Kết quả 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGTVT của Bộ GTVT

12/04/2013

Đội tàu biển Việt Nam luôn nằm trong danh sách đen của Tổ chức Tokyo-MOU do có tỷ lệ tàu bị lưu giữ quá cao, thường luôn ở mức trên 10%; có những năm xấp xỉ 30%.

Đội tàu biển Việt Nam có sự phát triển và vươn ra mạnh mẽ trên các tuyến hàng hải quốc tế từ cuối những năm 1990. Cùng với đó, vấn đề tăng cường khả năng hoạt động an toàn, an ninh, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu; điều kiện sống và làm việc an toàn trên tàu; trình độ, năng lực của đội ngũ sỹ quan tàu; và trình độ quản lý tàu của các công ty vận tải biển ngày càng được chú trọng hơn, và có nhiều thay đổi rất tích cực.

Tuy nhiên, một vấn đề tồn tại trong suốt hơn 10 năm qua là đội tàu biển Việt Nam luôn nằm trong danh sách đen của Tổ chức Tokyo-MOU do có tỷ lệ tàu bị lưu giữ quá cao, thường luôn ở mức trên 10%; có những năm xấp xỉ 30%. Tàu treo cờ Việt Nam luôn nằm trong “tầm ngắm” của hầu hết các Chính quyền cảng trên thế giới. Thực tế này tạo ra rất nhiều khó khăn cho đội tàu của chúng ta trong quá trình hoạt động tuyến quốc tế. Trong nhiều năm liền, mặc dù các bên liên quan đã rất cố gắng, nhưng dường như các biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ tàu bị lưu giữ PSC không mang lại kết quả thực sự.

Trong 10 tháng đầu năm 2011, số lượng và tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị các chính quyền cảng nước nước ngoài lưu giữ do gia tăng một cách đột biến so với năm 2009 và 2010. Thực tế này càng đẩy đội tàu biển hiện có của chúng ta vào tình thế khó khăn hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đứng trước thực trạng này, theo đề nghị của các cơ quan tham mưu, ngày 24 tháng 10 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BGTVT về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài.

Chỉ thị số 09/CT-BGVT đưa ra các giải pháp toàn diện, lâu dài mà các bên liên quan, bao gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ sở đào tạo sỹ quan, thuyền viên, các công ty vận tải biển phải thực hiện để nâng cao chất lượng kỹ thuật đội tàu, năng lượng quản lý tàu, năng lực chuyên môn của đội ngũ sỹ quan, thuyền viên, để có thể cải thiện tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC và đưa nước ta ra khỏi danh sách “đen” của các chính quyền cảng thế giới.

Sau gần một năm rưỡi kiên trì và quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGVT, với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, mặc dù thực trạng của ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển Việt Nam năm 2012 và Quý I năm 2013 còn khó khăn hơn năm 2011 rất nhiều, chúng ta đã thu được những kết quả rất khả quan, số lượng và tỷ lệ tàu bị lưu giữ giảm nhiều so với các năm trước đây. Cụ thể là trong năm 2012, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi Tokyo MOU là 5,71%, giảm 38 lượt tàu bị lưu giữ so với năm 2011 (tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ trong năm 2011 bởi Tokyo MOU là 9,06%); trong Quý I năm 2013, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi Tokyo MOU còn 4,24%, giảm 6 lượt tàu bị lưu giữ so với Quý I năm 2012. Trên toàn cầu, trong 3 tháng đầu năm 2013, Việt Nam giảm được 10 lượt tàu bị lưu giữ so với cùng kỳ năm 2012. Đây thực sự là thắng lợi to lớn của cộng đồng hàng hải Việt Nam trong thực trạng rất khó khăn của ngành vận tải biển toàn cầu.

Tuy đã đạt được một số tiến bộ nhất định, nhưng các chuyển biến về vấn đề lưu giữ PSC của đội tàu biển Việt Nam vẫn còn chưa sâu sắc và chưa bền vững. Số lượng và tỷ lệ tàu bị lưu giữ vẫn thay đổi thất thường và vẫn còn cao so với khu vực. Tất cả các bên liên quan cần tập trung tăng cường cao độ việc thực hiện quyết liệt, chủ động và lâu dài Chỉ thị số 09/CT-BGTV để có thể tăng cường khả năng hoạt động an toàn của đội tàu biển Việt Nam, cải thiện tình hình tàu bị lưu giữ PSC một cách bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “đen’ của các chính quyền cảng trên thế giới vào cuối năm 2014.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR