô của ôtô đã tăng 83% trong năm tính đến tháng 3, chúng chiếm khoảng 10% chi phí làm nên một chiếc xe. Tức là nếu giá một chiếc xe mới là 40.000 USD sẽ phải tăng 8,3% để bù đắp cho đà tăng giá.

Jim Farley, giám đốc điều hành của Ford cho biết vào tuần trước: "Chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn về nguồn linh kiện, lạm phát ở nhiều nguồn cung khác nhau trong ngành, điều không xảy ra trong nhiều năm".

Các nhà sản xuất ôtô thường gặp khó khăn khi chi phí sản xuất cao hơn, nhưng nhu cầu đang bùng nổ khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại và nhiều người tiêu dùng tiếp tục tránh các phương tiện giao thông công cộng. Sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu cũng đang kìm hãm sản xuất, khiến hàng tồn kho khan hiếm và giá xe tăng.

Tại Mỹ, nguồn cung ôtô hạn chế đến mức các công ty cho thuê xe đang phải mua xe cũ bán đấu giá thay vì mua xe mới. Nguyên nhân chính khiến chi phí hàng hóa cao hơn trong ngành là thép cần thiết cho khung gầm, động cơ và la-zăng xe tăng cao. Đà tăng gần đây của kim loại đã phá vỡ kỷ lục khi Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất cho đến nay đã thực hiện các biện pháp để hạn chế sản lượng.

Sự bùng nổ về giá đồng làm tăng thêm chi phí của xe điện. Theo chuyên gia tư vấn Wood Mackenzie, xe điện sử dụng lượng đồng nhiều hơn gần 3,5 lần so với xe xăng do lượng dây bên trong lớn hơn. Các nhà cung cấp cũng khuyến khích các nhà sản xuất ôtô khám phá các chất hóa học thay thế cho pin điện của họ. Phần lớn các cell pin sử dụng kết hợp lithium, coban và niken, đã tăng giá tối thiểu 47% trong 12 tháng qua.

Ford và BMW nằm trong số những công ty đầu tư 130 triệu USD trong tháng này vào công ty khởi nghiệp pin Solid Power, công ty đang nghiên cứu các cell pin không dùng những kim loại này, có thể giúp chi phí gói pin giảm 10 lần.

Caspar Rawles, người đứng đầu bộ phận đánh giá dữ liệu và giá tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết: "Họ đang tìm cách phân tán rủi ro, do không có bảo hiểm cho lithium hoặc coban".

BMW dự kiến sẽ gặp thuận lợi từ việc giá hàng hóa tăng lên tới 1,2 tỷ USD trong năm, giám đốc tài chính Nicolas Peter cho biết trong một cuộc họp báo cáo thu nhập. Nhà sản xuất ôtô hạng sang chỉ ra rhodium, thép và paladium là những mối lo ngại trong những tháng tới. Về lâu dài, BMW đang nỗ lực để ít bị ép giá hơn đối với các vật liệu chính. Từ năm 2025, hãng xe này có kế hoạch sản xuất xe theo kiến trúc mới cho phép tái chế các vật liệu như thép, nhôm và nhựa để chế tạo xe mới.

Nhà sản xuất xe Jeep, Stellantis - được thành lập từ sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA Group, cho biết họ cần phải bù đắp một số loại chi phí cao và vẫn đang hỗ trợ thị trường cho đến nay.

Thiếu chip, các hãng xe cắt bớt thiết bị điện tử

Nissan có thể bỏ hệ thống định vị GPS trên hàng nghìn xe mới, trong khi Renault đã dừng cung cấp đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu Arkana. Hoãn sản xuất, thậm chí tạm đóng cửa nhà máy nằm trong số những động thái mà các hãng ôtô đã thực hiện để xoay xở trước tình hình thiếu chip trên toàn cầu. Và khi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, các hãng bắt đầu có những biện pháp sáng tạo hơn nhằm giải quyết rắt rối.

Theo Bloomberg, Nissan sẽ bỏ hệ thống định vị GPS trên hàng nghìn xe mới, Renault đã dừng cung cấp cụm đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu Arkana, và Ram tạm dừng lắp gương chiếu hậu thông minh trên mẫu bán tải 1500. Tất cả chỉ vì thiếu chip.

Đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu Renault Arkana - thiết bị điện tử hiện bị thay thế bằng đồng hồ cơ thông thường vì thiếu chip. Ảnh: Renault
Đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu Renault Arkana - thiết bị điện tử hiện bị thay thế bằng đồng hồ cơ thông thường vì thiếu chip.

Tình trạng thiếu chip diễn ra khi các hãng xe đang bắt đầu sản xuất những chiếc ôtô thông minh hơn và an toàn hơn, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều hơn từ máy tính. Những kế hoạch cắt giảm, trì hoãn, tạm dừng sản xuất có thể khiến doanh số ôtô năm nay giảm hàng triệu xe, và các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ không lạc quan hơn cho đến năm 2022.

Mark Liu, chủ tịch của TSMC (Đài Loan), cũng là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nói rằng hãng này chỉ có thể bắt đầu đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của khách hàng ngành ôtô vào tháng 6 này. Liu cũng cho biết, việc thiếu chip có thể kéo dài tới đầu 2022, nhưng các hãng xe đơn giản là không thể để các nhà máy "ngồi không" lâu như thế.

Tuy nhiên, các hãng vẫn đủ may may mắn để đảm bảo lượng cung chip dù hạn chế, để trang bị cho các mẫu xe lợi nhuận cao hơn và bán được nhiều hơn. Ví dụ, Peugeot từng thông báo rằng sẽ thay đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu 308 bằng loại đồng hồ cơ truyền thống.

General Motors (GM) buộc phải sản xuất mẫu bán tải Chevrolet Silverado mà không có mô-đun quản lý nhiên liệu, công nghệ gây ảnh hưởng tới khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe. Nissan thậm chí thuê máy bay vận tải để chở chip từ Ấn Độ tới Mỹ, đảm bảo quá trình sản xuất của hãng ở Bắc Mỹ vẫn được duy trì.

Một cách để các hãng xe và các nhà cung ứng có thể vượt qua khó khăn hiện nay là tận dụng bất cứ loại chip nào có thể, gồm cả loại được sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đặc biệt. Những loại chip dưới chuẩn này, Bloomberg cho rằng, sẽ không gây nguy hiểm cho hệ thống an toàn của xe, nhưng về lý thuyết có thể khiến hệ thống thông tin giải trí hoặc kiểm soát khí thải gặp trục trặc trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Sig Huber, một chuyên viên tại hãng tư vấn Conway MacKenzie và cựu giám đốc mua sắm tại Fiat Chrysler, nói rằng các hãng ôtô có thể mua chip mới và viết lại phần mềm. Hồi tuần trước, Tesla từng tiết lộ rằng họ đã giảm bớt khó khăn bằng cách tìm kiếm các nhà cung ứng chip mới, rồi sau đó nhanh chóng viết phần mềm mới cho số chip này.

Tác giả: Ánh Dương-Mỹ Anh