Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động để tránh thảm họa môi trường

04/11/2019

Với khoảng 800 triệu tấn mỗi năm, ngành công nghiệp hàng hải đang chịu trách nhiệm cho khoảng 2,2% tổng lượng khí thải toàn cầu.


Một tàu container dỡ hàng tại cảng Gioia Tauro, Ý

Phát biểu tại Diễn đàn Hàng hải Toàn cầu (GMF), bà Isabelle Durant, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết nếu không cắt giảm khí thải từ ngành hàng hải, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa môi trường.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cũng đồng ý với quan điểm của bà Durant. Phát ngôn viên, Lee Adamson cho hay mức phát thải hiện tại từ hàng hải là không thể chấp nhận được và ngành công nghiệp cần một cuộc cách mạng đẩy mạnh mới, có thể cắt giảm hoàn toàn khí thải từ ngành này.

Trong hàng trăm năm, hàng hải là một trong những phương thức quan trọng nhất để kết nối thế giới, thậm chí ngày nay, nó rất quan trọng đối với thương mại quốc tế, liên kết các quốc gia và cộng đồng. Vai trò chính của hàng hải là phát triển, cùng với sự gia tăng lớn trong thương mại và vận tải hàng hải toàn cầu.

Theo IMO, hàng hải sẽ rất cần thiết cho tầm nhìn của LHQ cho sự phát triển bền vững. Cách vận chuyển này là đáng tin cậy, tiết kiệm năng lượng, chi phí vận chuyển thấp cho hơn 80% các giao dịch trên thế giới.

Thoát khỏi nhiên liệu chạy tàu

Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính do ngành hàng hải sản xuất là rất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngành này đã không theo kịp các hình thức vận tải khác về hành động khí hậu. WB ước tính chỉ một con tàu vận chuyển lớn cũng đã tạo ra lượng lưu huỳnh tương đương với 50 triệu ô tô.

Với khoảng 800 triệu tấn mỗi năm, ngành công nghiệp hàng hải đang chịu trách nhiệm cho khoảng 2,2% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị toàn thể về tầm quan trọng của việc giảm thiểu lượng khí thải hàng hải, bà Durant cho hay, ngành hàng hải phụ thuộc rất nhiều vào một dạng nhiên liệu lỏng (gọi là nhiên liệu bunker) có lượng khí thải cácbon cao. Thương mại hàng hải toàn cầu dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải đảm bảo tàu được vận hành theo cách bền vững hơn.

Đây là lý do tại sao LHQ đang dẫn đầu một số dự án nhằm cắt giảm lượng khí thải một cách đáng kể và cuối cùng sẽ loại bỏ chúng hoàn toàn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của GMF tại Singapore, bà Durant và các đồng nghiệp đã đưa ra Đánh giá về Giao thông vận tải hàng hải năm 2019 của UNCTAD, khẳng định sự cần thiết nỗ lực hướng tới môi trường bền vững và cảnh báo sự gián đoạn công nghệ và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng lớn đến hàng hải trong thập kỷ qua. Một số công ty đang kêu gọi tài trợ để phát triển các con tàu không phát thải.

Ông Adamson cho biết: “Năm 2018, các quốc gia thành viên IMO đã áp dụng chiến lược ban đầu để cắt giảm khí thải nhà kính ra khỏi hàng hải và loại bỏ hoàn toàn càng sớm càng tốt. Có một mối liên quan với Hiệp định Paris về BĐKH và mức độ tham vọng rõ ràng, bao gồm giảm ít nhất 50% lượng khí thải từ ngành này vào năm 2050 so với năm 2008”.

Theo ông Adamson, thương mại và vận tải được dự báo tiếp tục gia tăng, các con tàu trên biển hiện nay sẽ phải cắt giảm khoảng 80% lượng khí thải và đến năm 2030, các tàu được đóng mới sẽ cần hoàn toàn không có khí thải.

“Dự báo chiến lược này sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng mới. Cần phải thiết kế cho các tàu thương mại không phát thải khí cácbon hấp dẫn hơn, đầu tư trực tiếp vào các công nghệ đổi mới bền vững và thay thế các loại nhiên liệu ít cácbon và không cácbon”, ông nhấn mạnh.


Hướng tới phương tiện chạy bằng pin

Theo ông Adamson, ngành công nghiệp đã khám phá ra một số phương án thú vị. Cụ thể, chiến lược phát thải IMO đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về con đường phía trước. Chúng bao gồm phà chạy bằng pin và hybrid, tàu dùng nhiên liệu sinh học hoặc nhiên liệu hydro, và gió hỗ trợ đẩy động cơ.

Công ty phà Color Line, Na Uy đang chế tạo con tàu bằng điện hybrid lớn nhất thế giới, có khả năng chở 2.000 hành khách và 500 xe hơi từ các thị trấn Stromstad, Thụy Điển đến Sandefjord, Na Uy.

Bộ pin trên thuyền cho phép nó di chuyển tới 60 phút, tốc độ có thể lên tới 12 hải lý, nghĩa là chặng cuối của chuyến đi kéo dài hai tiếng rưỡi, qua vịnh hẹp dẫn đến bến cảng Sandefjord mà không phát thải.

Na Uy cũng là quê hương của Brodrene AA - một nhà xây dựng các phà bằng sợi cácbon có tính hiệu quả cao. Chúng có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu tới 40% so với các tàu truyền thống. Công ty đã phát triển một tàu chạy hoàn toàn bằng pin và hydro, phà không phát thải được dự báo trở thành quy chuẩn trong tương lai.

Hợp tác để cùng phát triển

Mặc dù có những tín hiệu đáng mừng về một tương lai không phát thải cho ngành hàng hải nhưng nếu muốn đạt được mục tiêu của LHQ, các hành động cần phải diễn ra nhanh hơn nhiều.

Để đẩy nhanh tiến độ, IMO đang tham gia vào một số dự án lớn trên toàn cầu, liên quan đến các quốc gia thành viên và ngành hàng hải.

Theo phát ngôn viên của WMO, mặc dù chi phí đầu tư vào hàng hải ít phát thải hoặc không phát thải có thể sẽ cao hơn nhưng thường thì các nhà kinh doanh sẽ không cho rằng đó là sự lựa chọn. “Hiện trạng này không thể chấp nhận vì ảnh hưởng của khí thải hàng hải, không chỉ để giải quyết BĐKH, mà còn về sức khỏe con người và môi trường, và điều đó có chi phí riêng cũng do xã hội chi trả” - phát ngôn viên này cho biết.

Phát ngôn viên này nhấn mạnh: “Cần phải xây dựng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời phải thừa nhận mặc dù có tính hiệu quả về chi phí nhưng vận chuyển hàng hải là một nguồn gây ô nhiễm và cần phải giảm thiểu”.


Tác giả: Đan Ngân