Lên án, đấu tranh loại bỏ hành vi chở hàng quá tải trọng

25/09/2015

Sáng 25/9, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp về kết quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT) 9 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2015, công tác KSTTPT tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBATGTQG, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; Lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN trực tiếp, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe, do đó, tình hình vi phạm chở quá tải đã giảm hẳn, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, kết hợp hài hòa các phương thức vận tải.

Bộ GTVT đã chỉ đạo xử lý kỷ luật, trách nhiệm cá nhân của một số cảng vi phạm xếp hàng quá tải lên xe, do đó tình trạng vi phạm tại các cảng lớn cơ bản đã chấm dứt. Các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên cả nước đã thực hiện theo nội dung trong Kế hoạch 12593, lực lượng CSGT chủ trì, Thanh tra giao thông, cảnh sát khác, Kiểm soát quân sự phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Cơ bản các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe đã chấp hành quy định về vận tải đường bộ; tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải đã giảm nhiều, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giảm TNGT và ùn tắc giao thông.

Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, các Sở GTVT và các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền đạt hiệu quả tích cực, được dư luận xã hội, các Hiệp hội nghề nghiệp đồng tình, ủng hộ, đồng thời phản ảnh kịp thời những vấn đề bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhìn chung trên phạm vi toàn quốc lượng xe vi phạm chở quá tải, đặc biệt là số xe vi phạm trên 100% đã giảm nhiều (tổng thể số lượng xe quá tải đã giảm khoảng 85%).

Về kết quả KSTTX, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, tính từ 01/01/2015 đến hết ngày 15/9/2015, các Trạm KTTTX trên cả nước đã tiến hành kiểm tra 345.986 xe, trong đó có 33.773 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,7%. tước 11.351 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 184 tỷ đồng.

Đoàn Thanh tra các Cục QLĐB đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 1.590 xe vi phạm, tước 936 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 17,4 tỷ đồng (bao gồm cả xử phạt xe vi phạm kích thước thùng hàng).

Đoàn Thanh tra Bộ GTVT phối hợp Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện tại 62 đầu mối bốc xếp hàng hóa trọng điểm (cảng, bến, nhà ga, mỏ vật liệu) trên địa bàn TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế.

Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân do có vi phạm về xếp hàng lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép; giao Thanh tra các Sở GTVT xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục kiểm tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tải trọng phương tiện để xử phạt vi phạm hành chính đối với 329 trường hợp vi phạm, tổng số tiền đã xử phạt là 660.500.000 đồng. Đồng thời đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc đó là, kinh phí cấp chi cho hoạt động KSTTX của các Sở GTVT, các Cục QLĐB, các Trạm KTTTX rất thấp, không đủ, không đảm bảo; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất khó khăn, chế độ chính sách thấp hoặc không có, không thống nhất, đây là những khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Khó khăn về vị trí mặt bằng. Do quy định Kế hoạch KSTTX xe phải thông báo cho cơ quan chức năng địa phương, quy định này cũng tạo sơ hở dễ lộ thông tin, các đối tượng vi phạm nắm bắt trước được để đối phó, tránh né sự kiểm tra, kiểm soát Lực lượng KSTTX. Áp dụng hình phạt bổ sung đối với các xe vi phạm kích thước thùng hàng và vượt quá trọng tải cho phép chưa được triệt để…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phải nghiên cứu đưa một số hành vi xử phạt xe quá tải vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định 171/NĐ-CP để làm cơ cở pháp lý cho việc xử phạt đặc biệt là vấn đề xử phạt nguội.

Để lập lại kỷ cương về kiểm soát tải trọng xe, Thứ trưởng cho rằng việc thành lập các Trạm KTTX lưu động chỉ là giải pháp tạm thời. “Sau này tất cả các trạm thu phí sẽ lắp đặt cân tải trọng và tiến tới phải dùng số liệu này để xử phạt nguội để hạn chế tối đa thành lập các trạm và tuần tra kiểm soát trên đường” - Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến khi các trạm cân được thành lập mà không có hành lang pháp lý để xử phạt thì sẽ thất bại. Vì vậy, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ phải rà soát, xây dựng hành lang pháp lý để sử dụng dữ liệu từ các trạm thu phí làm cơ sở cho việc xử phạt nguội.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT trong phối hợp xử lý công việc; đồng thời thành lập Tổ thường trực làm công tác KSTTX và tăng cường lực lượng làm công tác này.

Tác giả: Theo mt.gov.vn,