Nhu cầu sử dụng gốm sứ để chế tạo ô tô ngày càng tăng

17/08/2020

Vật liệu gốm sứ trong ô tô tuy sử dụng không nhiều, nhưng thường ở các chi tiết rất quan trọng, có tính chịu nhiệt và sức chịu mài mòn rất cao.

Bộ đĩa phanh bằng gốm carbon trên xe thể thao Porsche

Một nghiên cứu từ Fortune Business Insights (Hãng tư vấn quy mô ngành kinh tế) công bố ngày 4/8/2020 cho hay, quy mô thị trường vật liệu gốm sứ dùng trong chế tạo ô tô năm 2019 vào khoảng 1,47 tỷ USD.

Nhu cầu ngày càng tăng về ô tô tiết kiệm nhiên liệu và trọng lượng nhẹ đang thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ ô tô trên toàn cầu. Quy mô thị trường gốm sứ ô tô toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng và có trị giá đạt khoảng 2,11 tỷ USD từ nay cho đến năm 2027.

Gốm ô tô được dùng trong các chi tiết như bu-gi đánh lửa, đĩa phanh trên xe hiệu suất cao, vành bảo vệ các cảm biến, bầu xúc tác khí thải, trong cụm turbo tăng áp và chất cách điện trong các cụm linh kiện điện tử, một số chi tiết trong động cơ và hộp số cũng được làm từ gốm. Vật liệu gốm sở hữu các đặc tính nhiệt, cơ và cách điện rất tốt, được các nhà sản xuất ô tô ưa chuộng.

Ngoài ra, chúng còn có đặc tính điện trở, chịu va đập vượt trội, độ bền kéo cao, độ cứng được cải thiện và khả năng chịu hóa chất tốt hơn so với kim loại ở các phạm vi nhiệt độ khác nhau.

Các đặc tính điện và nhiệt của gốm sứ tiên tiến cho phép chúng được sử dụng trong các ứng dụng ô tô như phớt cơ khí, cảm biến, van và vòng bi gốm. Hơn nữa, do đặc tính chịu nhiệt và hóa chất cao, gốm ngày càng được ứng dụng rộng rãi để cải thiện tuổi thọ linh kiện và hiệu suất động cơ.

Các công ty chủ chốt cung cấp vật liệu này là CeramTec (Đức), Ibiden (Nhật Bản), Kyocera Corporation (Nhật Bản), NGK (Ấn Độ), CoorsTek Inc. (Hoa Kỳ), Morgan Advanced Materials (Anh), Corning Incorporated (Hoa Kỳ), Saint-Gobain Ceramics (Hoa Kỳ).

Tập đoàn Daimler chấp nhận chi 2,2 tỷ USD dàn xếp bê bối gian lận khí thải


Daimler là tập đoàn mẹ của nhiều thương hiệu ô tô lớn, trong đó có Mercedes-Benz.

Hãng chế tạo ô tô hàng đầu Đức Daimler cho biết đã thông qua một thỏa thuận dàn xếp có trị giá 2,2 tỷ USD với cơ quan chức năng Mỹ nhằm giải quyết vụ bê bối gian lận khí thải ở nhiều xe của hãng này tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.  

Trong thông báo đưa ra, công ty Daimler nêu rõ, thỏa thuận trên nhằm dàn xếp các khiếu nại dân sự và ô nhiễm môi trường, liên quan đến hệ thống kiểm soát phát thải của gần 250.000 ô tô chở khách và xe tải chạy bằng động cơ diesel tại thị trường Mỹ. Thỏa thuận bao gồm trả 1,5 tỷ USD cho nhà chức trách Mỹ, 700 triệu USD để giải quyết các đơn kiện từ chủ xe, trong đó bao gồm cả chi phí cho công tác tố tụng. 

Năm 2019, giới chức Đức đã phát hiện khoảng 280.000 xe Mercedes-Benz C-Class và E-Class được trang bị phần mềm cho phép “gian lận” trong các phép thử khí thải. Trên thực tế, số xe này phát thải lớn hơn rất nhiều khi vận hành. Đây cũng là thủ thuật mà Volkswagen đã sử dụng ở quy mô lớn hơn rất nhiều. Vụ bê bối của tập đoàn ô tô số một châu Âu được hé lộ vào năm 2015 và tới nay đã tiêu tốn khoảng 35 tỷ USD cho các khoản phạt cũng như dàn xếp khác. Nhiều quan chức cao cấp của Volkswagen cũng đã chịu án tù. 

Ngay sau sự việc của Volkswagen, Bộ Tư pháp Mỹ đã tăng cường giám sát các hoạt động kiểm tra khí thải nhằm hạn chế các tình huống gian lận tương tự, đồng thời yêu cầu Daimler điều tra quy trình cấp chứng nhận nội bộ đối với các xe xuất xưởng của hãng này. Hệ quả là Daimler phải triệu hồi gần 800.000 xe trên toàn cầu.