Kết quả khóa họp lần thứ 104 của Ủy ban An toàn hàng hải

12/10/2021

Khóa họp lần thứ 104 (MSC 104) của Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) trực thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ ngày 04 đến 08/10/2021. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham dự khóa họp trong thành phần của đoàn đại biểu Việt Nam.


Các nội dung nổi bật của MSC 104 bao gồm:

•        Thông qua các sửa đổi, bổ sung để hài hòa các yêu cầu đối với cửa kín nước của tàu chở hàng theo một số văn kiện của IMO;

•        Công nhận Hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith của Nhật Bản (QZSS);

•        Phê chuẩn dự thảo sửa đổi, bổ sung của Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) để hiện đại hóa các yêu cầu đối với Hệ thống an toàn và nguy cấp hàng hải toàn cầu (GMDSS);

•        Phê chuẩn dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng IMO về hành động toàn diện để giải quyết những thách thức của thuyền viên trong đại dịch COVID-19.

Thông qua các sửa đổi đối với các văn kiện bắt buộc

Cửa kín nước trên tàu chở hàng

MSC 104 đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định thư năm 1988 của Công ước Quốc tế về mạn khô tàu biển (LOADLINE) và Bộ luật Quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô khí hóa lỏng (IGC) để hài hòa việc xem xét các cửa kín nước trong tính toán ổn định hư hỏng theo quy định của Công ước LOADLINE và Bộ luật IGC với các quy định tương ứng trong Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS). Các sửa đổi, bổ sung này không ảnh hưởng đến các tàu hiện có.

Các sửa đổi, bổ sung hài hòa tương tự đối với Phụ lục I của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) và Bộ luật Quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (IBC) dự kiến sẽ được khóa họp thứ 77 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC 77) của IMO phê chuẩn trong tháng 11/2021.

Các sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/ 2024

Chỉnh sửa nhỏ đối với Nghị định thư năm 1988 của Công ước LOADLINE

MSC 104 đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Quy định 22 để sửa tham chiếu sai về "lỗ nhận nước" trong bảng thể hiện các hình thức bố trí có thể được chấp nhận đối với lỗ thoát nước và lỗ xả của thân tàu.

Chu kỳ sửa đổi, bổ sung giữa kỳ đặc biệt

Từ ngày 01/01/2020, các sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS và các văn kiện bắt buộc liên quan đã theo chu kỳ có hiệu lực bốn năm. Tất cả các sửa đổi, bổ sung cho bản cập nhật năm 2024 phải được thông qua trước ngày 01/7/2022.

MSC 104 thừa nhận đại dịch COVID-19 đã gây ra sự chậm trễ trong một số công việc đang diễn ra và đồng ý đưa ra chu kỳ sửa đổi, bổ sung giữa kỳ đặc biệt với ngày có hiệu lực là ngày 01/01/2026 cho các sửa đổi, bổ sung được thông qua trước ngày 01/7/2024.

An toàn phà nội địa

Số vụ tai nạn và thương vong trên phạm vi toàn cầu liên quan đến phà nội địa vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ. Trong khi các hoạt động vận tải thủy nội địa nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của IMO, MSC 104 đã phê duyệt các quy định mẫu không bắt buộc về an toàn phà nội địa.

Dự thảo nghị quyết của MSC về việc thông qua các quy định mẫu nêu trên sẽ được MSC 105 xem xét trong tháng 4/2022.

Các biện pháp tăng cường an ninh hàng hải

Hướng dẫn mạng cho các cảng và bến cảng

MSC 104 đã đồng ý tham chiếu đến "Hướng dẫn an ninh mạng của IAPH cho các cảng và bến cảng", do Hiệp hội quốc tế về cảng bến (IAPP) xây dựng, trong phiên bản tiếp theo của hướng dẫn về quản lý rủi ro mạng hàng hải (MSC-FAL.1/Circ.3/Rev.1), với điều kiện Ủy ban Tạo thuận lợi (FAL) của IMO cùng đồng thuận về vấn đề này.


Yếu tố con người, huấn luyện và trực canh

Các vấn đề về huấn luyện và chứng nhận thuyên viên do tác động của COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra các vấn đề liên quan đến việc cấp mới các tài liệu, chẳng hạn như chứng chỉ năng lực chuyên môn và giấy chứng nhận sức khỏe, và nhiều thuyền viên đang gặp khó khăn trong việc duy trì chứng chỉ của họ vì không có các khóa học cần thiết.

MSC 104 đã phê chuẩn dự thảo "Hướng dẫn về huấn luyện và cấp chứng chỉ cho thuyền viên dành cho quốc gia cấp chứng chỉ, quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và quốc gia có cảng trong đại dịch COVID-19", bao gồm các biện pháp phổ biến đã được các quốc gia áp dụng trong đại dịch.

