Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm khai thác xe 4 bánh gắn động cơ điện trên địa bàn 13 địa phương gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh.

Ảnh: Xe điện đang phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Sau 6 năm phát triển, đến nay, 13 địa phương trên cả nước hiện có tổng số 40 doanh nghiệp và một số hộ kinh doanh với số lượng trên 1.414 xe đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Các dự án sử dụng phương tiện này cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn, tốc độ di chuyển thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông… Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, thể hiện được tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép loại hình phương tiện 4 bánh có gắn động cơ được hoạt động chính thức trong vùng hạn chế tại các tỉnh, thành phố, cho phép số lượng phương tiện hiện đang hoạt động tại các địa phương nhưng thiếu hồ sơ do quá trình đăng kiểm, đăng ký cấp biển số. Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh quy định phạm vi khu vực hạn chế, tuyến đường và số lượng phương tiện được phép đầu tư hoạt động trên địa bàn địa phương mình đảm bảo phù hợp với nhu cầu, đồng thời không ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị. Thực hiện báo cáo Bộ GTVT định kỳ hằng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kiến nghị giao Bộ Tài chính bổ sung danh mục và mức tính các loại thuế đối với loại phương tiện này; mức thu phí, lệ phí kiểm định, phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ, xây dựng và kê khai giá đối với loại phương tiện này.