Giao thông đường bộ thải hơn 80% khí nhà kính

10/07/2019

Theo thống kê và dự báo của Bộ Giao thông vận tải, mỗi năm hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục nghìn tấn khí CO2. Trong đó, lượng khí phát thải nhà kính của lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm áp đảo so với các lĩnh vực còn lại, với hơn 80%.

Giao thông đường bộ thải hơn 80% khí nhà kính

Hội thảo về phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh đến 2050 cho Việt Nam, sáng 9-7.

Thông tin trên được ông Vũ Hải Lưu thuộc Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, cho biết sáng 9-7, trong Hội thảo về phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh đến 2050 cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức 2050 Pathways và Viện Sinh thái và Môi trường – EEI) tổ chức.

Theo ông Vũ Hải Lưu, kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2014 cho thấy, lượng khí CO2 do giao thông vận tải phát thải ở mức 33.235 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo dự báo, con số này tăng xấp xỉ 2-2,5 lần trong các năm 2025 và 2030. Cụ thể, năm 2020 dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải là là 47.680 nghìn tấn; năm 2025 là 65.138 nghìn tấn và năm 2030 là 89.119 nghìn tấn.

Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.

Trước các con số dự báo kể trên, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu chủ động phát triển giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể: 100% chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải cập nhật, xây dựng mới được lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu trong dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía bắc, ven biển miền trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu tái cơ cấu vận tải, trong đó, tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển; tăng thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; xây dựng năng lực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.


Giao thông đường bộ thải hơn 80% khí nhà kính

Bộ Giao thông vận tải đưa ra các nhóm giải pháp gồm: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng nâng cao tính chống chịu biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường; quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới.

Cũng trong các phiên thảo luận của hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và địa phương đã có các tham luận về kế hoạch, mục tiêu cũng như nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh.

Ông Richard Baron, Giám đốc điều hành Tổ chức 2050 Pathways – Tổ chức hỗ trợ các chiến lược dài hạn phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh cho các quốc gia và thành phố, cho rằng: Việt Nam là một nền kinh tế cởi mở, có thể bảo đảm được phát triển kinh tế tốt dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình và Việt Nam cũng có những vấn đề liên quan phát thải lượng khí nhà kính, đây là cũng xu hướng của các quốc gia. Vấn đề đặt ra làm sao để có thể phát triển mà phát thải thấp.

Theo ông Richard Baron, thế giới đang hướng tới các sản phẩm sản xuất dựa trên phát thải thấp và các quốc gia tham gia vào sự chuyển mình này sẽ có lợi thế hơn trong thị trường toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam cũng nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Vậy làm thế nào chúng ta có được cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, có các hoạt động bảo đảm phát triển bền vững quốc gia trong tương lai? Đây chính là việc chúng ta thể hiện qua chiến lược dài hạn trong tương lai để có thể nhìn thấy các xu hướng phát triển, Tổ chức 2050 Pathways mong muốn hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác với Việt Nam về vấn đề này”, ông Richard Baron nói.


Tác giả: Boongg Mai