VR khai phá thị trường châu Mỹ

06/05/2007

Lần đầu tiên, Đăng kiểm Việt Nam (VR) ký được thỏa thuận với các tổ chức đăng kiểm tại châu Mỹ và chính thức khai phá thị trường xa xôi nhưng đầy tiềm năng này. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Văn Ban đã trao đổi với phóng viên Báo GTVT xung quanh chuyện vượt biển để nâng cao thương hiệu và tạo thuận lợi cho chủ tàu.

PV: Tại sao VR nhắm tới thị trường Trung và Nam Mỹ, có phải đây là một thị trường “vừa sức” với quy mô và trình độ hiện tại của VR?

Ông Nguyễn Văn Ban:

VR nhắm đến thị trường này vì 4 lý do. Thứ nhất, Trung và Nam Mỹ là thị trường quan trọng của các công ty vận tải biển lớn của Việt Nam như VOSCO, VITRANSCHART, VINASHINLINES, FALCON... Việc VR có mặt và ủy quyền cho đăng kiểm nước sở tại đăng kiểm tàu Việt Nam tại đây sẽ tiết kiệm chi phí đăng kiểm, tạo thuận lợi rất lớn cho chủ tàu và khuyến khích họ đưa tàu vào hoạt động tại khu vực này. Thứ hai, Nam Mỹ là khu vực có tiềm năng khai thác dầu khí ngoài khơi rất lớn, đặc biệt là Venezuela, Peru, Urugoay. Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đang triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này theo thoả thuận với các quốc gia liên quan. Điều này mở ra tương lai về đăng kiểm công trình thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi của VR tại đây. Một ví dụ cụ thể là VR đã thoả thuận được với Tổ chức Đăng kiểm Panama cùng thực hiện giám sát và phân cấp một tàu chứa dầu (FSO) hoạt động ngoài khơi Peru. Thứ ba, các tổ chức đăng kiểm trong khu vực, ngoài đăng kiểm Mỹ, năng lực còn khá hạn chế, đây chính là cơ hội tốt để VR mở rộng hoạt động của mình. Thứ tư, VR rất quan tâm tới thị trường tàu biển Panama tại đây. Pananma là quốc gia đăng ký cờ mở với tổng đội tàu quốc gia trên 140 triệu tấn đăng ký, chiếm 1/4 đội tàu thế giới. Đây là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho công tác đăng kiểm tàu biển. Chúng tôi đang đề nghị chính quyền Hàng hải Panama công nhận VR là tổ chức được thay mặt Chính phủ Panama thực hiện việc đăng kiểm cho các tàu của họ để mở rộng khối lượng công việc của VR.

Chúng tôi không chỉ dừng lại tại châu Mỹ mà sẽ tiếp tục tiến vào châu Phi vì đây là khu vực có nhiều đặc điểm tương tự như khu vực Trung và Nam Mỹ.

PV: VR đã đạt được những thỏa thuận cụ thể gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ban:

Trong chuyến công tác tới châu Mỹ tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của VR đã đàm phát và ký kết các thoả thuận hợp tác và thay thế lẫn nhau với Tổ chức Đăng kiểm Hoa Kỳ (ABS), Đăng kiểm Panama (IBS) và Đăng kiểm Cu Ba (RCB). Nói chung, theo các thoả thuận đã ký, VR sẽ thay mặt các tổ chức đăng kiểm này thực hiện việc đăng kiểm các tàu mang cấp của họ ở Việt Nam, khu vực Đông Nam á và Đông Bắc á. Ngược lại, họ sẽ thay mặt VR thực hiện việc đăng kiểm các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam và tàu mang cấp VR tại khu vực châu Mỹ.

Đặc biệt, tại thị trường Hoa Kỳ, VR đạt được thoả thuận với ABS, tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới. ABS cam kết hỗ trợ VR đào tạo chuyên gia xét duyệt thiết kế, đăng kiểm viên hiện trường; cung cấp các quy phạm, tiêu chuẩn và hướng dẫn tiên tiến phù hợp với trình độ phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu và hàng hải thế giới. VR cùng với ABS thực hiện việc giám sát tàu và công trình biển đóng mới và đang khai thác mang cấp của ABS tại Việt Nam và thành lập văn phòng chung. ABS hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu biển Việt Nam và tàu mang cấp của VR vào hoạt động trong vùng nước Hoa Kỳ...

PV: Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về việc VR có mặt tại thị trường châu Mỹ và việc này có đem lại lợi ích cho các chủ tàu Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Văn Ban:

Việc VR triển khai các hoạt động ở ngoài nước là nhằm mở rộng khối lượng công việc và ảnh hưởng của VR tại khu vực. Tạo cơ hội tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao từ việc học hỏi kinh nghiệm của ABS, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và khả năng hoạt động an toàn của đội tàu Việt Nam. Ngoài ra, việc VR có mặt tại châu Mỹ sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu Việt Nam đưa tàu vào hoạt động ở vùng nước châu Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Các chủ tàu sẽ bớt được chi phí mời đăng kiểm viên từ trong nước sang đánh giá trạng thái tàu mà có thể mời đăng kiểm viên của IBS, RCB đánh giá.

PV: Có ý kiến cho rằng tàu mang cấp đăng kiểm Việt Nam rất hay bị chính quyền cảng các nước kiểm tra do uy tín của ta còn thấp, khiến nhiều chủ tàu ngại thuê VR đăng kiểm? Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Văn Ban:

Các quốc gia trên thế giới đều khẳng định không có sự phân biệt đối với tàu mang cờ của quốc gia nào hay mang cấp của tổ chức đăng kiểm nào. Việc duy trì trạng thái kỹ thuật tàu đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trước hết thuộc về trách nhiệm của chủ tàu, người quản lý tàu và thuyền viên. Các tổ chức đăng kiểm chỉ có mặt trên tàu một năm một lần.

Các khu vực có sự kiểm soát nghiêm ngặt nhất của chính quyền cảng hiện nay là Hoa Kỳ, cộng đồng châu Âu và úc. Các tàu mang cấp của VR đã hoạt động tại cộng đồng châu Âu và úc đều không bị phân biệt đối xử. Chúng ta chưa có tàu hoạt động tại Hoa Kỳ, nhưng tại buổi làm việc với chúng tôi tại thủ đô Washington, các quan chức hàng hải tại đây đều khẳng định là không có sự phân biệt tàu mang cấp của tổ chức Đăng kiểm nào vào hoạt động ở vùng nước Hoa Kỳ. Họ chỉ quan tâm tàu có trạng thái kỹ thuật thoả mãn và đội ngũ thuyền viên đầy đủ năng lực hay không mà thôi.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tác giả: Nguyễn Nga , (Theo báo GTVT)