Một số lưu ý khi sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp

17/06/2019

Từ ngày 01/01/2020, tất cả các tàu hoạt động tại các vùng biển ngoài khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (ECA) đều phải sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,50%, trừ trường hợp tàu được trang bị hệ thống làm sạch khí xả (scrubber). Các tàu hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải lưu huỳnh (ECA) tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,10%.


Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tại khóa họp thứ 70 (tháng 10/2016), đã thông qua Nghị quyết MEPC.280(70) để quyết định ngày 01/01/2020 là thời điểm có hiệu lực thi hành quy định về giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 0,50% theo khối lượng có trong dầu nhiên liệu hàng hải theo Quy định 14.1.3 của Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL). Theo đó, từ ngày 01/01/2020, tất cả các tàu hoạt động tại các vùng biển ngoài khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (ECA) đều phải sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,50%, trừ trường hợp tàu được trang bị hệ thống làm sạch khí xả (scrubber). Các tàu hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải lưu huỳnh (ECA)  tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,10%.

Đối với đội tàu biển Việt Nam, nhiên liệu sử dụng cho tàu biển từ ngày 01/01/2020 phổ biến sẽ là: dầu nhiên liệu hàng hải trưng cất với hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,10% (MGO hoặc MDO) và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp (VLSFO) với hàm lượng lưu huỳnh tối đa là 0,50%. Các loại dầu nhiên liệu này phải tuân thủ các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 8217.

Lưu ý khi sử dụng VLSFO

Hầu hết VLSFO được sản xuất bằng cách pha trộn các thành phần cặn của quá trình cracking dầu mỏ với các thành phần trưng cất, do đó tính ổn định và tương thích của nhiên liệu cần phải được chú ý đặc biệt. Tùy theo cách thức sản xuất và sự sẵn có của các thành phần pha trộn, mà dầu nhiên liệu sẽ có tính thơm hoặc parafin nổi trội, và do đó, các loại dầu này có thể sẽ không tương thích nếu được trộn lẫn vào nhau trên tàu.

Cần duy trì sự cách ly các loại nhiên liệu chứa trên tàu và giảm thiểu sự trộn lẫn của chúng thông qua hệ thống nhiên liệu phù hợp với các quy trình vận hành tiêu chuẩn của tàu. Bên cạnh sự không tương thích tiềm tàng giữa các loại dầu cặn, cũng có rủi ro khi trộn lần dầu cặn và dầu chưng cất vì chúng có thể không tương thích với nhau.

Do sự thay đổi cách thức sản xuất nhiên liệu, nên có thể thấy sự khác biệt lớn hơn về tỷ trọng và độ nhớt của các loại nhiên liệu cấp cho tàu tại các cảng khác nhau trên thế giới. Do đó, đại diện của tàu cần yêu cầu nhà cung cấp nhiên liệu gửi cho mình bảng thông số chất lượng dầu trước khi nhận lên tàu.


Cấu hình két nhiên liệu của tàu

Hệ thống nhiên liệu được cách ly

Để giảm thiểu rủi ro không tương thích, giải pháp tối ưu là cách ly hoàn toàn các loại dầu nhiên liệu khác nhau trong quá trình cất giữ và xử lý trên tàu với các hệ thống đường ống nhiên liệu được cách ly và các két chứa, két lắng, két trực nhật được cách ly. Mặc dù với cấu hình két nhiên liệu tối ưu như vậy, việc chuyển từ dầu thuộc một mẻ hay cấp này sang mẻ hay cấp khác vẫn yêu cầu là trước khi đến động cơ, hai loại dầu nhiên liệu từ các két khác nhau được trộn lẫn vào nhau.

Hai két lắng đến một két trực nhật

Nếu tàu có hai két lắng khác nhau (để có thể cách ly dầu nhiên liệu thuộc các mẻ hay cấp khác nhau) đưa dầu đến một két trực nhật, thì trước khi chuyển đổi dầu phải giảm thiểu lượng dầu còn lại trong két trực nhật trước khi nạp đầy két này với dầu tiếp theo.

Một két lắng đến một két trực nhật

Nếu tàu chỉ có một két lắng cấp dầu đến một két trực nhật, thì trước khi chuyển đổi dầu từ một mẻ hay cấp này sang mẻ hay cấp khác phải giảm thiểu lượng dầu còn lại trong két lắng trước khi nạp đầy két này với dầu tiếp theo. Tiếp đó, phải phải giảm thiểu lượng dầu còn lại trong két trực nhật trước khi nạp đầy két này với dầu từ két lắng.

Trong mọi trường hợp, khi chuyển cấp nhiên liệu, cần thực hiện hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của máy phân ly dầu và bầu lọc xả ngược để phát hiện bất kỳ sự không tương thích nào của nhiên liệu.

