Hiểm họa từ xe “độ” đèn chiếu sáng

30/10/2018

hời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội về ô-tô, xe máy, có khá nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng ô-tô “độ” đèn chiếu sáng phía trước với cường độ sáng lớn, gây lóa mắt, nguy hiểm cho phương tiện đi ngược chiều. Thậm chí, nhiều lái xe tải, xe bán tải còn lắp thêm cả một dàn đèn xenon sáng chói phía trước, lắp cả đèn rọi phía sau, hoặc bên sườn xe hết sức tùy tiện.

Tai nạn “rình rập”

Đèn led, đèn xenon có ánh sáng trắng hoặc xanh, cường độ sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản thiết kế nên các xe “độ” loại đèn này nếu lưu thông trên đường, người điều khiển các phương tiện chạy ngược chiều khác rất khó chịu vì bị lóa mắt, khó quan sát, thậm chí mất phương hướng, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn, va chạm giao thông cao.

Các loại phương tiện tham gia giao thông, theo nguyên tắc an toàn đều được trang bị hệ thống đèn gồm đèn cos (đèn chiếu gần) và đèn far (đèn chiếu xa) để chiếu sáng ban đêm hoặc phát tín hiệu cảnh báo. Trong đó, đèn cos có góc chiếu thấp, giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường và các vật cản phía trước trong phạm vi gần, thường được khuyến cáo sử dụng khi lái xe di chuyển trong khu đô thị hoặc ở tốc độ chậm.

Khi ra đường cao tốc hoặc muốn quan sát các biển báo thì đèn far của xe sẽ giúp người lái xe quan sát tốt hơn bởi cường độ ánh sáng mạnh hơn và tầm nhìn xa hơn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các lái xe lạm dụng đèn far bởi đèn far (thông thường) với góc chiếu cao và cường độ mạnh sẽ làm cản trở tầm nhìn và gây khó chịu những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước. Trong một vài tình huống, đèn far có thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi lái xe đối diện không thể quan sát tình hình giao thông để phản xạ kịp thời.

Trên mạng internet, tại Hà Nội có nhiều địa chỉ “độ” đèn quảng cáo, giới thiệu thay đèn halogen nguyên bản bằng các loại bóng đèn xenon, bi-xenon, đèn led nhanh chóng, dễ dàng, giúp xe tăng khả năng chiếu sáng.

Thậm chí, chủ xe có nhu cầu “độ đèn” gầm, đèn led bar ở đuôi xe hay thiết kế dàn đèn trên nóc xế hộp thì đội ngũ thợ “độ” hoàn toàn coi là việc trong tầm tay, tùy thuộc vào số tiền và phong cách “độ đèn” của chủ xe.

Tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh trời chiều nhập nhoạng và các lái xe lên đèn far khi tham gia giao thông. Hành vi này thậm chí còn xảy ra phổ biến trong đô thị, khu vực đông dân cư, khiến người tham gia giao thông ngược chiều bị chói mắt. Đặc biệt, đối với phương tiện xe máy, xe đạp rất dễ bị lóa, tự gây tai nạn.

Nhiều lái xe lâu năm trong nghề đều bày tỏ ý kiến phản đối việc bật đèn far trong khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tầm nhìn về hướng đường phía trước với lái xe ngược chiều.

“Đi trong phố nhưng dễ dàng gặp cảnh ô-tô sử dụng đèn far tùy tiện không đúng cách. Chủ xe chạy ngược chiều cảm thấy bị chói mắt, ức chế và tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông sẽ cao hơn. Đây thật sự là một vấn nạn, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có thêm các biện pháp xử lý răn đe đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng”, anh Việt Cường, lái xe một công ty du lịch lữ hành chia sẻ.

Có lần, anh Cường chở một đoàn khách du lịch nước ngoài từ Hà Nội vào Thanh Hóa. Dọc tuyến Quốc lộ 1, nhiều lái xe chạy ngược chiều sử dụng đèn far bi-xenon “độ” rọi thẳng vào xe khiến anh gần như "bị mù" tức thì. Một số khách ngồi phía trước bị lóa mắt cũng đều tỏ ý bực tức và ngạc nhiên vì hành vi vi phạm này không được các lực lượng chức năng xử lý.

