Ngăn chặn mối nguy thầm lặng!

21/05/2019

Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới, cứ 10 người thì có tới 9 người phải hít thở không khí có chứa các chất ô nhiễm ở mức cao.


Đặc biệt, ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca tử vong trẻ em trên toàn thế giới, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm khoảng 225 tỷ USD... Nhưng đó cũng chỉ là một phần của những con số đáng sợ đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những giải pháp khẩn cấp chống mối nguy thầm lặng này cho hiện tại và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.


Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, khói bụi từ các nhà máy, công trình, giao thông... đang khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn. Tại nhiều thành phố của nước ta, những năm gần đây, khi lượng ô tô, xe máy, các phương tiện nói chung sử dụng nhiên liệu khí đốt liên tục gia tăng đã tác động không nhỏ đến chất lượng không khí.


Với riêng địa bàn Hà Nội, nơi có hơn 6 triệu xe máy và khoảng 600 nghìn xe ô tô các loại thường xuyên hoạt động - là tác nhân sản sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân. 


Bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện các quy định về kiểm soát khí thải theo Quyết định 249/2005/QĐ-TTg ngày 10-10-2005 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thành phố còn chú trọng triển khai hàng loạt giải pháp để hạn chế sự tác động tiêu cực của nguồn khí này như việc trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, di chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, cải thiện hạ tầng giao thông,... Đặc biệt, thành phố đang đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng và tiến tới hạn chế, loại bỏ xe máy hoạt động trong nội đô.



Thực tế cho thấy, việc cắt giảm lượng khí thải vào môi trường đang là nhiệm vụ bức thiết toàn cầu và Việt Nam là quốc gia có quyết tâm cao với mục tiêu cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông. 


Tuy vậy, để giảm ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất phải có biện pháp kiểm soát xả thải, thay thế các loại máy móc hiện đại, sử dụng nhiên, nguyên liệu tự nhiên... Mỗi người dân cũng có vai trò quan trọng, bởi chính người dân là chủ thể sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch... 


Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng loại xe tiết kiệm nhiên liệu - thông qua quy định về dán nhãn năng lượng - bởi đây cũng là một biện pháp để hướng tới việc chủ động kiểm soát nguồn khí thải. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần kiểm tra việc dán nhãn năng lượng nhằm công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của xe để người tiêu dùng lựa chọn. Qua đó, khuyến khích nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ứng dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu...


Trước những đòi hỏi khắt khe hơn về kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới mới được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg, đòi hỏi mỗi người càng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, góp phần loại bỏ những nhân tố tác động xấu tới môi trường, vì lợi ích của chính mình. Nếu không quyết liệt, chính chúng ta sẽ phải đối mặt với những tác động xấu trở lại từ môi trường, nhất là những hệ lụy với sức khỏe như một mối đe dọa thầm lặng với con người...

Tác giả: HNM