Công ước Lao động hàng hải năm 2006 chuẩn bị hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực

27/06/2012

Ngày 12 tháng 6 năm 2012, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông báo Thụy Điển là quốc gia thứ 28 phê chuẩn Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC 2006).

Theo quy định, Công ước MLC 2006 sẽ có hiệu lực trong thời gian 12 tháng sau khi được 30 quốc gia với tổng dung tích đội tàu tộng cộng chiếm tối thiểu 33 phần trăm tổng dung tích đội tàu thương mại thế giới phê chuẩn.

Đến tháng 6/2012, Công ước MLC 2006 đã nhận được sự phê chuẩn của 28 quốc gia (Antigua and Barbuda, Australia, Bahamas, Benin, Bosnia and Herzegovina, Bungari, Canada, Croatia, Đan Mạch, Garbon, Kiribati, Latvia, Liberia, Luxemburg, Marshall Islands, Hà Lan, Na Uy, Palau, Panama, Ba Lan, Saint Kitts and Nevis, Saint Vincent and the Grenadines, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Togo và Tuvalu) với đội tàu chiếm 56,5 phần trăm tổng dung tích đội tàu thế giới.

ILO cho biết Cộng hòa Síp mới đệ trình văn bản ra nhập Công ước MLC lên tổ chức này và Duma quốc gia Nga cũng vừa mới thông qua văn bản phê chuẩn công ước. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn tiếp theo, khi ILO chính thức công bố việc phê chuẩn của Cộng hòa Síp và Liên bang Nga, Công ước MLC 2006 sẽ hội tụ đủ các điều kiện có hiệu lực; và một năm sau đó, công ước chính thức có hiệu lực.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị các nguồn lực cần thiết (các tài liệu hướng dẫn, quy trình thực hiện kiểm tra, đánh giá, biểu mẫu báo cáo và giấy chứng nhận, đội ngũ thanh tra viên lao động hàng hải được đào tạo và chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, …) để triển khai thực hiện Công ước MLC 2006.

Các quy định của Công ước MLC 2006 rất chi tiết và bao trùm phạm vi rất rộng liên quan đến lao động hàng hải. Các chủ tàu và các công ty quản lý tàu phải xây dựng và duy trì các biện pháp nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định của công ước một cách liên tục. Các tàu có tổng dung tích từ 500 trở lên, hoạt động tuyến quốc tế, phải được cấp Giấy chứng nhận lao động hàng hải phù hợp với quy định của công ước.

Một vấn đề cần quan tâm là trong số 28 quốc gia đã phê chuẩn Công ước MLC 2006, mới chỉ có hai nước ban hành Bản công bố phù hợp lao động hàng hải chỉ ra cách thức họ thực hiện công ước được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Có thể thấy rằng Công ước MLC 2006 chỉ còn hơn một năm nữa là sẽ có hiệu lực. Các chủ tàu và công ty quản lý tàu cũng chỉ còn chừng đó thời gian để chuẩn bị và thực hiện công ước. Do đó, các bên liên quan phải khẩn trương bắt tay ngay vào công việc để tránh bị chậm trễ và thiệt hại khi Công ước có hiệu lực.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR