Các nước ASEAN sẽ thừa nhận lẫn nhau về kiểu loại ô tô?

21/09/2020

Thỏa thuận mới sẽ giảm bớt chi phí và thủ tục xuất nhập khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng trong nội bộ các nước thành viên ASEAN.

Triển lãm xe hơi tại Philippines, quốc gia đứng thứ tư Đông Nam Á về sản xuất ô tô

Nhật báo PhilStar (Ngôi sao Phillipines) đưa tin, ngày 17/9/2020, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Philippines (CAMPI) rất hào hứng về một thỏa thuận ASEAN sắp có hiệu lực về việc thừa nhận kiểu loại cho các sản phẩm ô tô.

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về phê duyệt kiểu loại cho các sản phẩm ô tô là một thỏa thuận được các bộ trưởng kinh tế đạt được tại một cuộc họp trực tuyến do Việt Nam chủ trì vào tháng 8/2020.

Về cơ bản, nó cho phép các sản phẩm ô tô và phụ tùng ô tô đã được kiểm tra và chứng nhận bởi quốc gia sản xuất là thành viên ASEAN, sẽ không phải trải qua một vòng kiểm tra khác của quốc gia nhập khẩu. Đối với các sản phẩm ô tô, phải mất 13 năm các nước Đông Nam Á mới thiết lập được các tiêu chuẩn được tất cả các nước thành viên ASEAN chấp nhận.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan và Indonesia, những nước xuất khẩu xe chính trong khu vực đã phải chịu chi phí chứng nhận cao để sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn ở các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, quá trình cấp giấy chứng nhận tốn nhiều thời gian đến nỗi các nhà sản xuất ô tô thường phải trì hoãn việc giới thiệu xe mới từ 3 đến 6 tháng trong khi chờ phê duyệt. Năm 2019, Philippines đứng thứ 4 trong ASEAN về sản xuất và bán ô tô, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Linh kiện ô tô là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Philippines, đạt 3,46 tỷ USD trong năm 2018 và 3,67 tỷ USD của năm 2017, chiếm 20% thị phần cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô trong khu vực. MRA cần được các bộ trưởng thương mại của các nước thành viên ASEAN ký và dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào quý cuối cùng của năm nay.

Hyundai gia nhập phân khúc xe tải hydro vào năm 2022

Xe tải chạy bằng hydro mang tên Xcient của Hyundai Motor tại nhà máy Jeonju ở Hàn Quốc

Không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua sản xuất xe tải chạy bằng khí hydro, Hyundai Motor cho biết hãng sẽ bắt đầu bán loại xe này sau 2 năm nữa. Trong một hội nghị diễn ra hôm 15/9/2020, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc cho biết họ sẽ ra mắt xe tải chạy bằng hydro đầu tiên tại thị trường Mỹ vào năm 2022, việc thử nghiệm bắt đầu ở California vào năm tới.

Maik Ziegler, Phó Chủ tịch phụ trách mảng xe thương mại tại Hyundai Motor, người trước đây từng lãnh đạo bộ phận xe thương mại của Daimler, đã tham gia hội nghị với tư cách là diễn giả chính.

Hyundai Motor sẽ bắt đầu bán ra xe tải hydro tại Hoa Kỳ với các khách hàng lớn vận hành đội xe trung bình từ 3.000 đến 5.000 xe tải, vì họ thường chạy trên các tuyến đường đã định. Điều này giúp Hyundai dễ dàng hơn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Hyundai Motor gần đây đã xuất khẩu 10 xe tải Xcient Fuel Cell đến Thụy Sĩ, dự kiến xuất xưởng tổng cộng 50 chiếc vào năm nay và mở rộng số lượng lên 1.600 chiếc vào năm 2025. Hãng cũng đã ký biên bản ghi nhớ với công ty khí công nghiệp Air Liquide của Pháp để cung cấp tổng cộng 5.000 xe tải chạy bằng hydro vào năm 2025.

Lee Jae-il, nhà phân tích ô tô tại Eugene Investment & Securities, cho biết: “So với thương hiệu Nikola, sản phẩm của Hyundai Motor có độ tín nhiệm cao đối với khách hàng và có thể được cung cấp ngay lập tức khi có đơn đặt hàng".

Hyundai Motor hiện đang sản xuất xe tải Xcient Fuel Cell, xe tải hạng nặng sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới chạy bằng hydro có phạm vi hoạt động lên đến 400 km mỗi lần sạc, tại nhà máy Jeonju ở Hàn Quốc.

Sinh viên Anh phát minh thiết bị hút bụi lốp ô tô

Bộ thiết bị hút sạch bụi từ lốp xe của nhóm sinh viên người Anh

Bụi lốp là nguồn ô nhiễm vi nhựa lớn thứ hai trong bầu không khí của chúng ta, điều đó thôi thúc các sinh viên sáng chế thiết bị hút bụi lốp xe. Reuters đưau tin ngày 17/9/2020, một nhóm sinh viên ở Anh đã phát minh ra cách hút sạch bụi lốp xe và giành được giải thưởng James Dyson (giải thưởng cho các sáng chế của người trẻ tuổi) năm nay ở Anh.

Giải pháp đoạt giải thưởng là hút hạt bụi lốp xe tại nguồn của chúng bằng cách lắp một thiết bị ở sau lốp, sử dụng tĩnh điện và khí động học của bánh xe quay để hút các hạt bụi văng ra từ vỏ lốp khi chúng quay. Các sinh viên cho biết, trong quá trình thử nghiệm, sáng chế của họ có thể hút 80% tất cả các hạt văng ra từ lốp xe.

Hugo Richardson, một trong bốn thành viên của nhóm sáng chế, nói với Reuters: “Mọi người đều tập trung vào việc ô nhiễm không khí từ động cơ và thoát ra từ ống xả. Nhưng điều mà chúng ta không nhận ra là độ mòn của lốp xe là một yếu tố gây ô nhiễm không kém, một phần là do kích thước siêu nhỏ của nó, không thấy bằng mắt thường".

Theo chính phủ Anh, các hạt cao su siêu nhỏ từ lốp xe là nguyên nhân gây ra gần một nửa lượng khí thải dạng hạt trong giao thông đường bộ, và chúng là nguồn ô nhiễm vi nhựa lớn thứ hai trong đại dương sau các chai nhựa sử dụng một lần.

Theo Tạp chí Sức khỏe cộng đồng, mỗi khi xe phanh gấp, tăng tốc hoặc vào cua, lốp xe sẽ mòn đi và các hạt nhỏ li ti bay vào không khí, tạo ra nửa triệu tấn hạt lốp mỗi năm chỉ riêng ở châu Âu. Nhóm nghiên cứu tin rằng lượng bụi phát thải từ lốp xe có thể tăng lên, do xe điện trở nên nặng hơn do khối lượng pin tăng thêm. Các sinh viên Anh đang làm việc để được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm của họ và tiếp tục dự án với tư cách là một công ty khởi nghiệp.

Tác giả: L. Anh