Tuyên truyền phổ biển Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm PTTNĐ

01/08/2023

Chiều 31/7, tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ).

​Hội nghị trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 87 điểm cầu trên toàn quốc nhằm tuyên truyền phổ biển Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa (Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT).

0R3A4674.JPG

Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị chiều 31/7

Đại diện Vụ Pháp chế Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam các Sở GTVT, các hội nghề nghiệp liên quan và các đơn vị thiết kế, nhập khẩu, chế tạo, khai thác phương tiện thủy, các đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy trên toàn quốc…đã tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Việc xây dựng, ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT nhằm hướng đến ba mục tiêu gồm: Đơn giản hỏa thủ tục đăng kiểm để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Cục ĐKVN cho Sở GTVT nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất trong quản lý đăng kiểm và không để khoảng trống quản lý và nâng cao năng lực thực hiện của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Quá trình xây dựng thông tư, dự thảo thông tư đã lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các đơn vị thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, khai thác PTTNĐ. Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý, Sở GTVT, các hiệp hội, doanh nghiệp, chủ phương tiện, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phương tiện thủy trao đổi, trao đổi thông tin để đưa quy định vào cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN cho biết, so với năm 2015, phương tiện thủy nội địa thay đổi rất nhiều. Nếu như trước đây, phương tiện trọng tải 1.000 - 1.500 tấn đã rất lớn, hiện nay, tại một số sông ở Đồng bằng sông Cửu Long như sông Tiền, sông Hậu, trọng tải của phương tiện đã đạt đến trên 5.000 tấn. Có phương tiện chiều dài hơn 100m. Ở các vùng ven biển, thậm chí đã có phương tiện trọng tải 2 vạn tấn hoạt động.

Đáng chú ý, trước đây, Việt Nam hầu như không có phương tiện thuỷ nội địa nhập khẩu mà phần lớn được chế tạo trong nước. Khi Việt Nam nhập khẩu các phương tiện nước ngoài đã nảy sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện theo Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT.

Nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm PTTNĐ tại Thông tư 16/2023/TT-BGTVT được đánh giá đã đáp ứng được các nhu cầu hoạt động kiểm định phương tiện này trong thực tế. Khi áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp đóng, chế tạo, khai thác PTTNĐ ở nước ta.