MSC 104 cũng đồng ý phát triển một mô-đun mới trong cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến GISIS của IMO để cung cấp thông tin về các biện pháp khác nhau cho tất cả các bên liên quan.

Hành hải, thông tin liên lạc, tìm kiếm và cứu nạn

Hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith (QZSS)

Tất cả các tàu phải được trang bị máy thu cho hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) hoặc hệ thống định vị vô tuyến mặt đất. Quy định này dựa trên việc công nhận các hệ thống được cung cấp hoặc vận hành bởi các chính phủ hoặc các tổ chức, ví dụ như GPS (Mỹ), Galileo (EU), GLONASS (Liên bang Nga), BeiDou (Trung Quốc) và IRNSS (Ấn Độ).

MSC 104 đã phê chuẩn một thông tư về an toàn hành hải (SN) công nhận Hệ thống Vệ tinh Quasi-Zenith của Nhật Bản (QZSS) là một thành phần của Hệ thống Dẫn đường vô tuyến toàn cầu (WWRNS). Tiêu chuẩn chức năng cho máy thu QZSS đã được MSC 102 phê duyệt.

Hiện đại hóa Hệ thống An toàn và nguy cấp hàng hải toàn cầu

Hệ thống An toàn và nguy cấp hàng hải toàn cầu (GMDSS), được thông qua vào năm 1988, đã được xem xét và hiện đại hóa nhằm mục đích thích ứng với các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại và loại bỏ các yêu cầu trang bị các hệ thống lỗi thời.

MSC 104 đã thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS để hiện đại hóa các yêu cầu của GMDSS, cũng như dự thảo sửa đổi, bổ sung tương ứng đối với Bộ luật Quốc tế về an toàn tàu cao tốc (HSC), Bộ luật về tàu có công dụng đặc biệt (SPS) và Bộ luật Quốc tế về kết cấu và trang thiết của giàn khoan đi động ngoài khơi (MODU).

Việc hiện đại hóa nêu trên bao gồm nhiều yêu cầu tổng quát hơn, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ cụ thể và các yêu cầu về trang thiết bị được sửa đổi cho các vùng biển từ A1 đến A4. Các quy định về thiết bị thông tin liên lạc đã được chuyển từ Chương III - Trang thiết bị cứu sinh sang Chương IV - Thông tin liên lạc vô tuyến của Công ước SOLAS.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nêu trên dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2024 khi được MSC 105 thông qua trong tháng 4/2022.

Tiêu chuẩn chức năng đối với thiết bị ghi dữ liệu hành trình (VDR)

MSC 104 đã phê chuẩn các sửa đổi, bổ sung đối với tiêu chuẩn chức năng cho VDR và VDR đơn giản, sau khi đã thông qua các tiêu chuẩn chức năng cho phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp nổi tự do (EPIRB) hoạt động ở tần số 406 MHz theo Nghị quyết MSC.471(101)) năm 2019.

Sổ tay dịch vụ Iridium SafetyCast

MSC 104 đã phê duyệt bản sửa đổi của sổ tay dịch vụ Iridium SafetyCast (ban hành theo Thông tư MSC.1/Circ.1613 tháng 6/2019). Sổ tay sửa đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022.

Dịch vụ Iridium SafetyCast là dịch vụ dựa trên vệ tinh để phát hành các thông tin về an toàn hàng hải, cảnh báo hàng hải và khí tượng, dự báo khí tượng, thông tin liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn và các thông báo khẩn cấp khác liên quan đến an toàn cho tàu.


Thực hiện các văn kiện của IMO

Quy trình kiểm soát của quốc gia có cảng (PSC)

MSC 104 đã phê chuẩn dự thảo Quy trình kiểm soát của quốc gia có cảng năm 2021, dự định bãi bỏ quy trình tương ứng hiện có được thông qua năm 2019 theo Nghị quyết A.1138(31). Tiếp theo, dự thảo quy trình mới này sẽ được MEPC phê chuẩn và sau đó, dự kiến sẽ được được Đại Hội đồng IMO 32 thông qua trong tháng 12/2021.

Các sửa đổi chủ yếu liên quan đến Phụ lục 7 của hướng dẫn kiểm tra các yêu cầu vận hành. Ngoài ra, Phụ lục 4 bao gồm các hướng dẫn về việc xác nhận sổ nhật ký hàng hóa điện tử theo Phụ lục II của Công ước MARPOL.

