Kế hoạch Năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT”

28/01/2021

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.


Ảnh minh họa

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành giao thông vận tải. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng. Tiếp tục giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải. Từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT từ cấp Trung ương đến địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT trên toàn quốc ngay từ những tháng đầu, quý đầu và cả năm 2021. Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch hoạt động và bố trí nguồn lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương; đảm bảo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về bảo đảm TTATGT. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tăng cường ứng dụng KHCN vào công tác bảo đảm TTATGT. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành GTVT phải gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ gắn với chủ đề Năm ATGT 2021 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT".

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra của Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành cần chủ động, sáng tạo, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, trong đó trọng tâm một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông; các chính sách mới khi ban hành, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật; phù hợp thực tiễn và đáp ứng xu thế mới về an toàn toàn giao thông trong giai đoạn 2021 - 2030; gắn mục tiêu an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phát triển giao thông thông minh vào trong các đề án, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT ở các cấp, ngành liên quan; tránh hình thức, lãng phí; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; chú trọng thực hiện thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT được phát hiện năm 2020.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng hệ thống vận tải công cộng khối lớn trong đô thị. Thực hiện hiệu quả công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn khai thác; tiếp tục rà soát và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xử lý các vi phạm và quản lý hiệu quả hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá dịch vụ, nhằm thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng.

Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan để áp dụng kịp thời thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hoạt động quản lý vận tải; hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng tới hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn; kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới, điều kiện về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại các bến xe, đầu mối hàng hóa trên toàn quốc.

Tiếp tục hiện đại hóa công tác giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện.

Rà soát, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống quản lý an toàn của các đơn vị trong ngành hàng không dân dụng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không.


Tác giả: XN