Hạ tầng đường sắt “già nua”: Giải pháp nào để thu hút vốn?

27/09/2019

Nếu như ở những năm 80 của thế kỷ 20, khối lượng vận chuyển hành khách của đường sắt là 29,2% và hàng hoá là 7,5% thì tính đến hết năm 2018, các con số tương ứng khối lượng vận chuyển bằng đường sắt của hành khách và hàng hoá là 1,71% và 1,3%. Sự sụt giảm này là bằng chứng rõ nhất cho sự “già nua” của hệ thống hạ tầng đường sắt hiện tại.


Hệ thống đường sắt quốc gia xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay.

Hạ tầng đường sắt không thu hút được nguồn vốn tư nhân

Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nguồn vốn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2010-2015 dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt là 9.948. Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt bình quân khoảng 1.753 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, số tiền từ ngân sách dành ra cho hạ tầng đường sắt chỉ như “muối bỏ bể” so với tình trạng hiện nay của phương thức giao thông quan trọng này.

Cụ thể, tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có đến hơn 1.500 đường ngang và hơn 4.000 lối đi tự mở, trung bình 1 km đường sắt có 2,2 giao cắt đồng mức trong khi gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các vị trí này, hành lang an toàn đường sắt nhiều đoạn bị xâm phạm.

Toàn tuyến đường sắt có 1.852 cầu nhưng gần một nửa xuống cấp, chưa được đầu tư, có 39 hầm thì 22 hầm cần được cải tạo. Tải trọng cầu đường trên tuyến Hà Nội-TPHCM không đồng đều dẫn tới khả năng vận chuyển toàn tuyến bị giảm sút. Bên cạnh đó, đường sắt vận hành chủ yếu trên khổ đường 1 m, chiếm 85% hệ thống đường sắt cả nước. Toàn tuyến có 297 nhà ga nhưng phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm "Thúc đẩy hạ tầng đường sắt" diễn ra chiều 25/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, mặc dù Luật Đường sắt đã quy định ưu tiên, nhưng chưa có được hành lang pháp lý đồng bộ, chưa có cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho hạ tầng đường sắt. Nhà nước vẫn đang phải giữ vai trò chính trong đầu tư hạ tầng đường sắt quốc gia, nhất là phần hạ tầng liên quan trực tiếp đến chạy tàu như: Cầu đường, thông tin tín hiệu…

Nhà đầu tư tư nhân hiện nay chỉ có thể tham gia đầu tư phần hạ tầng không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như: Nhà ga (công trình kiến trúc), kho bãi, đầu tư phương tiện đầu máy - toa xe để kinh doanh khai thác.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt đòi hỏi tính đồng bộ cao từ kết cấu hạ tầng, phương tiện đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, điều hành chạy tàu, cơ sở sửa chữa, chỉnh bị, duy tu bảo dưỡng… nên suất đầu tư đường sắt lớn, lợi thế thương mại thấp so với các loại hình đầu tư khác, thời gian hoàn vốn dài, tính khả thi trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư không cao, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Đầu tư cho đường sắt thường gấp 3-4 lần so với đường bộ, 1 km đường sắt khổ 1.435 mm thông thường gấp 4 lần đường bộ cấp 3, đường sắt cao tốc gấp 4 lần đường bộ cao tốc. Nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào đường sắt, tuy nhiên, nhà đầu tư chưa mặn mà”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.


Toạ đàm Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển.

"Mở đường" cho đầu tư tư nhân

Là doanh nghiệp trực tiếp vận hành tuyến đường sắt quốc gia, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năng lực thông qua của hạ tầng đường sắt hiện rất thấp, dẫn đến sản lượng vận tải thấp, khả năng thu hút kém. Ngoài ra, hạ tầng tại các nhà ga cũng trong tình trạng tương tự, nhất là các kho bãi phục vụ vận tải hàng hóa.

Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng, trình Chính phủ đề án khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, Tổng công ty xin cơ chế để có thể trực tiếp đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư vào các kho bãi đủ điều kiện tiêu chuẩn đưa phương tiện bốc xếp; xây dựng nhà ga thành các trung tâm thương mại vừa phục vụ khách hàng, vừa khai thác lợi thế thương mại. Từ nguồn thu này sẽ có vốn để nâng cấp các nhà ga không có lợi thế thương mại, không thu hút được đầu tư.

Đồng tình với đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần coi nhà ga đây là những trung tâm thương mại đặc biệt, mục tiêu quan trọng là phục vụ hành khách, khách hàng; không bị thương mại hóa hoàn toàn.

Ông Vũ Anh Minh cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện, tiếp tục bố trí các gói đầu tư trung hạn để cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu, nhằm nâng cao năng lực thông qua.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nếu không có sự kiên định của Nhà nước thì rất khó kêu gọi đầu tư tư nhân vào hạ tầng đường sắt. Trong khi đó, đầu tư cho đường sắt phải đồng bộ từ hạ tầng đến phương tiện, điều hành. Vì vậy, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, một số hạng mục như nhà ga có thể kêu gọi tư nhân khai thác, cục bộ một số tuyến đường sắt đô thị có thể kêu gọi tư nhân đầu tư bằng cách phát triển đô thị gần đó hoặc hỗ trợ. Nhà nước cũng có thể giao cho tư nhân khai thác hạ tầng bằng cách nhượng quyền.

“Nhà nước cần bảo đảm bằng hạ tầng, vốn hoặc các cơ chế khác. Có thể giao cho doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân để khai thác trên cơ chế thuê, nhượng quyền để cho khai thác. Như vậy sẽ giảm gánh nặng trong việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả hơn so với việc thành lập tổ chức để khai thác”, Thứ trưởng Đông nói.


Tác giả: P. Trang