Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực giao thông

09/05/2022

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang dự thảo nội dung Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Trong đó, chiến lược xác định 6 lĩnh vực trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị…

Vận tải đường thủy phát thải thấp nhất.

Phát thải hơn 45 triệu tấn CO2 và tương đương

Theo Bộ GTVT, năm 2019 ngành GTVT phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 và tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy (gồm thủy nội địa và ven biển) chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt là không đáng kể. Tính theo đơn vị sản lượng vận tải, vận tải đường thủy phát thải thấp nhất, sau đó đến đường sắt, hàng không và cuối cùng là đường bộ có mức phát thải cao nhất.

So với các nước tiên tiến trên thế giới, lượng phát thải do các hoạt động giao thông vận tải Việt Nam khá cao, chủ yếu do phương tiện cũ, lạc hậu, tuổi đời cao; mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, vận tải đường bộ chiếm thị phần cao, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn tại các đô thị. Tính đến 31/12/2021, cả nước hiện có 4.554.590 xe ô tô, gần 60 triệu xe mô tô, xe máy, chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel và khoảng 1,4 triệu xe máy điện đang lưu hành.

Phương tiện đường sắt hiện có 244 đầu máy đều là đầu máy diesel, trong đó có 29 đầu máy được sản xuất từ năm 1963, 27 đầu máy được sản xuất năm 1978, 35 đầu máy được sản xuất năm 1985... Số đầu máy thuộc diện mới và hiện đại nhất của đường sắt Việt Nam hiện nay được sản xuất từ năm 2006.

Phương tiện thủy nội địa hơn 233.000 phương tiện với độ tuổi bình quân 13,2 tuổi, trong đó tàu hàng 204.000 chiếc (chiếm 87,5%) với tổng trọng tải 18.793 nghìn tấn phương tiện; tàu khách 29.000 chiếc (chiếm 12,5%) với 508.545 ghế khách. Bên cạnh đó, có hơn 2.700 phương tiện VR-SB (sông pha biển) với hơn 1.200 tàu chuyên chở hàng.

Tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.555 tàu với tổng trọng tải khoảng 12,2 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7,4 triệu GT. Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam là 16,7 tuổi và trẻ hơn 5,1 tuổi so với thế giới.

Tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện có 233 chiếc, trong đó có 179 chiếc đi thuê. Tuổi trung bình đội tàu bay Việt Nam là 6,2 tuổi, khá trẻ so với tuổi trung bình đội tàu bay thế giới.

Theo các chuyên gia, có khoảng 70% dân số sẽ sống ở các đô thị vào năm 2050 trong khi quá trình đô thị hóa tại các nước gây ra các vấn đề về môi trường, kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, phương tiện giao thông tại khu vực đô thị chuyển đổi mạnh mẽ sang phương tiện điện, sử dụng các phương thức vận tải khối lượng lớn như MRT và BRT, giao thông phi cơ giới và sự kết nối giao thông với các khu vực đô thị và khu vực trung tâm đang được quan tâm.

Hệ thống trang thiết bị tại các nhà ga đường sắt, cảng, bến đường thủy và sân bay chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng và dầu diesel. Thiết bị bốc xếp tại các nhà ga đường sắt và bến thuỷ nội địa vẫn thô sơ, công nghệ lạc hậu.

Trang thiết bị, công nghệ được sử dụng ở các cảng biển đều được nhập khẩu, tuy nhiên chỉ có một số cảng lớn ở khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu được đầu tư các trang thiết bị bốc xếp sử dụng điện.

Phương tiện giao thông tại khu vực đô thị chyển đổi mạnh mẽ sang phương tiện xanh

Tập trung chuyển đổi năng lượng xanh giao thông đô thị

Theo dự thảo, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực giao thông đô thị giai đoạn 2022 - 2030, từ 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%; TP. Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10 - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Giai đoạn 2031 - 2050, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Để đạt được lộ trình này, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị là: quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện giao thông công cộng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác.

Trong đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị cho phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh; rà soát các quy định, tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị có đường dành riêng cho phương tiện điện và giao thông phi cơ giới.

Tác giả: Trí Dũng