Kết quả khoá họp thứ 90 của Uỷ ban an toàn hàng hải

14/06/2012

Khóa họp thứ 90 của Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã được tổ chức tại trụ sở của IMO, thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, từ ngày 16 đến 25 tháng năm năm 2012.

Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an toàn hàng hải và an ninh hàng hải đã được MSC thảo luận và thông qua tại khóa họp này.

Cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu

MSC đã đống ý với hướng dẫn tạm thời đối với các công ty an ninh hàng hải tư nhân (PMSC) cung cấp các nhân viên vũ trang theo hợp đồng cá nhân (PCASP) trên tàu trong quá trình đi qua khu vực có nguy cơ cao về cướp biển ngoài khơi bờ biển phía đông của châu Phi.

An toàn tàu khách

Theo kết quả phân tích báo cáo điều tra tai nạn hàng hải chính thức đối với tàu khách Costa Concordia (xảy ra đêm 13 tháng hai năm 2012 tại Italia), MSC đã nhất trí một số biện pháp hoạt động tạm thời liên quan đến an toàn tàu khách cần được thực hiện ngay lập tức, trên cơ sở tự nguyện, trước khi thông qua bất kỳ biện pháp chính thức nào.

Thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS

Các sửa đổi, bổ sung sau đây đối với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) đã được MSC thông qua, với dự kiến là các sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng giêng năm 2014:

  • Quy định II-1/8-1 của Công ước SOLAS đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với các tàu khách mới phải trang bị máy tính ổn định trên tàu hoặc được sự hỗ trợ từ bờ, nhằm mục đích cung cấp các thông tin về vận hành cho thuyền trưởng đưa tàu quay lại cảng an toàn sau khi bị tai nạn ngập tàu.
  • Quy định III/20.11.2 của Công ước SOLAS liên quan đến thử xuồng cứu sinh hạ rơi tự do, yêu cầu việc thử hoạt động hệ thống nhả xuồng cứu sinh hạ rơi tự do phải được thực hiện bằng cách hạ rơi tự do xuồng chỉ với các thuyền viên vận hành xuồng ở trong xuồng, hoặc hạ mô phỏng. Về vấn đề này, MSC cũng đã phê chuẩn một thông tư khuyến khích việc thực hiện sớm sửa đổi, bổ sung đối với Quy định III/20.11.2 của Công ước SOLAS.
  • Quy định V/14 của Công ước SOLAS về định biên của tàu, yêu cầu các Chính quyền Hàng hải, đối với tất cả các tàu, phải thiết lập mức độ định biên an toàn tối thiểu phù hợp cùng với một quy trình minh bạch, lưu ý đến hướng dẫn đã được IMO thông qua (Nghị quyết A.1047(27) của Đại hội đồng IMO về nguyên tắc định biên an toàn tối thiểu). Các Chính quyền Hàng hải phải cấp cho tàu tài liệu định biên an toàn tối thiểu phù hợp là bằng chứng về việc tuân thủ quy định.
  • Chương VI của Công ước SOLAS được bổ sung Quy định mới VI/5-2 nhằm mục đích cấm việc pha trộn hàng lỏng chở xô trong khi tàu hành trình và cấm quá trình sản xuất ở trên tàu.
  • Chương VII của Công ước SOLAS thay thế Quy định VII/4 về các tài liệu, bao gồm thông tin vận chuyển liên quan đến việc chở hàng nguy hiểm dưới dạng đóng gói và giấy chứng nhận đóng gói hàng xếp trong container hoặc ô tô chở trên tàu.
  • Quy định XI-1/2 của Công ước SOLAS về kiểm tra nâng cao, quy định bắt buộc việc áp dụng Bộ luật quốc tế về chương trình kiểm tra nâng cao trong quá trình kiểm tra tàu chở hàng rời và tàu chở dầu năm 2011 (Bộ luật ESP 2011, được thông qua bởi Nghị quyết A.1049(27)).

Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước LOADLINES

MSC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Quy định 47 của Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển (LOADLINES) năm 1966 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định thư năm 1988, nhằm dịch chuyển vùng mùa đông ngoài khơi cực nam của châu Phi thêm 50 hải lý về phía nam. Sửa đổi, bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng giêng năm 2014 theo thủ tục “chấp nhận ngầm” (tacit acceptance).

Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với các bộ luật bắt buộc áp dụng thuộc Công ước SOLAS

Các sửa đổi, bổ sung sau đây, dự kiến có hiệu lực vào ngày 01 tháng giêng năm 2014, đối với các bộ luật bắt buộc áp dụng thuộc Công ước SOLAS, đã được MSC thông qua:

  • Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc năm 2000 (HSC 2000), liên quan đến thông tin liên lạc vô tuyến điện (việc thử thiết bị chỉ báo vị trí tai nạn qua vệ tinh (Satellite EPIRB)).
  • Bộ luật quốc tế về các hệ thống an toàn chống cháy (FSS), liên quan đến hệ thống dập cháy cố định sử dụng bọt, hệ thống phun nước tự động, hệ thống phát hiện và báo động cháy.
  • Bộ luật quốc tế về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển (IMDG) và các phụ lục (sửa đổi, bổ sung 36-12), nhằm hài hòa Bộ luật IMDG với các sửa đổi, bổ sung đối với Khuyến nghị của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng nguy hiểm, phiên bản sửa đổi thứ 17. Sửa đổi, bổ sung 36-12 sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng giêng năm 2014, tuy nhiên các Chính phủ thành viên có thể áp dụng toàn bộ hay một phần sửa đổi, bổ sung này, trên cơ sở tự nguyện, từ ngày 01 tháng giêng năm 2013.

Cập nhật thực trạng hệ thống nhận biết và theo dõi tầm xa (LRIT)

MSC đã được cập nhật về sự phát triển liên quan đến việc thiết lập và thử các Trung tâm dự liệu LRIT và sự hoạt động của hẹ thống LRIT từ phiên họp thứ 89 đến nay. Các bên liên quan đã thông báo cho MSC là việc trao đổi dữ liệu LRIT quốc tế (IDE) đã được vận hành toàn bộ tại trụ sở của Cơ quan An toàn hàng hải châu Âu (EMSA), Lisbon, Bồ Đào Nha, từ ngày 18 tháng mười năm 2011. MSC đã đánh giá cao đề nghị của của các quốc gia Liên minh châu Âu trong việc tiếp tục đăng cai, duy trì và vận hành IDE do EMSA thực hiện sau năm 2013, mà các Chính phủ thành viên Công ước SOLAS và IMO không phải trả chi phí.

Việc xem xét thực trạng tổng thể hoạt động IDE (tháng mười một năm 2011) cho thấy đã có 66 trung tâm dự liệu LRIT được kết nối với IDE; 275.000 bức điện được IDE xử lý trong một tuần (30 bức điện/ một phút); 111 Chính phủ thành viên SOLAS và vùng lãnh thổ hải ngoại liên quan, 325 đơn vị dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn đã là người sử dụng của IDE; và thời gian xử lý trung bình cho mỗi bức điện dưới một giây.

MSC cũng đánh giá cao đề nghị của Hoa Kỳ tiếp tục đăng cai, duy trì và vận hành bộ phận khắc phục thảm họa của IDE sau năm 2013, phù hợp với quy định quốc gia, mà các Chính phủ thành viên Công ước SOLAS và IMO không phải trả chi phí. Một điều cần lưu ý là Hoa Kỳ bảo lưu quyền xem xét lại quyết định của họ nếu hoàn cảnh liên quan đến cấu hình và sự vận hành của IDE thường trực thay đổi trong tương lai.

Cũng tại khóa họp thứ 90, MSC đã thông qua tiêu chuẩn chức năng sửa đổi, cập nhật đối với LRIT, và phê chuẩn một số thông tư sửa đổi, cập nhật liên quan đến vận hành LRIT.

