Vấn đề đối với tàu sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở

05/02/2020

Sự không chắc chắn xung quanh tính bền vững của thiết bị lọc khí thải vòng hở (open-loop scrubber) tiếp tục leo thang trong ngành vận tải biển trong việc thực hiện Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020.


Theo quy định tại Phụ lục VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), từ ngày 01/01/2020 tất cả các tàu biển phải sử dụng dầu nhiên liệu hàng hải có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5% khối lượng. Quy định này thường được gọi là Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 (IMO Sulphur Cap 2020). Nếu muốn tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5% sau ngày 01/01/2020, thì tàu phải được trang bị hệ thống làm sạch khí thải (Exhaust Gas Cleaning System - EGCS,  thường được gọi là Scrubber).

Thiết bị lọc khí thải có thể được sử dụng theo các cách khác nhau. Trong khi thiết bị lọc vòng kín (closed-loop scrubber) giữ lại lưu huỳnh phát thải để thải bỏ an toàn đến phương tiện tiếp nhận, thì thiết bị lọc vòng hở (open-loop scrubber) thải các chất ô nhiễm trở lại biển sau khi biến đổi điôxít lưu huỳnh thành axít sulphuric. Ngoài ra còn có loại thiết bị lọc lai (hybrid) giữa hai loại trên, có thể chuyển đổi giữa vòng hở và vòng kín tùy thuộc vào các tình huống thực tế, chẳng hạn như quy định tại cảng có thể cấm hoặc không cấm xả nước từ hệ thống ra biển.

Hiện tại, các hệ thống vòng hở đã tăng rất nhiều so với các hệ thống vòng kín. Theo Tổ chức Đăng kiểm Na Uy - Đức (DNV GL), hiện có 3.756 tàu được trang bị thiết bị lọc khí xả, nhưng chỉ có 65 tàu sử dụng hệ thống vòng kín.

Các chủ tàu thích các hệ thống vòng hở hơn là kín vì rất dễ lắp đặt, ít phải bảo trì và không yêu cầu lưu giữ chất thải trên tàu - vì nước được bơm trực tiếp xuống biển sau khi xử lý trên tàu.


Liệu việc bơm nước ô nhiễm ra biển có thân thiện với môi trường?

Trong ngành vận tải biển đang diễn ra tranh luận gay gắt liệu thiết bị lọc khí thải vòng hở có phải là lựa chọn thân thiện với môi trường hay không.

Bài điều tra của báo Independent (Vương quốc Anh) trong tháng 09/2019 tiết lộ, các công ty vận tải biển đã đầu tư hơn 12 tỷ đô la Mỹ để trang bị các thiết bị lọc khí thải vòng hở nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới của IMO trong khi vẫn có thể tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh 3,5% sau ngày 01/01/2020. Điều tra này cũng chỉ ra là các chủ tàu đang làm như vậy mặc dù biết rằng thiết bị lọc khí thải có tác động tàn phá đối với động vật hoang dã ở vùng biển Anh và trên toàn thế giới. Nhà vận động môi trường và giao thông vận tải Lucy Gilliam đã mô tả thiết bị lọc vòng hở là phương tiện gian lận cho phép các công ty vận  tải biển "rửa tay" về trách nhiệm môi trường của họ.

Đáp lại báo Independent, IMO đã chỉ ra là tổ chức này đã phê chuẩn việc sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở, coi chúng là thiết bị "tương đương", được định nghĩa là "bất kỳ trang thiết bị nào được lắp đặt cho tàu hoặc các quy trình, dầu nhiên liệu thay thế khác, hoặc phương pháp tuân thủ được sử dụng như biện pháp thay thế". Liên quan đến vấn đề này, IMO đã ban hành hướng dẫn nghiêm ngặt để xả nước rửa từ hệ thống làm sạch khí thải. "Nước rửa của hệ thống lọc khí thải phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt sao cho nước rửa xả thải phải có độ pH không dưới 6,5", người phát ngôn của IMO nói. Theo IMO, một tổ công tác thuộc nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học bảo vệ môi trường biển (GESAMP) đã được thành lập để đánh giá các bằng chứng liên quan đến tác động môi trường của việc xả nước thải từ hệ thống làm sạch khí thải. Dự kiến, phiên họp thứ 7 của Tiểu ban Ngăn ngừa và ứng phó ô nhiễm (PPR7) thuộc IMO trong tháng 02/2020 sẽ thảo luận về nội dung này.


