Tuổi trung bình của xe hơi đạt kỷ lục mới

17/06/2021

Thời gian hoạt động trung bình của ôtô đã tăng từ 11,8 năm từ 2019 lên thành 12,1 năm trong 2020, theo nghiên cứu mới nhất của IHS Markit.

Hiện có khoảng 280 triệu ôtô lưu hành tại Mỹ. Ảnh: USA Today

Hiện có khoảng 280 triệu ôtô lưu hành tại Mỹ.

12,1 năm cũng là tuổi trung bình cao nhất của xe hơi trong nhiều thập kỷ, đồng thời tăng đáng kể so với mức 9,6 năm từ 2002. Kết quả nghiên cứu được hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cung cấp.

IHS nói rằng, mức tăng 2 tháng trong tuổi trung bình của xe hơi trong 2020 so với 2019 có thể tồn tại trong khoảng thời gian ngắn khi doanh số của cả xe mới và xe cũ tiếp tục tăng khi dịch bệnh có xu hướng giảm mạnh.

Số quãng đường ôtô đi được tại Mỹ cũng giảm 13% trong 2020, theo IHS. Ngoài ra, 15 triệu xe trở thành phế thải, tức khoảng 5,6% tổng số xe tham gia lưu thông tại quốc gia này.

Thông thường, số lượng xe trở thành phế thải cao như mức trên sẽ đồng nghĩa tuổi trung bình của xe hơi giảm. Nhưng số quãng đường đi ít hơn, kết hợp với doanh số thấp hơn do đại dịch, tạo hiệu ứng ngược, với việc tăng tuổi trung bình của ôtô.

Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng, việc thiếu chip - yếu tố làm giảm phần nào sản lượng ôtô - dẫn tới việc các đại lý ít hàng trong kho hơn và giá cả lạm phát, cuối cùng lại khiến giá xe cũ tăng.

IHS cho rằng những yếu tố này có thể gây ra hậu quả là tuổi trung bình xe hơi sẽ giảm trong 2021 khi nhiều người sẽ bán hoặc đổi chiếc xe có tuổi đời cao đang sử dụng.

Tesla được kêu gọi cho các đối thủ dùng chung hệ thống sạc

Trạm sạc Supercharger của Tesla tại Mogendorf, bang Rhineland-Palatinate, Đức. Ảnh: PlugShare

Trạm sạc Supercharger của Tesla tại Mogendorf, bang Rhineland-Palatinate, Đức.

Bộ trưởng Giao thông của quốc gia Tây Âu đang thuyết phục hãng xe điện Mỹ mở hệ thống sạc Supercharger cho cả các hãng xe khác sử dụng cùng.

Bộ trưởng Andreas Scheuer nới với tờ Neue Osnabrücker Zeitung rằng có một số vấn đề kỹ thuật cần giải quyết nhưng ông kỳ vọng sẽ đạt được một giải pháp. Scheuer cũng thêm rằng mục tiêu là đảm bảo khách hàng của mọi thương hiệu có xe điện đều có thể tiếp cận các trạm sạc chỉ với một hệ thống thanh toán, và lý tưởng nhất là qua điện thoại thông minh.

"Tôi đang đàm phán trực tiếp với các hãng xe như Tesla để đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện nay, ví dụ hệ thống Supercharger của Tesla, sẽ mở ra cho các hãng xe khác", Scheuer nói. Tại Đức, Tesla hiện có hơn 1.000 điểm sạc và tổng cộng khoảng 40.000 trạm sạc công cộng, theo Hiệp hội năng lượng BDEW.

Mở rộng cơ sở hạ tầng là điều cần thiết để hướng tới việc sử dụng rộng rãi dòng xe điện và đang là một thách thức tại Đức, với việc các hãng xe cũng như các dịch vụ hạ tầng đưa ra những giải pháp khác nhau.

Thực tế, hệ thống Tesla Supercharger là hệ thống sạc nhanh đắt nhất thế giới. Thay vì dựa vào bên thứ ba như phần lớn các hãng xe khác, Tesla tự phát triển hệ thống riêng. Sau một thập kỷ từ khi có trạm sạc Supercharger đầu tiên, hiện hãng có hơn 25.000 trạm trên toàn thế giới, và chỉ xe Tesla có thể sạc ở đây.

Tuy nhiên, Tesla từng nói rằng họ sẽ cởi mở với ý tưởng chia sẻ hệ thống Supercharger với các hãng ôtô khác, nhưng còn tùy thuộc vào thỏa thuận chia sẻ chi phí.

Tác giả: M. Anh