Đức, Thụy Sĩ và Italy mở rộng cuộc điều tra về gian lận khí thải ô tô

18/09/2020

Các nhà điều tra Đức, Thụy Sĩ và Italy tiến hành lục soát một số địa điểm nghi là của 2 tập đoàn chế tạo ô tô Fiat Chrysler và Iveco được lắp các thiết bị trái phép liên quan đến gian lận khí thải.



Đức, Thụy Sĩ và Italy mở rộng cuộc điều tra về gian lận khí thải ô tô

Trong một thông báo, Ủy viên công tố bang Hesse (Đức) cho biết các điều tra viên đã phối hợp thực hiện cuộc khám xét xuyên biên giới tại “10 khu thương mại” tại 3 nước nói trên.

Tập đoàn sản xuất ô tô liên doanh Fiat Chrysler của Italy và Mỹ, cùng với tập đoàn xe công nghiệp Iveco của Italy bị cho là đã lắp vào các phương tiện những thiết bị trái phép nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra lượng khí thải.

Những thiết bị này khiến cho các phương tiện dường như thải ra lượng khí gây ô nhiễm môi trường ít hơn ở trong phòng thí nghiệm so với trong giao thông thực tế. Các công tố viên nghi những thiết bị “phù phép” này có lẽ được sử dụng trong các xe của Iveco và các công ty con của Fiat Chrysler như Alfa Romeo, Fiat và Jeep.

Đây là động thái mới nhất trong số nhiều cuộc điều tra trong ngành sản xuất ô tô sau khi tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới Volkswagen (Đức) năm 2015 thừa nhận đã lắp phần mềm gian lận khí thải vào 11 triệu xe của hãng trên thế giới.

Trong khi Volkswagen là tâm điểm của vụ bê bối, các hãng chế tạo ô tô khác như Fiat Chrysler cũng bị rơi vào “tầm ngắm” của nhà chức trách. Tháng 1/2019, tập đoàn liên doanh Mỹ và Italy này đã đồng ý trả 515 triệu USD tại Mỹ để dàn xếp những cáo buộc tập đoàn sử dụng các thiết bị giẢnh lận khí thải.

Indonesia xem xét áp mức thuế 0% đối với ô tô để thúc đẩy tiêu dùng nội địa


Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất nặng nề đến các ngành sản xuất của Indonesia, trong đó có ngành sản xuất ô tô

Ngày 17/9, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang cho biết cơ quan này vừa trình Chính phủ và Bộ Tài chính của Indonesia đề nghị nới lỏng thuế ô tô mới của nước này ở thị trường nội địa. Theo đó, Bộ Công nghiệp Indonesia đề xuất áp mức thuế 0% đối với ô tô sản xuất trong nước và tiêu thụ ở thị trường nội địa Indonesia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, nếu được thông qua, đề xuất này sẽ kéo dài thời gian áp thuế 0% đối mặt hàng ô tô sản xuất trong nước đến hết tháng 12/2020.

Đây là một trong những nỗ lực được kỳ vọng sẽ kích thích thị trường ô tô và đồng thời khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực sản xuất ô tô trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất nặng nề đến các ngành sản xuất của Indonesia, trong đó có ngành sản xuất ô tô.

Trước đề xuất trên, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia (Gaikindo), ông Kukuh Kumara cho rằng, tình hình kinh doanh ô tô tại thị trường Indonesia đang rất khó khăn. Doanh số bán hàng chỉ đạt khoảng 30% so với thời điểm bình thường.

Các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề về doanh số bán hàng dẫn đến tình trạng ùn ứ trong sản xuất và buộc phải tính đến việc sai thải công nhân. Điều này đang tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Cũng theo Tổng thư ký Gaikindo, việc đề xuất nới lỏng chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô sẽ giúp kích thích thị trường sớm phục hồi trở lại. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc đề xuất nới lỏng chính sách thuế này, Chính phủ Indonesia cũng nên xem xét nhiều biện pháp khác để tạo thuận lợi cho quá trình kinh doanh và sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô của Indonesia chẳng hạn như việc chính phủ vẫn giữ chính sách hạn chế phương tiện cá nhân trong thành phố. Chính sách này vẫn là rào cản lớn đối với người dân trong việc mua sắm ô tô cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực này.

Đại diện Hiệp hội công nghiệp xe máy Indonesia (AISI) Ahmad Muhibbuddin cho rằng đây là một tín hiệu tốt đối với ngành sản xuất ô tô và AISI sắp tới cũng sẽ đề nghị Chính phủ Indonesia áp dụng chính sách này đối với mặt hàng xe máy.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì doanh số bán hàng giảm mạnh từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Indonesia.

Chỉ tính đến tháng 5/2020, doanh số xe máy của Indonesia chỉ đạt 21.851 chiếc, thấp hơn nhiều so với mức 561.657 chiếc của cùng kỳ năm 2019. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng chưa từng có tại Indonesia và AISI rất cần sự hỗ trợ của chính phủ để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp sản xuất xe máy tại Indonesia./.

Tác giả: Ngọc Hằng