Các nhà vận động chống lại thiết bị lọc khí thải

Mặc dù được IMO cho phép, các nhà vận động môi trường không thể tin tưởng vào  việc sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở.

Đối với mỗi tấn nhiên liệu bị đốt cháy, tàu sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở tạo ra khoảng 45 tấn nước rửa ô nhiễm có tính axit, chứa chất gây ung thư như hydrocacbon thơm đa vòng (polycyclic aromatic hydrocarbon - PAH) và kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến hóa học đại dương và sinh vật biển, theo Hội đồng quốc tế về vận tải sạch (the International Council on Clean Transportation - ICCT), một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp phân tích khoa học cho các cơ quan quản lý môi trường.

ICCT cũng ước tính rằng các tàu du lịch sử dụng dầu nhiên liệu nặng có hàm lượng lưu huỳnh cao (HSHFO) và thiết bị lọc khí thải vòng hở sẽ xả ra ngoài mạn tàu 180 triệu tấn nước rửa hệ thống lọc khí thải bị nhiễm bẩn trong năm 2020.

Do đó, một số vùng lãnh thổ và cảng đã đưa ra các quy định hạn chế đối với tàu hoạt động trong vùng nước của họ, đòi hỏi phải sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng kín hoặc dầu nhiên liệu hàng hải có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Ví dụ, Trung Quốc đã cấm sử dụng thiết bị lọc vòng hở trong các khu vực kiểm soát khí thải bao gồm vùng nước nội thủy và hầu hết bờ biển của nước này. Các quốc gia khác có lệnh cấm hoặc hạn chế thiết bị lọc vòng hở là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia, Ấn Độ, Bỉ, Đức, Litva, Latvia, Ireland, Na Uy và một số khu vực của Hoa Kỳ.

Singapore thậm chí còn đi xa hơn, thông qua việc phân loại chất thải từ hoạt động của thiết bị lọc khí thải là chất thải công nghiệp độc hại (toxic industrial waste - TIW), theo quy định về sức khỏe môi trườngcộng đồng  của nước này.


Chi phí cao sẽ giữ các chủ tàu trên cùng một con đường

Chi phí cho việc lắp đặt thiết bị lọc khí thải sẽ được bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác tàu. Điểm hấp dẫn của thiết bị này ở chỗ  chi phí về nhiên liệu sử dụng cho tàu giảm rất nhiều khi so sánh giá của HSFSO với dầu nhiên liệu tuân thủ.

Khi cân nhắc việc sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp có thể tiêu tốn của ngành hàng hải toàn cầu ước tính tới 60 tỷ đô la một năm, thì thật dễ  hiểu tại sao các chủ tàu quyết định sử dụng thiết bị lọc khí thải và HSHFO.

Ngoài ra, theo Liên minh Vận tải biển sạch (Clean Shipping Alliance- CSA), các chính quyền cảng bao gồm một số ở Nhật Bản và hơn 20 cảng khác nhau ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Úc cho biết họ không có ý định cấm sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở trong vùng nước của mình.

Tương tự, một báo cáo do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) của Nhật Bản công bố kết luận, hoạt động của thiết bị lọc khí thải vòng hở với dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao không chỉ an toàn, mà còn tốt hơn là chỉ đốt riêng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu tiên trong quá trình thực hiện Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020. Thời gian sẽ cho biết liệu việc sử dụng thiết bị lọc khí thải có phải là lựa chọn lý tưởng hay các tàu sẽ phải chuyển sang áp dụng phương pháp khác. Chỉ có các chủ tàu mới có thể xác định đúng hệ thống cần triển khai để đạt được sự tuân thủ đầy đủ Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020.

                                              Hệ thống lọc khí thải vòng hở                                               

  

Hệ thống lọc khí thải vòng kín


Tác giả: HV