Hậu Covid-19, ngành GTVT nỗ lực gấp 3 để duy trì tăng trưởng

29/06/2020

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành GTVT vẫn luôn bám sát thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, đặc biệt là đối với các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, Ngành còn triển khai nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, dần khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

anh

Toàn cảnh thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ- La Sơn

Chú trọng các dự án trọng điểm

Trong tháng qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và triển khai các dự án trọng điểm như: Thẩm định, phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh và hồ sơ mời thầu đối với các dự án thành phần theo hình thức PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; tập trung tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng...

Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được chú trọng thực hiện, tăng 8% so với trước đây, đạt 78%. Tiến độ triển khai xây dựng các khu tái định cư có tiến triển tốt. Công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn trong giai đoạn tiến hành lập phương án di dời. Công tác thiết kế dự toán cơ bản hoàn thành và chuyển cho các ban QLDA để hoàn thiện hồ sơ mời thầu theo hình thức PPP.

Vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được thống nhất lựa chọn phương án chuyển đổi 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam (hai dự án cấp bách là đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây và một dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) sang đầu tư công.

Đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhân sự của Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT của Pháp) chưa thể sang Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ban QLDA Đường sắt thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Tổng thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của dự án. Đồng thời, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những thủ tục, vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại, sớm hoàn thành dự án.

Nhìn nhận nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề, cần có sự chung sức của tất cả các đơn vị trong ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm."Bình thường khó khăn đã phải cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nay do dịch bệnh Covid-19, khó khăn tăng lên, tôi đề nghị khó khăn một ta phải nỗ lực gấp 3 để phục hồi và duy trì tăng trưởng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tại hội nghị giao ban Bộ GTVT tháng 5.


Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải.

Vận tải dần lấy lại “phong độ” sau mùa dịch

Theo Vụ Vận tải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa giảm 5,9% (ước đạt 683,951 triệu tấn), số lượng hành khách giảm 27,5% (đạt 1.515,565 triệu lượt khách) so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, khối lượng luân chuyển hàng hóa và khối lượng luân chuyển hành khách lần lượt giảm 6,7% và 32,1% so với cùng kỳ.

Sau thời gian cách ly xã hội, với sự triển khai kịp thời các giải pháp về công tác quản lý vận tải gắn liền với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, hoạt động vận tải hành khách trong nước nói chung đã trở lại bình thường, trong đó, vận tải quốc tế chỉ duy trì ở mức đáp ứng vận chuyển đối với các tình huống cấp thiết. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách quốc tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện tổng số 8.623 chuyến bay. Số chuyến bay tuy giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2019 song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7%. Đến thời điểm hiện tại, cả Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã khôi phục toàn bộ mạng bay trong nước, tăng khuyến mãi giá vé kích cầu du lịch. Chỉ riêng Vietnam Airlines, giữa tháng 5 đã triển khai mở thêm 5 đường bay nội địa đến nhiều điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, cũng như góp phần kích cầu du lịch trước thềm cao điểm hè 2020. Trong tháng 6, hãng này dự kiến mở mới thêm 6 đường bay nội địa nữa nhằm phát triển, mở rộng và hoàn thiện mạng bay trong nước.

Đối với lĩnh vực hàng hải, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 273,1 triệu tấn, trong đó hàng container đạt hơn 8,3 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp so với trước đây. Các doanh nghiệp vận tải biển đều kỳ vọng, đến hết tháng 6/2020, dịch Covid-19 tại các quốc gia sẽ được kiểm soát, giúp thị trường hàng hóa có thể phục hồi trong những tháng cuối năm.


Tác giả: H. Liên