Giải pháp nào để giao thông đường thủy vùng ĐBSCL được an toàn, thông suốt?

30/11/2020

ĐBSCL có hệ thống giao thông đường thủy chằng chịt, mật độ phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

ĐBSCL có hệ thống giao thông đường thủy chằng chịt, mật độ phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông cần có sự quan tâm, thực hiện từ nhiều phía; trong đó vấn đề ý thức chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa của người tham gia giao thông và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ được đặt ra hàng đầu.

Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) đã quá tải tiềm ẩn tai nạn giao thông. (Ảnh: Nhật Trường)

An Giang là tỉnh đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều phương tiện đường thủy lưu thông nhộn nhịp. Toàn tỉnh có khoảng 2.400 km đường thủy nội địa, với hơn 280 bến thủy nội địa và hơn 130 bến khách ngang sông. Tai nạn giao thông đường thủy tuy ít hơn đường bộ, nhưng luôn ẩn chứa nguy cơ cao nếu không có giải pháp phòng ngừa. Đặc biệt vào thời điểm mùa mưa lũ, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn tạo thành các dòng chảy xiết, vùng nước xoáy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông trên sông, nhất là tại các bến phà, bến đò ngang luôn là điều kiện cấp thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân. Chia sẻ về công tác đảm bảo an toàn giao thông. 

Tình trạng neo đậu tàu tràn lan trên sông Tiền địa bàn Thành phố Mỹ Tho, kém an toàn giao thông. (Ảnh: Nhật Trường)

“Qua phối hợp, kiểm tra các bến khách ngang sông, đa số các chủ bến khai thác và người lái phương tiện đều chấp hành tốt Luật giao thông đường thủy, tuy nhiên vẫn còn một số người vi phạm, chúng tôi đã lập biên bản xử lý; Đồng thời chúng tôi tuyên truyền cho các chủ khai thác, người điều khiển phương tiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền cho bà con tham gia giao thông khi qua đò phải mặc áo phao, xếp hàng hóa gọn gàng để đảm bảo an toàn”- Đại úy Nguyễn Văn Khỏe, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh An Giang cho biết.  

Một vụ tai nạn vào năm 2019 làm 2  người chết tại kênh Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang  ( Ảnh: Nhật Trường)

Không được như An Giang, số vụ tai nạn giao thông đường thủy dẫn đến chết người ở tỉnh Bến Tre năm nay rất đáng báo động. Chỉ từ tháng 8 đến tháng 10 đã xảy ra 2 vụ chìm ghe tại sông Ba Lai, thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri và rạch Cái Quao, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam làm 06 người tử vong. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc trên do các thanh niên đi trên các ghe, xuồng không đảm bảo an toàn, người đi trên phương tiện không mặc áo phao, không biết bơi lội… Khi ghe xuồng gặp nước chảy xiết, gió lốc bị lật chìm. 

Còn tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường thủy; hơn 17.400 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông đường thủy,  bị ngành chức năng  xử phạt hành chính với số tiền  hơn 4,5 tỷ đồng. Tại tỉnh Vĩnh Long, 11 tháng qua, trên địa bàn xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết. Riêng Thành phố Cần Thơ lực lượng chức năng đã phát hiện lập biên và ra quyết định xử phạt 4.500 trường hợp vi phạm với số tiền gần 4 tỷ đồng. Trong tháng 10, Phòng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông tổ chức tuần tra kiểm soát được 288 cuộc, lập biên bản 647 trường hợp và ra quyết định xử phạt 611 trường hợp vi phạm, với số tiền hơn 500 triệu đồng.  

Theo Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay,  địa bàn xảy ra xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 5 người, bị thương 1 người. So với trước đây, tai nạn có giảm nhưng số người chết tương đương. Ông Mai Minh Ngoan, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ cho biết, các phương tiện vi phạm đều bị xử lý kiên quyết. 

"Qua công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt là đoàn liên ngành của Ban An toàn giao thông thành lập, chúng tôi đã phát hiện đối với những hành vi vi phạm. Đối với phương tiện thiếu đăng ký đăng kiểm ,chúng tôi có lập biên bản và xử phạt, ngoài ra những bến không phép chúng tôi cũng đã làm việc UBND cấp xã, phường trực tiếp quản lý giao lại yêu cầu đình chỉ khi mà không giấy phép không được hoạt động, không có phương tiện ra bến khi mà kiểm tra thấy các điều kiện đảm bảo an toàn đường thủy không đạt yêu cầu" - ông Mai Minh Ngoan nói.

Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra, xử lý phương tiện vận tải kém an toàn giao thông. (Ảnh: Nhật Trường)

Qua phân tích của các ngành chức năng, đa số các các vụ tai nạn giao thông đường thủy là do phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm, kém an toàn, người đi trên phương tiện bất cẩn, không có giấy phép điều khiển phương tiện, các bến khách ngang sông như bến đò, bến tàu không đạt tiêu chuẩn... Đặc biệt tuyến kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là tuyến giao thông trọng yếu của miền Tây với vùng Đông Nam bộ, mỗi ngày có trên 2.000 phương tiện qua lại nhưng dòng kênh này chật hẹp quá tải; trong khi đó dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn II chưa thi công đã và đang tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Thời gian qua, trên tuyến kênh này thường xuyên xảy ra nhiều vụ sà lan có trọng tải lớn mắc cạn gây ùn ứ giao thông, va quẹt giữa các phương tiện và tai nạn giao thông chìm tàu…

Một bến khách ngang sông ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long chưa đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh: Chanh Tuy)

"Hiện nay, một trong những tuyến còn nhiều rủi ro trong quá trình vận tải đường thủy nội địa thì kênh Chợ Gạo vẫn đang được nhắc tới, cần phải dược duy tu, bảo dưỡng, nạo vét tốt hơn. Kế hoạch thì đã có nhưng mới làm được giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 đến nay triển khai còn chậm. Do đó việc mở rộng, làm sâu luồng kênh Chợ Gạo vẫn là nhu cầu cần thiết mới có thể đáp ứng được vận tải ngành đường thủy nội địa cho vùng kinh tế phía Nam” - ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng  quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang chia sẻ.

Có thể nói hệ thống sông rạch chằng chịt của vùng ĐBSCL, có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng./.


Tác giả: VOV