Xem xét việc đánh giá độc lập Công ước STCW

MSC đã xem xét báo cáo của Tổng thư ký IMO về các quốc gia đã hoàn thành việc đánh giá độc lập theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên (STCW), tính từ khóa họp thứ 89 của MSC cho đến nay. Theo đó, 12 Chính phủ thành viên Công ước STCW và 5 vùng lãnh thổ hải ngoại của một thành viên đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Công ước này.

Thảo luận về tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu

MSC đã thành lập nhóm công tác qua thư tín về tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu (GBS) để dự thảo các hướng dẫn liên quan đến việc phê chuẩn các giải pháp thay thể hoặc tương đương được nêu trong một số văn kiện của IMO, và xác nhận kế hoạch làm việc nhằm mục đích xây dựng hướng dẫn tạm thời về tiếp cận mức độ an toàn (Safety Level Approach - SLA). Một nhóm công tác về tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu sẽ được thành lập tại khóa họp thứ 91 của MSC để tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan đến SLA và xem xét các hướng dẫn do nhóm công tác qua thư tín về GBS dự thảo.

Các vấn đề khác

Liên quan đến các vấn đề khác theo báo cáo của các Tiểu ban và các tổ chức khác, tại khóa họp thứ 90, MSC đã quyết định:

  • Phê chuẩn tiêu chuẩn chức năng sửa đổi đối với thiết bị ghi dữ liệu hành trình (VDR) để cập nhật tiêu chuẩn chức năng hiện thời (Nghị quyết A.861(20), được sửa đổi bởi Nghị quyết MSC.214(81)); quy định VDR phải duy trì một cách liên tục việc ghi theo trình tự các dự liệu được lựa chọn trước liên quan đến tình trạng và thông số đầu ra của các trang thiết bị tàu, việc chỉ huy và kiểm soát tàu trong phương tiện ghi cố định, phương tiện ghi nổi tự do, và phương tiện ghi dài hạn.
  • Phê chuẩn một số tuyến hành trình mới và sửa đổi.
  • Phê chuẩn, để thông qua tại khóa họp thứ 91 của MSC, Quy định mới III/17-1 của Công ước SOLAS yêu cầu tàu phải có kế hoạch và quy trình để cứu người từ mặt nước. Đồng thời, MSC cũng phê chuẩn dự thảo nghị quyết về việc thực hiện Quy định III/17-1 của Công ước SOLAS đối với các tàu không thực hiện chuyến đi quôc tế.
  • Phê chuẩn, để thông qua tại khóa họp thứ 91 của MSC, dự thảo Bộ luật vể mức độ tiếng ồn trên tàu sửa đổi. Bộ luật này đưa ra các giới hạn mức độ tiếng ồn bắt buộc trong khu vực buồng máy, buồng điều khiển, xưởng có khí, khu vực sinh hoạt và các khu vực khác của tàu. Khi được thông qua, Bộ luật sẽ thay thế Nghị quyết A.468(XII) - “Bộ luật về mức độ tiếng ồn trên tàu” được IMO thông qua năm 1981. MSC cũng phê chuẩn, để thông qua tại khóa họp thứ 91 của MSC, Quy định mới II-1/3-12 của Công ước SOLAS yêu cầu các tàu mới phải được đóng sao cho giảm được tiếng ồn và bảo vệ cho người trên tàu tránh tiếng ồn phù hợp với Bộ luật mới.
  • Phê chuẩn giải thích thống nhất đối với Công ước về quy tắc quốc tế phòng ngừa va chạm trên biển năm 1972 (COLREG) liên quan đến bố trí đèn hành trình.
  • Phê chuẩn thông tư về bố trí dùng cho hoa tiêu lên, xuống tàu, bao gồm mô tả bằng hình ảnh bố trí dùng cho hoa tiêu lên, xuống tàu, phản ánh sửa đổi, bổ sung đã được thông qua đối với Quy định V/23 của Công ước SOLAS tại khóa họp thứ 88 (năm 2010) của MSC và Nghị quyết Đại hội đồng IMO A.1045(27) - “Bố trí dùng cho hoa tiêu lên, xuống tàu”.
  • Thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung đối với tiêu chuẩn chức năng của thiết bị đo tốc độ và khoảng cách hành trình, nhằm bổ sung nội dung mới đề cập đến sự cần thiết của hai thiết bị riêng rẽ, nếu tàu được yêu cầu phải có thiết bị đo tốc độ và khoảng cách hành trình qua nước và qua đất. Đồng thời, MSC đã phê chuẩn dự thảo thông tư giải thích Quy định V/19.2.9.2 của Công ước SOLAS để làm rõ yêu cầu đối với hai thiết bị riêng rẽ.
  • Phê chuẩn thông tư về hướng dẫn sửa đổi đối với thiết kế và phê chuẩn hệ thống dập cháy cố định sử dụng nước đối với không gian ro-ro và không gian được phân loại đặc biệt; hướng dẫn đối với việc phê chuẩn thiết bị dập cháy sử dụng bọt của phương tiện dùng cho máy bay trực thăng của tàu; và hướng dẫn sửa đổi đối với việc bảo dưỡng và kiểm tra các hệ thống và trang thiết bị phòng chống cháy.
  • Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với hướng dẫn thiết kế và đóng tàu cung ứng ngoài khơi năm 2006 (theo Nghị quyết MSC.235(82)), liên quan đến tiêu chuẩn ổn định hư hỏng.
  • Phê chuẩn, để xem xét thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-2/10 của Công ước SOLAS về cứu hỏa, nhằm mục đích yêu cầu việc trang bị thiết bị vô tuyến điện thoại hai chiều cầm tay cho người cứu hỏa trên tàu; và dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-2/15 của Công ước SOLAS về hướng dẫn, huấn luyện và thực tập trên tàu, yêu cầu trang bị trên tàu phương tiện để nạp lại bình chứa khí của bộ dung cụ thở sử dụng trong thực tập, hoặc một số lượng thích hợp các bình chứa khí dự trữ.
  • Phê chuẩn thông tư về hướng dẫn an toàn cơ bản đối với các cuộc đua du thuyền hoặc các chuyến hành trình đại dương sử dụng các loại tàu thuyền không thuộc phạm vi áp dụng công ước.
  • Phê chuẩn thông tư về hướng dẫn đối với cơ sở cung cấp dịch vụ vệ tinh an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS) trong tương lai.
  • Phê chuẩn sửa đổi, bổ sung đối với Sổ tay tìm kiếm và cứu nạn hàng không và hàng hải (IAMSAR). Sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng sáu năm 2013.
  • Phê chuẩn thông tư về hướng dẫn sửa đổi đối với việc thử hàng năm thiết bị Satellite EPIRB 406 MHz.
  • Đồng ý, về mặt nguyên tắc, dự thảo thông tư về hướng dẫn sửa đổi đối với việc đánh giá an toàn chính thức (FSA) trong quá trình đưa ra quy định của IMO (Hướng dẫn FSA sửa đổi), và hướng dẫn về áp dụng quá trình phân tích yếu tố con người (HEAP) trong quá trình đưa ra quy định của IMO (Hướng dẫn HEAP).
  • Đồng ý việc xem xét lại hệ thống GMDSS nhằm hiện đại hóa hệ thống này với mục tiêu hoàn thành trong năm 2017. Việc xem xét này được đưa vào chương trình nghị sự của các tiêu ban: Thông tin liên lạc vô tuyến điện và tìm kiếm cứu nạn (COMSAR), An toàn hành hải (NAV), và Tiêu chuẩn đào tạo và trực ca (STW); trong đó Tiểu ban COMSAR đóng vai trò đầu mối.
  • Liên quan đến một số tai nạn gần đây do tác động của hàng vận chuyển trên tàu bị hóa lỏng, phê chuẩn thông tư về các biện pháp tạm thời nhằm thực hiện sớm dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quốc tế về vận chuyển hàng rời rắn bằng đường biển (IMSBC), khuyến nghị việc thực hiện tự nguyện dự thảo sửa đổi, bổ sung này liên quan đến việc vận chuyển xô các loại hàng có thể bị hóa lỏng.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR