Tập trung tháo gỡ vướng mắc về quản lý phương tiện thuỷ nội địa

07/11/2023

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị về quản lý nhà nước phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ) khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

0R3A6492.JPG

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, PTTNĐ thuộc diện phải đăng kiểm đa dạng về công dụng, kích thước, trọng tải. việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn chung áp dụng cho tất cả các phương tiện gặp khó khăn.

Để xây dựng các quy định riêng, đặc thù cho từng vùng miền cần có nghiên cứu thực tiễn đánh giá thực tế để đảm bảo an toàn cho con người và tài sản khi phương tiện hoạt động. Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng trong một thời gian khá dài trước đây nên nhiều nội dung không còn phù hợp do điều kiện kinh tế xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới trong lĩnh vực PTTNĐ đã thay đổi, tốc độ phát triển PTTNĐ cả về cỡ và kiểu loại phương tiện, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, các quy định chưa kịp thời điều chỉnh để đáp ứng với xu hướng phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, việc thi công đóng mới, hoán cải, sửa chữa PTTNĐ gặp nhiều bất cập do còn nhiều địa phương không có cơ sở đóng tàu được xác nhận năng lực kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng trên, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Đặc thù hoạt động vận tải thủy nội địa có nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc phương tiện nhỏ, phân tán, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có những khu vực biệt lập do bị chia cắt bởi các đập thủy điện. Có địa bàn chưa có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu được xác nhận, thông báo năng lực... gây khó khăn cho việc đóng mới, sửa chữa, đăng kiểm phương tiện. Có nơi vẫn còn tình trạng phương tiện được đóng tự phát không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm: có tình trạng phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm vẫn đưa vào hoạt động…

Tương tự, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chỉ ra nhiều tồn tại vướng mắc trong đăng ký, đăng kiểm PTTNĐ. Đơn cử, nhiều phương tiện nhỏ, thô sơ thuộc diện phải đăng ký để quản lý nhưng số lượng đăng ký còn hạn chế; Chưa có cơ sở dữ liệu trực tuyến về đăng ký PTTNĐ trên phạm vi cả nước. Việc chia sẻ dữ liệu, thông tin về PTTNĐ cũng chưa được quy định; Số liệu đăng ký PTTNĐ của tổng điều tra phương tiện thủy nội địa năm 2007 so với hiện nay đã không còn phù hợp.

Từ những khó khăn trên, ông Toàn kiến nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa; xem xét sớm ban hành Thông tư quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu phương tiện giao thông vận tải.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về đăng ký PTTNĐ trên phạm vi toàn quốc; Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PTTNĐ theo hướng phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giúp đảm bảo thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho người dân; Có cơ chế đặc thù về phí, lệ phí đăng ký, đăng kiểm cho những vùng, miền kinh tế đặc biệt khó khăn.

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Trưởng phòng Tàu sông, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận trong trường hợp khi có đề xuất của địa phương về nhu cầu đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện tại địa bàn địa phương quản lý chưa có cơ sở đóng tàu được xác nhận năng lực kỹ thuật theo quy định; thì cho phép các cơ sở đóng tàu đã được xác nhận năng lực kỹ thuật tại địa phương khác có thể sử dụng nhân lực, trang thiết bị của mình phối hợp với các cơ sở đóng tàu chưa được xác nhận năng lực kỹ thuật hoặc được xác nhận nhưng chưa đủ năng lực thực hiện đóng các phương tiện loại lớn để đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện tại các khu vực đặc thù, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy tại địa phương.

Sớm giải quyết vướng mắc của từng địa phương và từng loại PTTNĐ

Sau khi nghe các báo cáo, tham luận và kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang kết luận chỉ đạo nhiều nội dung trong công tác trên.

Theo đó, Thứ trưởng chỉ đạo thành lập Tổ công tác của Bộ GTVT, với thành phần có Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để làm việc với từng địa phương nhằm giải quyết các đề xuất cụ thể của địa phương về đăng kiểm phương tiện thủy, hoạt động của cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy.

Đối với các phương tiện đã đóng nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm, Thứ trưởng yêu cầu tổ công tác cùng các địa phương, doanh nghiệp tìm phương án tháo gỡ cho từng địa phương, thậm chí cho từng phương tiện. Cùng với đó, xem xét về giá dịch vụ đăng kiểm cho từng vùng miền.

Thứ trưởng lưu ý các đơn vị quan tâm, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đăng ký đăng kiểm song phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho phương tiện; cho người dân, để phát triển bền vững, sao cho ngành đường thuỷ nội địa thời gian tới có sự bứt phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào việc triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) về giảm phát thải.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị tham mưu UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo góp ý và sẵn sàng thực hiện khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2023/BGTVT, đang được lấy ý kiến) được ban hành, có hiệu lực.