Tổ chức Hàng hải Quốc tế thông qua sửa đổi, bổ sung Manila đối với Công ước và Bộ luật STCW

28/06/2010

Hội nghị ngoại giao các quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines, từ ngày 21 đến 25 tháng 6 năm 2010, đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về

Tiêu chuẩn Đào tạo, Cấp giấy chứng nhận và Trực ca cho người đi biển năm 1978 (STCW) và bộ luật liên quan. Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu đến từ 85 quốc gia thành viên IMO; các quan sát viên từ 3 hiệp hội liên kết, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Uỷ ban Châu Âu (EC), một tổ chức liên chính phủ và 17 quốc gia chưa là thành viên IMO. Mục đích của sửa đổi, bổ sung này, (thường được gọi là “Sửa đổi, bổ sung Manila của Công ước và Bộ luật STCW”) là đưa ra các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu cần thiết để huấn luyện và chứng nhận thuyền viên vận hành những con tàu biển hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong tương lai.

Sửa đổi, bổ sung Manila của Công ước và Bộ luật STCW, đã cập nhật sự phát triển trong lĩnh vực hàng hải tính từ khi Công ước được thông qua lần đầu năm 1978 và sửa đổi năm 1995, được quy định là sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2012 theo thủ tục chấp nhận ngầm. Các thay đổi quan trọng đã được thông qua đối với Công ước là:

  • Các biện pháp cải tiến nhằm ngăn chặn sự gian lận trong việc cấp chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên và tăng cường quá trình đánh giá (giám sát sự tuân thủ Công ước của quốc gia thành viên);
  • Các yêu cầu sửa đối với số giờ làm việc và nghỉ ngơi của thuyền viên; các biện pháp phòng ngừa việc lạm dụng ma tuý và đồ uống có cồn; tiêu chuẩn nâng cao hơn đối với sức khoẻ thuyền viên;
  • Yêu cầu chứng nhận mới đối với thuyền viên;
  • Yêu cầu mới liên quan đến việc huấn luyện các công nghệ hiện đại cho thuyền viên, chẳng hạn như hệ thống thông tin và hải đồ điện tử (ECDIS);
  • Yêu cầu mới về đào tạo nhận thức cho thuyền viên về vấn đề môi trường hàng hải, đào tạo về chức danh lãnh đạo và làm việc theo nhóm;
  • Yêu cầu về đào tạo và chứng nhận đối với sỹ quan kỹ thuật điện tử;
  • Cập nhật yêu cầu về khả năng chuyên môn của thuyền viên làm việc trên tất cả các loại tàu chở hàng lỏng, bao gồm yêu cầu mới đối với thuyền viên làm việc trên tàu chở khí hóa lỏng;
  • Yêu cầu mới về đào tạo liên quan đến an ninh và các quy định để đảm bảo rằng thuyền viên được huấn luyện đầy đủ để có thể đối phó với việc tàu bị cướp biển tấn công;
  • Quy định về công nghệ đào tạo hiện đại , bao gồm đào tạo từ xa và đào tạo qua internet;
  • Hướng dẫn đào tạo mới đối với thuyền viên làm việc trên tàu hoạt động ở vùng nước thuộc các cực của trái đất;
  • Hướng dẫn đào tạo mới đối với thuyền viên vận hành hệ thống định vị động.

Tác giả: Phòng Tàu biển, Vr