Xử lý nhiên liệu trên tàu

Nhiệt độ xử lý

 Két dự trữKét lắngDầu vào máy lọc lý tưởng
Nhiên liệu trưng cất100C trên điểm đôngNhiệt độ môi trườngNhiệt độ môi trường
Nhiêu liệu cặn100C trên điểm đông650C980C

Lưu ý:

- Điểm đông (Pour Point - PP) là nhiệt độ dưới đó nhiên liệu ngừng chảy.

- Đối với tất cả các nhiên liệu hàng hải sử dụng trên tàu, nhiệt độ cất giữ cần phù hợp với Thông tư MSC.1/Circ.1321 - Hướng dẫn các biện pháp để ngăn ngừa cháy trong buồng máy và buồng bơm hàng.

Độ nhớt

Nhiên liệu chưng cất có độ nhớt thấp hơn nhiên liệu cặn. Khi chuyển từ nhiên liệu cặn với độ nhớt cao sang nhiên liệu có độ nhớt thấp và ngược lại, để làm giảm rủi ro mài mòn bơm, cần lưu ý bảo đảm là tốc độ thay đổi nhiệt độ trong các bơm nhiên liệu không lớn hơn trị số tối đa được nhà sản xuất động cơ khuyến nghị, thông thường là 20C mỗi phút. Việc hoạt động với nhiên liệu có độ nhớt thấp có thể dẫn đến khả năng rò rỉ nhiều dầu nhiên liệu từ bơm phun nhiên liệu và có thể sẽ khó khởi động động cơ bằng nhiên liệu có độ nhớt thấp, nếu như bơm phun nhiên liệu không được bảo dưỡng theo khuyến nghị của nhà sản xuất.


Hoạt động của tàu

Trước ngày 01/01/2020, người khai thác tàu cần xây dựng kế hoạch thực hiện của từng tàu phù hợp với Thông tư MEPC.1/Circ.878 - Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện của tàu để thực hiện nhất quán giới hạn lưu huỳnh 0,50% theo Phụ lục VI của Công ước MARPOL. Đối với tàu không được trang bị hệ thống làm sạch khí xả (scrubber) và dự định sử dụng VLSFO, thì cần phải làm sạch các két nhiên liệu và hệ thống phục vụ liên quan của tàu trước cuối năm 2020, vì việc chứa nhiên liệu tuân thủ vào các két nhiên liệu trước đây có chứa dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh cao (HSFO) nhưng chưa được làm sạch có thể dẫn đến rủi ro cao cả về hoạt động của các máy trên tàu và về nhiên liệu không tuân thủ giới hạn lưu huỳnh 0,50%.

Sau khi VLSFO đã được chứa trong các két được làm sạch và sau thời gian  các máy trên tàu đã hoạt động bằng loại nhiên liệu này, cần lấy mẫu dầu nhiên liệu ngay trước đầu vào động cơ để thử nhằm khẳng định động cơ tiêu thủ nhiên liệu tuân thủ quy định về giới hạn hàm lượng lưu huỳnh. Việc thử này cần phải thực hiện đầy đủ trước ngày 01/01/2020 để cho phép có thời gian thực hiện bất kỳ hành động khắc phục theo yêu cầu nào đối với sự không tuân thủ.

Theo quy định của Công ước MARPOL, trách nhiệm chính trong việc đảm bảo sự tuân thủ về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu thuộc về chủ tàu. Đối với tàu sử dụng nhiên liệu riêng để tuân thủ yêu cầu về giới hạn lưu huỳnh 0,10% khi đi vào khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (ECA), trên tàu phải có các quy trình bằng văn bản về việc chuyển đổi dầu nhiên liệu khi tàu đi vào và rời khỏi ECA. Tàu phải ghi lại thể tích dầu nhiên liệu lưu huỳnh thấp (0,10%) trong từng két, ngày, thời gian và vị trí của tàu khi bất kỳ hoạt động chuyển đổi dầu nhiên liệu nào được hoàn thành trước khi tàu đi vào ECA, hoặc bất kỳ hoạt động chuyển đổi dầu nhiên liệu nào được bắt đầu sau khi tàu ra khỏi ECA.

Nên trao đổi với các nhà sản xuất động cơ đốt trong và nồi hơi về sự phù hợp của các thiết bị đốt để đốt các loại nhiên liệu dự kiến sẽ được sử dụng. Cần phải tham khảo sổ tay của động cơ về bất kỳ hạn chế nào đối với động cơ tại thời điểm chuyển đổi nhiên liệu, nhưng thông thường, việc chuyển đổi này nên được thực hiện khi tàu hoạt động ở chế độ có tải một phần. Tàu cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn khi thực hiện chuyển đổi dầu nhiên liệu.

Dầu bôi trơn

Người khai thác tàu cần sử dụng chính xác cấp dầu bôi trơn phù hợp với nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp để đảm bảo tạo ra sự bảo vệ thích hợp đối với các máy. Các chỉ dần về vấn đề này cần tham khảo các nhà chế tạo động cơ và nhà cung cấp dầu bôi trơn.

 

Tác giả: H. Vũ