Cập nhật Hướng dẫn Kiểm tra HSSC

MSC 104 đã phê chuẩn dự thảo Hướng dẫn Kiểm tra theo Hệ thống hài hòa về kiểm tra và chứng nhận (HSSC) năm 2021. Dự kiến, hướng dẫn mới này sẽ hủy bỏ hướng dẫn tương ứng hiện có được thông qua theo Nghị quyết A.1140(31) tháng 12/2019. Hướng dẫn mới bao gồm các quy định liên quan đến:

• Sẵn sàng vận hành, bảo trì và kiểm tra xuồng cứu sinh và xuồng cấp cứu, thiết bị hạ và cơ cấu nhả xuồng;

• Bố trí thoát nạn cho tàu chở khách và phương tiện phục vụ máy bay trực thăng;

• Thử nghiệm vận hành hệ thống quản lý nước dằn;

• Hài hòa các đợt kiểm tra của các tàu chở hàng không áp dụng Bộ luật Quốc tế về chương trình kiểm tra nâng cao trong quá trình kiển tra tàu chở hàng rời và tàu chở dầu (ESP);

• Kiểm tra VHF hai chiều sử dụng pin nguyên bản đã hết hạn;

• Sổ nhật ký điện tử theo Công ước MARPOL;

• Dụng cụ chữa cháy bằng bọt của phương tiện phục vụ máy bay trực thăng.

Theo kế hoạch, hướng dẫn mới nêu trên sẽ được đệ trình lên MEPC 77  trong tháng 11/2021 để phê duyệt và sẽ được Đại Hội đồng IMO 32 thông qua trong tháng 12/2021.

Mẫu thỏa thuận ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm tàu

MSC 104 đã phê chuẩn các sửa đổi, bổ sung đối với  mẫu thỏa thuận để ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm thực hiện kiểm tra, chứng nhận tàu để đảm bảo quy định về các nghĩa vụ báo cáo trong đoạn 6.5.5 phù hợp với Bộ luật về các tổ chức đăng kiểm (RO) liên quan đến phạm vi chứng nhận và dịch vụ theo luật định.

Chương trình làm việc

Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC)

Tàu mặt nước tự hành hải (MASS)

MSC 104 đã đồng ý xây dựng một văn kiện dựa trên mục tiêu mới cho các tàu mặt nước tự hành hải (MASS). Ủy ban này cũng nhất trí mục tiêu cuối cùng là chuẩn bị một văn kiện bắt buộc để giải quyết các hoạt động của MASS trong khuôn khổ quy định của IMO. Công việc này sẽ được bắt đầu bằng việc xây dựng lộ trình tại MSC 105  trong tháng 4/2022.

Tiểu ban Thực hiện các văn kiện của IMO (III)

Kiểm tra tàu, đánh giá theo Bộ luật ISM và thẩm tra theo Bộ luật ISPS từ xa

MSC 104 đã đồng ý xây dựng hướng dẫn về việc đánh giá và áp dụng kiểm tra tàu, đánh giá theo Bộ luật Quốc tế về quản lý an toàn (ISM) và thẩm tra theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS) theo hình thức từ xa.

Các nội dung khác

Các vấn đề liên quan đến COVID-19

MSC 104 lưu ý rằng việc trở lại chế độ thay đổi thuyền viên bình thường có thể sẽ mất nhiều thời gian. Trong tháng 04/2021, số lượng thuyền viên yêu cầu hồi hương sau khi kết thúc hợp đồng làm việc trên tàu giảm xuống còn khoảng 200.000 người, với một số lượng tương tự các thuyền viên đang chờ được lên tàu làm việc để thay thế cho những người đã có kế hoạch hồi hương. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại những con số này đang tăng lên một lần nữa do tác động của biến chủng mới COVID-19.

MSC 104 đã phê chuẩn dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng IMO về "Hành động toàn diện để giải quyết những thách thức của người đi biển trong đại dịch COVID-19". Nghị quyết này, dự kiến sẽ được Đại Hội đồng IMO 32 thông qua vào tháng 12/2021, tổng hợp các vấn đề liên quan đến thay đổi thuyền viên, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, công nhận thuyền viên là "Lao động chủ chốt" và ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đã được đề cập trong các văn kiện sau đây của MSC:

• Nghị quyết MSC.473 (ES.2) về "Hành động khuyến nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và việc di chuyển của thuyền viên trong đại dịch COVID-19";

• Thông tư MSC.1/Circ.1636/Rev.1 về "Giao thức khung khuyến nghị trong ngành để đảm bảo sự thay đổi và di chuyển thuyền viên an toàn trong đại dịch coronavirus (COVID-19)";

• Nghị quyết MSC.490(103) về "Hành động khuyến nghị để ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho thuyền viên".​

Tác giả: Nguyễn Hải