Điểm đáng chú ý trong văn bản hợp nhất Thông tư quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam

12/08/2022

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Văn bản hợp nhất quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là các quy định về an toàn tàu biển, lao động hàng hải, thẩm định thiết kế tàu biển.

Điểm đáng chú ý trong văn bản hợp nhất Thông tư quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam.

Nội dung quy định về đăng kiểm tàu biển

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang vừa ký ban hành Văn bản hợp nhất số 43/VBHN-BGTVT quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam. Theo đó, hợp nhất Thông tư 40/2016/TT-BGTVT ngày 07/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017), được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm (có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022).

Văn bản này quy định về công tác đăng kiểm tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm và tàu lặn mang cờ quốc tịch Việt Nam. Các tàu biển phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Văn bản quy định nội dung công tác đăng kiểm gồm: Duyệt các tài liệu hướng dẫn tàu biển; thẩm định thiết kế tàu biển; kiểm định, phân cấp, cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và khai thác sử dụng. Đánh giá và cấp Giấy chứng nhận quản lý an toàn, an ninh hàng hải và lao động hàng hải cho tàu biển theo quy định của Bộ luật Quản lý an toàn Quốc tế (ISM), Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (ISPS), Công ước Lao động hàng hải năm 2006.

Giám định trạng thái kỹ thuật phục vụ việc mua, bán, thuê tàu biển, điều tra sự cố, tai nạn tàu biển theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc chủ tàu biển, người mua, bán bảo hiểm, người mua, bán và thuê tàu biển.

120822.17.jpg

Tàu container là đối tượng điều chỉnh của quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam.

Kiểm định và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho container, máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho tàu biển trong chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu, sửa chữa, phục hồi, hoán cải.

Đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; đánh giá, chứng nhận năng lực cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển.

Đánh giá và cấp Giấy chứng nhận phù hợp cho công ty tàu biển theo quy định của Bộ luật ISM. Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn và cán bộ an ninh công ty tàu biển, sĩ quan an ninh tàu biển theo quy định của Bộ luật ISM và Bộ luật ISPS. Cấp giấy chứng nhận thợ hàn theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.

120822.18.jpg

Tàu biển được lên đà sửa chữa, giám sát đăng kiểm tại Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương. 

Quy định về thẩm định thiết kế tàu biển trong đăng kiểm tàu biển

Điểm đáng chú ý trong Văn bản hợp nhất là quy định về thẩm định thiết kế tàu biển.

Thiết kế tàu biển phải thoả mãn quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển.

Ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên áp dụng cho tàu biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển phải bao gồm: 1 bản chính hoặc biểu mẫu điện tử giấy đề nghị theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất này; 1 tài liệu thiết kế dạng điện tử (đối với trường hợp nộp thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) hoặc 33 bản chính tài liệu thiết kế (đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác).

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ sẽ hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hướng dẫn hoàn thiện trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác). Nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.

Trong thời hạn 18 ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hoặc theo thỏa thuận nếu thiết kế tàu biển mới hoặc phức tạp (nhưng không quá 60 ngày), Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định thiết kế. Nếu không đạt yêu cầu thì trả lời tổ chức, cá nhân. Nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và đóng dấu thẩm định vào tài liệu thiết kế.

Thiết kế tàu biển phải thoả mãn quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.

Đối với quy định về kiểm định, cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu biển: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng kiểm cho tàu biển, nếu hồ sơ không đầy đủ, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác. Nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian kiểm định tàu biển tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm định tàu biển, nếu đạt yêu cầu thì cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu biển trong thời hạn 2 ngày làm việc (kể từ khi hoàn thành kiểm định lần đầu, định kỳ) và trong thời hạn 1 ngày làm việc (kể từ khi hoàn thành kiểm định hằng năm, trên đà, trung gian, bất thường). Nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tàu biển nhập khẩu, cơ quan này sẽ cấp văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển sau khi hoàn thành kiểm định lần đầu đạt yêu cầu.