Hơn 80% cơ quan, đơn vị ngành GTVT đạt chỉ tiêu lãnh đạo nữ

20/10/2015

Tính đến tháng 9/2015, tổng số nữ cán bộ viên chức lao động ngành GTVT do Bộ quản lý có 26.528 người.

Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được ngành GTVT tạo điều kiện tối đa. Cùng đó, Bộ cũng luôn quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Tính đến tháng 9/2015, tổng số nữ cán bộ viên chức lao động ngành GTVT do Bộ quản lý có 26.528 người, chiếm 28,6% tổng số cán bộ viên chức; Cán bộ lãnh đạo nữ từ cấp phòng và tương đương trở lên chiếm 15% tổng số cán bộ lãnh đạo; Có 9.996 cán bộ nữ đạt trình độ đại học và trên đại học, chiếm 37,7% tổng số cán bộ nữ trong toàn ngành.

“Tỷ lệ lao động nữ trong ngành chỉ chiếm dưới 30% lao động nên công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cũng như đạt chỉ tiêu về bổ nhiệm cán bộ nữ nhiều khi rất khó. Dù vậy, 5 năm qua (2011-2015), Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác quản lý, lãnh đạo”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GTVT cho biết.

Vì vậy, công tác cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Số lượng cán bộ nữ của ngành đã tăng lên rõ rệt. Hơn 80% các cơ quan, đơn vị đạt chỉ tiêu có 10-15% nữ trong ban lãnh đạo. Đặc biệt, đối với khối cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ, trực thuộc Bộ, đến nay tỷ lệ nữ cán bộ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đã chiếm đến 22,5%.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lãnh đạo Bộ đã điều động và bổ nhiệm 10 cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý. Các cán bộ nữ được bổ nhiệm đã khẳng định được trình độ, năng lực và tạo được uy tín trong lĩnh vực hoạt động được phân công. Thông qua hoạt động thực tiễn, đội ngũ cán bộ nữ ngành GTVT ngày càng trưởng thành về mọi mặt.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, công tác cán bộ nữ đã có một số bước tiến mới, song tỷ lệ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các cấp, các ngành hiện đạt rất thấp, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo cấp trưởng. Cán bộ nữ chủ yếu vẫn giữ vị trí cấp phó. Việc triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ còn chưa chủ động và chưa có chiến lược tạo nguồn lâu dài.

Để công tác quy hoạch cán bộ nữ có thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cần rà soát đánh giá quy hoạch cán bộ hiện có để bổ sung cán bộ nữ có đủ điều kiện khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch cán bộ hàng năm trên cơ sở đảm bảo dân chủ, công khai và đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch không dưới 15% tổng số cán bộ quy hoạch. Mặt khác, công tác đào tạo nguồn cán bộ nữ cần đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành, của cơ quan, đơn vị.

Quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Những tổ chức có trên 30% lực lượng lao động nữ phải bố trí ít nhất một lãnh đạo nữ. Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mạnh dạn giao việc để thử thách cán bộ nữ thông qua thực tiễn hoạt động, từ đó có kế hoạch bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng một cách hợp lý…

“Quan trọng là bản thân nữ cán bộ, công chức phải nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò, vị trí của mình, phấn đấu vươn lên và tự hoàn thiện mình, thể hiện rõ năng lực, xứng đáng với trọng trách được giao”, bà Thủy nhấn mạnh.

Tác giả: Theo Báo Giao thông,