Hội nghị chuyển đổi số Ngành GTVT

25/10/2021

Chiều 22/10, tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội nghị chuyển đổi số Ngành Giao thông vận tải. Hai Bộ đã ký Chương trình phối hợp giữa Bộ GTVT và Bộ Thông tin Truyền thông và nhiều Biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan của hai Bộ.

251021n.jpg

Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT  Lê Thanh Tùng khẳng định Bộ GTVT hoàn thành tốt các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng cho biết thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, về xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 60/60 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. Duy trì Cổng Dịch vụ công GTVT, cung cấp 240 dịch vụ công (gồm 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong thời gian qua mặc dù Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp công nghệ nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Các vấn nạn như tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tuy đã giảm nhưng chưa bền vững và chưa có sự tham gia tích cực của các giải pháp công nghệ tiên tiến. Các khâu, các lĩnh vực từ vận hành, giám sát, hậu kiểm chưa thực sự hiện đại nên hiệu quả chưa tương xứng. "Có thể nói, nhận thức về triển khai Chính phủ điện tử chưa đồng đều giữa các đơn vị thuộc Bộ; Nguồn lực dành cho xây dựng, triển khai các hệ thống CNTT còn hạn chế; Ứng dụng và dữ liệu mới chỉ đáp ứng mục tiêu, quản lý của Bộ GTVT, chưa được kết nối với các bộ, ngành, địa phương để dùng chung; Vấn đề về an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin luôn thường trực, nhất là các hệ thống quản lý, điều hành, giám sát phương tiện", Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho biết Bộ GTVT đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị chuyển đổi số giữa Bộ GTVT và Bộ Thông tin truyền thông cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên.

251021n.1.jpg

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số và chuyển đổi số là xu thế tất yếu của kỷ nguyên số. Đồng thời Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cũng khẳng định, chuyển đổi số chắc chắn giải được các bài toán khó của Ngành GTVT từ quy hoạch đến các vấn đề hàng ngày như quản lý điều tiết giao thông thông minh, giảm ùn tắc giao thông… Muốn giải được các bài toán này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT thì các doanh nghiệp công nghệ thông tin không thể tự mình làm mà phải có môi trường, tri thức và dữ liệu do Ngành GTVT cung cấp mới phát triển và đưa ra được các giải pháp tối ưu. "Sự hợp tác, hỗ trợ nhau giữa hai bên là điều kiện tiên quyết để các dự án thành công", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Đối với câu hỏi "Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu", Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, đối với ngành GTVT, chuyển đổi số nên bắt đầu từ những bài toán khó, tồn tại lâu dài trong ngành, chẳng hạn như: Tắc đường ở thành phố lớn; Chi phí cho logistics chiếm tỷ trọng còn cao trong GDP; Tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều… Vấn đề ngành GTVT Việt Nam đang gặp phải cũng chính là vấn đề chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do đó, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và cũng dễ nhất để giải quyết những bài toán này là học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để áp dụng theo. Người đứng đầu ngành TT&TT cũng nhấn mạnh đến từ khóa "hiệu quả" trong triển khai các dự án nhằm thực hiện chuyển đổi số. Trả lời câu hỏi chuyển đổi số bắt đầu từ những dự án to hay nhỏ, Bộ trưởng khẳng định, vì chuyển đổi số là quá trình lâu dài, liên tục, do vậy hãy bắt đầu từ những dự án mà sau 1 năm, nhiều lắm là 2 năm, mang lại hiệu quả rõ nét, cụ thể. Từ đó tạo ra niềm tin vào chuyển đổi số và dựa trên những kết quả đạt được đó, đề ra những quyết định lớn hơn. Hãy luôn nhìn vào giá trị và hiệu quả mà các dự án chuyển đổi số mang lại. Hãy thận trọng với những dự án hoành tráng, Bộ trưởng Bộ TT&TT lưu ý.

251021n.2.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, công ty công nghệ cam kết đồng hành và sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ để hỗ trợ ngành GTVT thực hiện các bài toán về quản lý, chi phí trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết, những năm qua, doanh nghiệp này đã phát triển và khai thác hiệu quả các nền tảng công nghệ như dữ liệu lớn (big data), Internet kết nối vạn vật, thanh toán số, điện toán đám mây... Các nền tảng này sẽ giúp ngành GTVT nhanh chóng triển khai lập các cơ sở dữ liệu quốc gia một cách thông minh, liên thông dữ liệu, phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ cũng như kết nối với Chính phủ. Ví dụ cơ sở dữ liệu người lái, phương tiện, kết nối hạ tầng và phương tiện vận tải, đồng thời phục vụ các nhiệm vụ khác như: điều khiển giao thông, quản lý đăng kiểm, quản lý vận tải.

Ông Nguyễn Nam Long, Phó TGĐ Tập đoàn VNPT chia sẻ, giao thông là huyết mạch của một đô thị hay một quốc gia, gắn liền với phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến người dân. Để phục vụ người tham gia giao thông, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số mua vé tự động, thanh toán online. Cùng đó là hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Tự động nhận diện đối tượng để cảnh báo an toàn, an ninh tại các nhà ga, bến đỗ và phương tiện công cộng. Cũng theo ông Long, chuyển đổi số ngành GTVT cần ưu tiên và tạo ra hệ thống thông tin thông minh kết nối với người điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ văn hóa giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác điều hành hệ thống giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động và chống ùn tắc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025.

251021n.3.jpg

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ký kết Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số ngành GTVT giai đoạn 2021-2025

Hai Bộ thống nhất chương trình phối hợp gồm 6 nội dung. Trong đó, xây dựng, tạo lập nền tảng pháp lý cho việc triển khai hoạt động GTVT trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xử lý kịp thời các thách thức đặt ra đối với ngành GTVT trong thời kỳ mới.

Phát triển dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, dữ liệu phương tiện giao thông, dữ liệu người điều khiển phương tiện giao thông trở thành dữ liệu số quốc gia, đặt nền móng cho phát triển kinh tế số - xã hội số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của Bộ GTVT.

Xây dựng chương trình phát triển các hệ thống quản lý, điều hành giao thông; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và tự chủ từng phần, hướng tới tự chủ hoàn toàn trong công nghệ chế tạo, phát triển các hệ thống điều khiển, điều hành giao thông như: hệ thống giao thông thông minh; hệ thống điều hành đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; hệ thống giám sát, nhận dạng phương tiện hàng hải.

Thúc đẩy xây dựng, triển khai các nền tảng số trong GTVT, trong đó ưu tiên đối với các nền tảng: quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; Nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động; Giám sát, điều hành giao thông thông minh; Liên thông vé vận tải hành khách; Dịch vụ vận tải và logistics.

Hai Bộ cũng thống nhất phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IOT) phục vụ hạ tầng giao thông thông minh.

Tác giả: TH