Fiat Chrysler và Foxconn bàn thảo về thành lập liên doanh sản xuất ô tô điện

20/01/2020

Công ty sản xuất ô tô Fiat Chrysler của Mỹ-Italy ngày 18/1 cho biết đang tiến hành bàn thảo với công ty Foxconn của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) về phát triển và sản xuất các loại ô tô điện.

Chú thích ảnh

Mẫu ô tô của tập đoàn Fiat tại Turin, Italy.

Fiat Chrysler đang trong quá trình sáp nhập hoạt động với PSA Peugeot (Pháp), có 12% cổ phần thuộc sở hữu của công ty Dongfeng Motor Co (Trung Quốc). Cả Fiat Chrysler và Peugeot đang “chậm chân” trong việc phát triển các hệ thống động lực hoạt động bằng điện của ô tô và cũng đang phải cố gắng tăng doanh số ô tô tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Hiện chưa rõ tác động của đề xuất thành lập liên doanh mà Fiat Chrysler đưa ra với Foxconn (hay còn gọi là Hon Hai Precision Ind. Co., Ltd.) đối với vụ sáp nhập Fiat Chrysler - PSA Peugeot, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2021.

Nếu Fiat Chrysler và Foxconn đạt được thỏa thuận thì liên doanh giữa hai doanh nghiệp này đầu tiên sẽ tập trung hoạt động vào Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới với doanh số 1,2 triệu xe/năm, tương đương 50% tổng doanh số ô tô điện thế giới.

Theo Fiat Chrysler, sự hợp tác theo đề xuất trên sẽ giúp các bên tham gia kết hợp công nghệ phần mềm di động, kỹ thuật và hoạt động sản xuất để tập trung vào thị trường ô tô điện đang phát triển. Fiat Chrysler cho biết, các cuộc bàn thảo giữa hai doanh nghiệp này hướng tới việc đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý “trong một vài tháng tới”.

Hiên tại, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đã thông báo một loạt sự hợp tác phát triển ô tô điện nhằm hạ thấp chi phí đang gia tăng trong phát triển các công nghệ liên quan. Các doanh nghiệp, trong đó có General Motors Co. và Toyota Motor Co., đã thành lập các liên doanh với những đối tác Trung Quốc để tận dụng lợi thế về kinh nghiệm trong việc sản xuất các mẫu ô tô giá rẻ.

Chính phủ Trung Quốc áp dụng một cơ chế dựa trên tín dụng để khuyến khích các nhà sản xuất ô tô bán ô tô điện, dẫn tới sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu ô tô mới. Tuy vậy, các chuyên gia trong ngành dự đoán chi phí phát triển ô tô điện ở mức cao sẽ khiến nhiều thương hiệu phải sáp nhập.

Mercedes Benz thuộc Daimler AG đã thành lập một liên doanh sản xuất ô tô điện với cả BYD Auto, một trong những nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, và đối thủ Geely Holding, được biết tới ở nước ngoài là chủ sở hữu Volvo Cars (Thụy Điển). Geely cũng có hai thương hiệu ô tô điện riêng là Geometry và Polestar của Volvo.

Nissan có thể hợp tác với Honda sau khi liên minh với Renault tan rã?

Thị trường xe - Nissan có thể hợp tác với Honda sau khi liên minh với Renault tan rã?

Một liên minh giữa Nissan- Honda có thể được hình thành trong tương lai?

Theo Bloomberg, việc sáp nhập giữa Nissan và Honda sẽ không bị loại trừ khi mà liên minh Nissan- Renault có khả năng tan rã trong tương lai. Việc này cũng sẽ khiến cho sức cạnh tranh của hai hãng này gia tăng, đủ sức đối đầu với Toyota.

Theo nhà phân tích Mio Kato của LightStream Research, mối quan hệ "rạn nứt" được báo cáo giữa Nissan và Renault (ngay cả khi hai công ty cùng lên tiếng phủ nhận) có thể khuyến khích hãng xe Nhật Bản tìm kiếm một quan hệ đối tác mới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường và Honda là một trong những ứng cử viên hàng đầu.

Đối với nhiều người, việc sát nhập giữa Honda và Nissan là điều không tưởng, nhưng với sự lớn mạnh không ngừng của Toyota khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng căng thẳng, các nhà phân tích cho rằng, nếu Nissan muốn một đối tác liên minh thay thế Renault, Honda có thể không hoàn toàn phản đối ý tưởng này, Kato nói.

Thị trường xe - Nissan có thể hợp tác với Honda sau khi liên minh với Renault tan rã? (Hình 2).

Cả Honda và Nissan đều không trả lời báo cáo nhưng gần đây, Nissan phủ nhận tuyên bố rằng họ đang suy nghĩ về việc chấm dứt liên minh với Renault sau vụ trốn thoát của cựu chủ tịch Carlos Ghosn khỏi Nhật Bản.

Kato tin rằng khi các nhà sản xuất ô tô tìm cách thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ trong những năm tới, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản có thể được chia thành hai tập đoàn khổng lồ, một trong số đó là Toyota đã có cổ phần tại Mazda, Suzuki và Subaru. Nếu Nissan bỏ rơi Renault để ủng hộ Honda, doanh số hàng năm của tập đoàn mới có thể tăng từ dưới 11 triệu chiếc mỗi năm lên khoảng 12 triệu chiếc mỗi năm.

Hiện, thị trường xe ô tô thế giới vẫn đang nín thở trông chờ những động thái mới nhất từ liên minh Nissan- Renault. Nếu liên minh này tan rã, Nissan sẽ là đối tác được nhiều hãng ô tô khác tại Nhật Bản "dòm ngó" để tạo ra liên minh mới, điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể của thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, không chỉ các hãng ô tô khác mà bản thân Toyota, đối thủ lớn nhất cũng phải dè chừng bằng cách liên tục đổi mới để thích ứng với thị trường toàn cầu.