Những lái xe có kinh nghiệm đường trường, khi gặp những trường hợp này đều phải rà phanh, giảm tốc độ xe để giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước nhằm tránh va chạm hay tai nạn giao thông.

Cần xử lý nghiêm

Đèn thanh led-bar có cường độ sáng lớn, được nhiều chủ phương tiện lắp trên nóc xe.

Một kỹ sư làm việc tại một garage chuyên về bảo dưỡng ô-tô nhìn nhận, việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô-tô, xe máy đều tiềm ẩn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì cường độ sáng rất mạnh, gây chói mắt người đối diện. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp, chính chủ nhân chiếc xe đó cũng có thể bị nguy hiểm do dễ xảy ra tình trạng chập điện gây cháy xe vì đấu nối thêm đèn.

Mỗi chiếc xe máy, ô-tô đã được nhà sản xuất tính toán kỹ thuật an toàn về vận hành hệ thống điện. Nếu muốn “độ” đèn buộc phải thay đổi một vài bộ phận, kết cấu bên trong xe, đấu nối thêm đường điện,... Khi tự ý thay đổi, nguồn điện trong xe không tương thích rất dễ dẫn đến chạm, chập gây cháy. Chưa kể, khi xe “độ” dàn đèn quá lớn, chạy quãng đường dài sẽ sinh ra lượng nhiệt lớn, bình ắc-quy ở tình trạng quá tải có thể gây cháy.

Thông thường, quá trình đăng kiểm, cơ quan kiểm định sẽ từ chối phương tiện “độ” đèn, nhưng thực tế nhiều lái xe đã “né luật” bằng cách trước khi đi đăng kiểm tháo đèn “độ” ra, chỉ để lại đèn nguyên bản, sau khi kiểm định lại lắp lại như cũ, nhằm “qua mặt” cơ quan đăng kiểm vì xe không có thay đổi so với thiết kế nguyên bản.

Theo anh Việt Cường, mỗi năm phương tiện chỉ đi đăng kiểm một đến hai lần, vì thế chủ xe “lách” đăng kiểm quá đơn giản và dễ dàng. Giải pháp căn cơ là lực lượng Cảnh sát giao thông phải phát hiện và lập tức xử phạt lái xe vi phạm trên đường, phải phạt thật nặng thì mới đủ sức răn đe chủ xe.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, thời gian qua, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container tự ý "độ, chế", gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn không đúng quy định đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại.

“Nguy hiểm hơn, nhiều người điều khiển phương tiện còn sử dụng các loại đèn trên ngay cả khi lưu thông trên các tuyến đường trong khu đông dân cư gây bức xúc trong dư luận, xã hội nhưng hiếm khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở và xử lý theo quy định, nhất là trong thời gian tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phương tiện không bảo đảm an toàn điều kiện kỹ thuật khi tham gia giao thông”, ông Thái nói.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện nghiêm, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện khi tham gia giao thông, kiên quyết xử lý phương tiện sử dụng và tự ý "độ, chế", gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định.

Để ngăn chặn các nguy cơ xảy ra tai nạn và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do đèn chiếu sáng, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí cho biết, Cục vừa có yêu cầu tăng cường xử lý tình trạng phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thực hiện đúng quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác kiểm định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện mọi hoạt động của đơn vị; kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất.

“Phòng Chất lượng xe cơ giới, Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu của kiểu loại xe cơ giới khi các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có yêu cầu”, ông Trí cho hay.

Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định, sử dụng đèn chiếu xa (đèn far) trong đô thị và khu đông dân cư là hành vi bị cấm, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 và Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với phương tiện ô-tô; và từ 80 đến 100 nghìn đồng đối với phương tiện mô-tô, xe máy. Tuy nhiên, quan trọng hơn, sử dụng đúng đèn cos, đèn far hợp lý còn thể hiện ý thức tham gia giao thông đúng đắn của mỗi người và sự tôn trọng với người khác.

Tác giả: M. Trang