Tìm giải pháp nâng cao khả năng khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh

30/09/2016

Sáng 30/9, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc tìm giải pháp nâng cao khả năng khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, bao gồm cả đường sắt kết nối cảng Nghi Sơn với đường sắt quốc gia.

Tham dự cuộc họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Phó Chủ tịch UBND Lê Anh Tuấn; các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ GTVT; Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư; Ban QLDA Đường sắt; Tổng công ty ĐSVN.


Ảnh: Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp

Dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, buổi làm việc nhằm tập trung trao đổi, đề xuất cách thức, giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh là tuyến có nhiều tiềm năng, qua đó khắc phục tình trạng rất khó khăn của ngành ĐS Việt Nam hiện nay.

Báo cáo tổng quát tuyến Hà Nội - Vinh, Tổng Giám đốc TCTĐSVN Vũ Tá Tùng cho biết: Thực hiện Chiến lược, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và căn cứ vào Quyết định phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty xác định tuyến ĐS Hà Nội - Vinh là đoạn tuyến chiến lược quan trọng nhất thực hiện mục tiêu nâng cao thị phần vận tải. Tuy tuyến này chỉ dài 319 km nhưng là nơi thông quan, tập kết các đầu mối của 5 tuyến đường lên phía Bắc, Tây, Đông và tuyến Bắc-Nam. Đây là tuyến đường có tiềm năng khai thác luồng hàng, luồng khách bởi dọc tuyến có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhiều khu công nghiệp, nhà máy là khu vực kết nối 5 tuyến đường, nhu cầu vận chuyển cao. Tuy nhiên, tuyến này có nhiều đoạn chạy song song với đường bộ, có rất nhiều đường ngang và đường dân sinh, bình quân có khoảng gần 5 đường ngang/1km, dẫn đến tốc độ cầu đường trên tuyến biến đổi liên tục ở cự ly ngắn nên việc khai thác rất khó khăn về năng lực thông qua và tính an toàn.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tá Tùng đã đánh giá kết cấu hạ tầng phục vụ hành khách, bãi hàng; năng lực các ga trên tuyến như ga Hà Nội, Giáp Bát; luồng khách, luồng hàng thông qua nội địa, liên vận quốc tế, khai thác trên tuyến; phân tích rõ khó khăn, thuận lợi trong công tác tổ chức khai thác vận tải trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực khai thác tuyến ĐS Hà Nội-Vinh.

Các thành viên dự họp cũng đánh giá, kiến nghị các giải pháp như sử dụng, khai thác triệt để, hiệu quả nhất với cơ sở hạ tầng ĐS hiện có; nâng cao năng lực chạy tàu, chất lượng dịch vụ, tính toán chi phí vận tải hợp lý; nâng cao khả năng thu hút nguồn hàng, thị phần vận tải… Một số đại biểu cho rằng cần xây dựng Đề án nhằm tăng năng lực khai thác của tuyến; phải có rà soát, thống kê lại toàn bộ toàn tuyến, nghiên cứu kĩ phương tiện xếp dỡ, kho bãi, kết nối ĐS với phương thức vận tải khác; đề ra cơ chế thu hút xã hội hóa, kết hợp địa phương mở rộng đất khu ga; thực hiện kết nối theo ưu tiên; nâng cao năng lực xếp dỡ; sử dụng các giải pháp điều tiết đầu tư để thu hút được tốt hơn; nghiên cứu đa dạng hóa các dịch vụ lĩnh vực ĐS; xây dựng dự án tốt hơn, đảm bảo lợi ích của dự án…


Ảnh: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung trao đổi, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tuyến ĐS Hà Nội - Vinh

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định, tuyến đường sắt từ Hà Nội vào đến Vinh là tuyến có tiềm năng cao cả về vận tải hàng hóa và vận tải hành khách do có khá nhiều các địa danh thu hút khách du lịch và qua các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt.

"Tuy nhiên sự vận hành, phát triển của tuyến đường sắt này chưa đúng với tiềm năng. Đường sắt chưa thu hút được khách du lịch sử dụng phương tiện này vì giờ tàu hạn chế, lỡ giờ so với giờ nhận, trả phòng của khách sạn; phương tiện kết nối chuyên chở hàng hóa, vị trí các chân hàng tới ga còn hạn chế và thực tế là giá thành chuyên chở riêng đường sắt thấp hơn các phương tiện khác nhưng tổng giá thành vận chuyển lại tăng cao. Nếu TCTĐSVN khai thác tốt các vị trí tập kết hàng hóa, là nhà vận chuyển, đại lý phân phối hàng hóa thì tình thế sẽ khác nhiều ", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

"Riêng đối với tuyến đường sắt này, việc cạnh tranh với hàng không là nằm trong khả năng nhưng vấn đề là cần phải thay đổi cái nhìn của hành khách đối với vận tải ĐS ", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói thêm.

Qua đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu, cùng với việc phát huy lợi thế hiện có, tiếp cận tư duy của ĐS hiện đại, lãnh đạo TCT ĐSVN cần đổi mới, phải bứt phá, thay đổi về đầu tư, khai thác.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến ĐS, trong đó nhấn mạnh tuyến Hà Nội – Vinh; đánh giá sự đầu tư của các doanh nghiệp cổ phần hóa trong phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt nhấn mạnh công tác quản trị, hiệu quả kinh doanh vận tải... hoàn thành trước ngày 15/10 tới đây để có một báo cáo đầy đủ, rõ ràng, khoa học từ đó mới có thể có các giải pháp nâng cao khả năng khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh nói riêng, của TCT ĐSVN nói chung. Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo ngành Đường sắt phải tập trung hơn nữa vào công cuộc đổi mới ngành một cách toàn diện mới có khả năng cạnh tranh và phát triển.

"Đối với TCT ĐSVN, cách duy nhất để bảo vệ mình, bảo vệ ngành, bảo vệ doanh nghiệp là buộc phải đổi mới”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Tác giả: V.H, mt.gov.vn