Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua kế hoạch hành động về rác nhựa thải ra biển từ tàu

02/11/2018

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm do nhựa gây ra đối với môi trường biển thông qua kế hoạch hành động nhằm tăng cường các quy định hiện hành và đưa ra các biện pháp hỗ trợ mới để làm giảm lượng rác nhựa thải ra biển từ tàu.


Vào ngày 26/10/2018, tại khóa họp thứ 73, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO (MEPC) đã thông qua kế hoạch hành động góp phần vào giải pháp toàn cầu để ngăn chặn rác nhựa từ các hoạt động của tàu biển xâm nhập vào đại dương.

Việc thải nhựa ra môi trường biển đã bị cấm theo Phụ lục V "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải từ các tàu" của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL). Phụ lục này cũng yêu cầu các chính phủ phải đảm bảo có đầy đủ các cơ sở tiếp nhận tại cảng để nhận rác thải của tàu. Theo Công ước về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển do xả chất thải và các chất khác (London Convention) và Nghị định thư của công ước này, chỉ những vật liệu được phép mới có thể được thải ra biển, và chất thải này - chẳng hạn như vật chất từ hoạt động nạo vét đáy sông, biển - phải được đánh giá đầy đủ để đảm bảo không chứa các vật liệu có hại như nhựa.

Thừa nhận rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề về môi trường và sức khỏe do rác nhựa thải ra biển, các quốc gia thành viên IMO tham dự khóa họp thứ 73 của MEPC đã thống nhất các hành động được hoàn thành vào năm 2025 liên quan đến tất cả các tàu, kể cả tàu cá. Kế hoạch hành động này hỗ trợ cam kết của IMO nhằm đáp ứng mục tiêu thứ 14 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp quốc giai đoạn 2015 - 2030 trên các đại dương.

Rác nhựa biển cũng có thể gây nguy hiểm cho hoạt động vận tải biển, ví dụ lưới đánh cá bị bỏ rơi hoặc bị mất có thể làm kẹt chân vịt và bánh lái của tàu.

Kế hoạch hành động của IMO để giải quyết rác nhựa thải ra biển từ tàu

Kế hoạch hành động lưu ý rằng rác nhựa đi vào môi trường biển do kết quả của một loạt các hoạt động trên bờ và trên biển. Cả rác nhựa kích thước lớn (ví dụ như túi, chai nước, ngư cụ bằng nhựa) và rác nhựa kích thước nhỏ (là các hạt nhựa nhỏ thường có kích thước từ 5 mm trở xuống) tồn tại dai dẳng trong môi trường biển, gây ra các ảnh hưởng có hại đến sinh vật biển và đa dạng sinh học, cũng như những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Ngoài ra, rác nhựa thải ra biển còn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động như du lịch, thủy sản và vận tải biển. Rác nhựa có tiềm năng đưa trở lại nền kinh tế bằng cách tái sử dụng hoặc tái chế. Các nghiên cứu chứng minh rằng mặc dù đã có khung pháp lý hiện hành để ngăn chặn rác nhựa thải ra biển từ tàu, nhưng việc xả ra biển loại chất thải có hại này vẫn tiếp tục xảy ra.

Kế hoạch hành động tạo cho IMO một cơ chế để xác định các kết quả cụ thể và các hành động để đạt được các kết quả này, theo cách có ý nghĩa và có thể đo lường được. Kế hoạch xây dựng dựa trên các chính sách và khung pháp lý hiện hành, xác định các cơ hội để tăng cường khung pháp lý và đưa ra các biện pháp hỗ trợ mới để giải quyết vấn đề rác nhựa thải ra biển từ tàu. Các biện pháp và chi tiết cụ thể sẽ được khóa họp thứ 74 của MEPC (từ ngày 13 đến ngày 17/5/2019) xem xét thêm.

Các biện pháp được xác định cụ thể bao gồm:

• Nghiên cứu đề xuất về rác nhựa thải ra biển từ tàu;

• Xem xét tính khả dụng và đầy đủ của các cơ sở tiếp nhận rác thải từ tàu tại cảng;

• Phối hợp với Tổ chức Nông lương (FAO) xem xét việc quy định đánh dấu bắt buộc đối với ngư cụ của tàu cá;

• Thúc đẩy báo cáo việc mất ngư cụ của tàu cá;

• Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các ngư cụ thu gom được cho các cơ sở trên bờ;

• Xem xét các quy định liên quan đến đào tạo thuyền viên tàu cá và việc làm quen của thuyền viên để đảm bảo nhận thức về tác động của rác nhựa thải ra biển;

• Xem xét việc thiết lập cơ chế bắt buộc về khai báo mất container trên biển và xác định số của container bị mất;

• Nâng cao nhận thức cộng đồng;

• tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với FAO và Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc.

Kế hoạch hành động sẽ được xem xét thường xuyên và cập nhật khi cần thiết.

Giảm lượng rác nhựa thải ra biển phát sinh ra từ tàu cá

Các biện pháp bao gồm:

• Xem xét việc quy định số nhận dạng IMO bắt buộc đối với tàu cá có kích thước nhất định;

• Hợp tác với FAO xem xét việc đánh dấu bắt buộc ngư cụ với số nhận dạng IMO của tàu cá;

• Tiếp tục nghiên cứu việc ghi mã nhận dạng cho từng hạng mục ngư cụ trên tàu cá;

• Yêu cầu các quốc gia thu thập thông tin về bất kỳ việc thải bỏ hoặc mất mát ngư cụ nào;

•  Phối hợp với FAO xem xét việc biên soạn hướng dẫn thực hành quản lý tốt nhất để tạo điều kiện khuyến khích các tàu cá thu gom ngư cụ vô chủ và chuyển giao cho các cơ sở tiếp nhận tại cảng.

Giảm rác nhựa thải ra biển từ tàu biển

Các biện pháp bao gồm:

• Rà soát việc áp dụng hướng dẫn thải rác, kế hoạch quản lý rác thải và lưu giữ hồ sơ rác thải quy định tại Phụ lục V của Công ước MARPOL;

• Xem xét việc thiết lập cơ chế bắt buộc về khai báo mất container trên biển và xác định số của container bị mất;

• Xem xét cách thức trao đổi thông tin về vị trí các container do tàu vận chuyển bị rơi xuống biển.


Cải thiện hiệu quả của các cơ sở tiếp nhận tại cảng và việc xử lý để làm giảm rác nhựa thải ra biển

Các biện pháp bao gồm:

• Xem xét yêu cầu đối với các cơ sở tiếp nhận tại cảng để thu gom riêng biệt đối với rác thải nhựa từ tàu, bao gồm cả ngư cụ để tạo điều kiện tái sử dụng hoặc tái chế;

• Xem xét các cơ chế để tăng cường việc thực thi các yêu cầu của Phụ lục V Công ước MARPOL đối với việc chuyển rác đến các cơ sở tiếp nhận;

• Xem xét việc phát triển các công cụ hỗ trợ việc thực hiện các khung chi phí liên quan đến các cơ sở tiếp nhận rác thải tại cảng;

• Khuyến khích các quốc gia thành viên thực hiện có hiệu quả nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp đầy đủ các cơ sở tại các cảng và bến để tiếp nhận rác;

• Tiếp tục xem xét tác động đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển và ở các khu vực xa xôi như các vùng cực khi lập kế hoạch xử lý chất thải cho các cơ sở trên bờ.

Nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục và đào tạo thuyền viên

Các biện pháp bao gồm:

• Xem xét cách thức để thúc đẩy công việc của IMO nhằm giải quyết rác thải nhựa được tạo ra từ tàu;

• Xem xét đào tạo thuyền viên tàu cá để đảm bảo trước khi được giao nhiệm vụ trên tàu cá, tất cả thuyền viên đều được huấn luyện cơ bản về nhận thức môi trường biển liên quan đến rác nhựa thải ra biển, bao gồm cả ngư cụ bị bỏ rơi, bị mất hoặc bị loại bỏ;

• Xem xét việc sửa đổi chương trình đào tạo mẫu của IMO liên quan đến nhận thức về môi trường để giải quyết cụ thể vấn đề rác nhựa thải ra biển.

Cải thiện sự hiểu biết về rác nhựa thải ra biển từ tàu biển

Các biện pháp bao gồm:

• Xem xét việc mở rộng yêu cầu quốc gia tàu mang cờ quốc tịch báo cáo cho IMO theo Phụ lục V của Công ước MARPOL để bao gồm các dữ liệu báo cáo về việc thải hoặc mất ngẫu nhiên ngư cụ của tàu;

• Khuyến khích các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế tiến hành  nghiên cứu khoa học liên quan đến rác thải ra biển chia sẻ kết quả nghiên cứu, bao gồm bất kỳ thông tin nào về các khu vực bị ô nhiễm do rác thải ra biển từ tàu;

• Tiến hành nghiên cứu về rác nhựa thải ra biển, bao gồm cả rác nhựa kích thước lớn và kích thước nhỏ, từ tất cả các tàu;

• Mời các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế thực hiện các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về  rác thải nhựa kích thước nhỏ do tàu tạo ra.

Cải thiện sự hiểu biết về khung pháp lý liên quan đến rác nhựa thải ra biển từ  tàu

• Xem xét xây dựng bản tổng hợp khung pháp lý liên quan đến rác nhựa thải ra biển từ  tàu nhằm mục đích phân tích các lỗ hổng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

• Cung cấp thông tin cho Cơ quan Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA);

• Tiếp tục làm việc với các tổ chức và cơ quan khác của Liên Hợp quốc, đặc biệt là FAO và Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, cũng như với các diến đàn quốc tế hoạt động trong vấn đề rác nhựa thải ra biển từ vận tải biển, chẳng hạn như thông qua Tổ chức Đối tác toàn cầu về rác thải ra biển (GPML).

Hướng tới mục tiêu hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực

• Giải quyết các vấn đề trong thực hiện liên quan đến kế hoạch hành động về rác nhựa thải ra biển từ tàu trong bối cảnh các hoạt động hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực của IMO;

• Xem xét việc thành lập các dự án lớn được tài trợ từ bên ngoài dưới sự bảo trợ của IMO để hỗ trợ kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề rác nhựa thải ra biển từ tàu.


Tác giả: Vũ Hải