Hội nghị giám sát kỹ thuật đóng mới tàu biển 2009

16/11/2009

Ngày 2-10, tại Hải Phòng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giám sát kỹ thuật đóng mới tàu biển năm 2009. Tới dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Ngọc Giao Cục trưởng Cục Đăng kiểm, các đồng chí Trịnh Đức Chinh, Trần Kỳ Hình Phó Cục trưởng và hơn 100 cán bộ quản lý, chuyên viên, đăng kiểm viên của các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm làm các công tác liên quan tới hoạt động giám sát đóng mới tàu biển.



Ảnh PV: Cục trưởng Cục ĐKVN Ông Trịnh Ngọc Giao phát biểu tại Hội nghi

Tại Hội nghị, VR đã đánh giá, trong 5 năm qua công nghiệp đóng tàu Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Cùng với sự phát triển của công nghiệp đóng tàu, trong những năm qua công tác giám sát kỹ thuật đóng mới tàu biển của VR đã không ngừng được cải tiến, từng bước nâng cao chất lượng; về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, tiếp cận được các mục tiêu đã đề ra. VR đã thực hiện thành công việc giám sát đóng mới độc lập tàu đến 20.000 tấn.

Tuy vậy, VR cũng chưa giành được nhiều hợp đồng giám sát đóng mới độc lập các tàu có trọng tải từ 6.500 tấn trở lên được đóng mới tại các cơ sở có chất lượng tốt, mà vẫn buộc phải làm chung với đăng kiểm nước ngoài.

(Ảnh PV):

Hội nghị cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua như: Chất lượng thiết kế chưa cao, nhiều chủ phương tiện chỉ coi thiết kế như là một thủ tục để vay vốn, thiết kế duyệt làm nhiều giai đoạn, nên ở một số đơn vị đóng tàu thiếu thiết kế hoặc không có thiết kế; tại hiện trường, nhiều nhà máy đóng tàu thi công còn sai khác so với thiết kế, tự ý thay đổi thiết bị, đặc tính, kích thước cơ cấu hoặc tự thay đổi, sửa thiết kế mà không thông qua đăng kiểm trung ương; nhiều vật liệu và trang thiết bị lắp đặt trên tàu thiếu giấy chứng nhận hoặc chưa có tiêu chuẩn chính thức cho sản phẩm công nghiệp lắp đặt lên tàu; một số chứng chỉ cấp cho đăng kiểm viên còn bất cập.

Hội nghị còn cho thấy những khó khăn trong công tác giám sát đóng mới do nguyên nhân từ phía nhà máy đóng tàu: Cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ của phần lớn các nhà máy nghèo nàn; nhân lực có chất lượng chưa cao, thiếu cán bộ kỹ thuật; hệ thống kiểm soát chất lượng hầu hết chưa được thiết lập; không đáp ứng yêu cầu về sơn phủ bề mặt két dằn theo quy định của Công ước Quốc tế v.v... Các cơ sở đóng tàu biển phía Nam tuy phát triển sau nhưng có ý thức chất lượng cao hơn hẳn khu vực phía Bắc, đã có nhiều cố gắng đầu tư về cơ sở vật chất và hệ thống chất lượng một cách bài bản và nghiêm túc.

(Ảnh PV):
Kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Trịnh Ngọc Giao có bài phát biểu kết luận: Để có được những con tàu biển đóng mới có chất lượng tốt hơn, trong thời gian tới đơn vị duyệt thiết kế cần phải nâng cao chất lượng xét duyệt thiết kế, thậm chí từ chối duyệt các thiết kế kém chất lượng; Các đơn vị giám sát đóng mới tàu biển cần phải cương quyết hơn trong công tác giám sát đóng mới, không châm trước các lỗi không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đồng thời phải phối hợp tốt với chủ tàu, nhà máy đóng tàu, cùng bàn bạc, tư vấn, để cho ra đời các con tàu có chất lượng với mức cao nhất có thể; Cần phải tăng cường khâu kiểm tra chứng nhận các sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu; Tăng cường khâu đào tạo thực hành trong đóng mới tàu biển, giao nhiệm vụ và có cơ chế thích hợp để khuyến khích đăng kiểm viên kèm cặp đăng kiểm viên được đào tạo; Đặc biệt là cần phải xử lý nghiêm túc cán bộ, đăng kiểm viên cố tình vi phạm các quy định của Ngành trong khi thực hiện công việc; từng bước loại bỏ những đăng kiểm viên không có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất ra khỏi dây chuyền giám sát kỹ thuật đóng mới tàu biển.

Tác giả: Phòng Hợp tác Quốc tế