Đức kêu gọi hạn chế tốc độ trên đường cao tốc nhằm bảo vệ môi trường

06/12/2019

Một loạt các biện pháp đã được đưa ra để giảm khí thải CO2 từ phương tiện cá nhân, ví dụ như đề xuất giới hạn tốc độ tối đa 120km/h đối với tất cả các phương tiện giao thông trên đường cao tốc Đức.

Duc keu goi han che toc do tren duong cao toc nham bao ve moi truong hinh anh 1

Đức hiện chưa có giới hạn về tốc độ lưu thông trên đường cao tốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 5/12, Cơ quan môi trường liên bang Đức đã kêu gọi chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế khí thải CO2 từ hoạt động giao thông đường bộ, trong đó có việc hạn chế tốc độ trên đường cao tốc.

Tờ Süddeutsche Zeitung trích dẫn một tài liệu nội bộ từ cơ quan trên, trong đó kêu gọi hành động quyết liệt để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của quốc gia này.

Một loạt các biện pháp đã được đưa ra để giảm khí thải CO2 từ phương tiện cá nhân, ví dụ như đề xuất giới hạn tốc độ tối đa 120km/h đối với tất cả các phương tiện giao thông trên đường cao tốc Đức. 

Một biện pháp khác là tăng giá mạnh đối với dầu diesel (hiện bị đánh thuế ở mức thấp hơn xăng thông thường) thêm khoảng 60% theo lộ trình từ nay đến năm 2030, đồng thời tăng giá xăng thông thường. Ngoài ra, các đề xuất cũng bao gồm việc tăng phí đường bộ đối với xe tải chở hàng nặng, bãi bỏ "trợ cấp đi lại" của nhà nước. 

Đức có thể phải đối mặt với các hình phạt của Liên minh châu Âu (EU) nếu quốc gia này không nỗ lực giảm khí thải nhà kính. Giới quan sát coi lĩnh vực giao thông là chìa khóa để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.

Mục tiêu của Đức vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống 55% so với mức của năm 1990. Tài liệu của cơ quan môi trường cho thấy, mục tiêu này dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể đạt được.

Theo truyền thông Đức, đề xuất trên có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi lớn bởi hiện nay, Đức không có giới hạn chính thức trên một số đoạn đường cao tốc nhất định và người lái xe thường xuyên chạy với tốc độ hơn 200 km/h.

Hồi tháng 10 vừa qua, chính phủ Đức cho biết họ không có kế hoạch hạn chế tốc độ trên đường cao tốc, sau khi giới lập pháp đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của đảng Xanh nhằm áp đặt giới hạn tốc độ./.

Canada: Mục tiêu đưa lượng khí thải carbon dioxide về 0 vào năm 2050


Chính phủ Canada cần hành động để bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và cải thiện đời sống của người dân

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chiều 5/12, phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới tại Canada chính thức khai mạc sau cuộc tổng tuyển cử cách đây một tháng rưỡi. 

Trong diễn văn khai mạc, Toàn quyền Canada, bà Julie Payette đã kêu gọi tinh thần hợp tác của các nghị sĩ trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, củng cố tầng lớp trung lưu, hòa hợp dân tộc, đảm bảo để người dân được an toàn và khỏe mạnh, và để Canada thành công trong một thế giới bất ổn. Đây cũng là những điểm chính trong chương trình nghị sự của chính phủ đảng Tự do. Trước đó, các nghị sĩ đã bầu ông Anthony Rota là Chủ tịch Hạ viện mới của Canada.

Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Chính phủ Canada cần hành động để bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và cải thiện đời sống của người dân.

Ottawa đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon dioxide về 0 vào năm 2050. Đây được đánh giá là một mục tiêu tham vọng, nhưng cần thiết, để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Trudeau bày tỏ mong muốn toàn bộ người dân Canada được hưởng lợi từ thành công của nền kinh tế và cho biết chương trình hành động đầu tiên của chính phủ là cắt giảm thuế cho người dân (trừ nhóm người giàu nhất trong xã hội), tăng thu nhập cho các hộ gia đình trung lưu, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ người mua nhà lần đầu,…

Đặc biệt, chính phủ cũng cam kết hỗ trợ người dân tham gia lực lượng lao động, nâng cao tay nghề trong khuôn khổ của kế hoạch xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và hiện đại.

Theo giới quan sát, những quyết định liên quan đến chương trình hành động chống biến đổi khí hậu sẽ là phép thử quan trọng đối với nội các mới của Thủ tướng Justin Trudeau.

Mục tiêu của Thủ tướng Trudeau muốn xoa dịu tâm trạng bất mãn của người dân ở miền Tây, khu vực sản xuất dầu mỏ chủ chốt của Canada. Tuy nhiên, mục tiêu này lại xung đột với mục tiêu của Ottawa muốn giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Canada nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và cũng là một trong những quốc gia có mức phát thải tính trên đầu người cao nhất thế giới./.

Tác giả: TTX