TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới

19/07/2018

Ngành công nghiệp xe hơi thế giới đã từng đối mặt với không ít bê bối làm chấn động cả thế giới, khiến các hãng xe thiệt hại nặng về kinh tế lẫn niềm tin của khách hàng.

Ngành công nghiệp xe hơi thế giới đã từng đối mặt với không ít bê bối làm chấn động cả thế giới. Phần đa trong số này đều là những scandal có chủ đích và chỉ bị phanh phui sau vài năm. Với những số tiền phạt khổng lồ cùng với sự mất niềm tin từ khách hàng, không ít nhà sản xuất đã phải tuyên bố phá sản. Trong khi đó một số khác vẫn đứng vững và thậm chí vẫn ăn nên làm ra – điển hình như trường hợp của tập đoàn Volkswagen. 

Dưới đây là tổng hợp 10 bê bối đáng quên nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới.

10. Chevrolet Convair nguy hiểm khôn lường

Ra mắt vào năm 1960, Chevrolet Convair là câu trả lời của GM dành cho VW Beetle. Với khối động cơ F6 đặt phía sau, Convair được tạo ra với rất nhiều cấu hình, bao gồm sedan, coupe, wagon cho tới van. Tuy nhiên, nó lại bị coi là một chiếc xe không hề an toàn, do hệ thống treo tay đòn độc lập ở phía sau có thể khiến cho bánh xe tụt vào bên trong khi vào cua. Không những vậy, việc thiếu thanh ổn định chống nghiêng thân xe ở phía trước còn làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 1

Convair đã từng xuất hiện ngay trong chương đầu tiên của cuốn sách Unsafe at any Speed (tạm dịch là không an toàn ở mọi tốc độ) của Ralph Nader. Tác giả của cuốn sách sau đó đã bị GM gây áp lực, khiến cho ông này phải kiện ra tòa. Kết cục, Nader giành thắng kiện và được bồi thường 425.000USD.

9. Ford Pinto nổ bình xăng

Thập niên 70 thế kỷ trước là thời điểm bùng nổ những chiếc xe cỡ nhỏ và Pinto chính là thuốc thử đầu tiên của Ford với phân khúc này. Tuy nhiên, sau vài năm có mặt trên thị trường, model này bắt đầu bộc lộ một vấn đề nghiêm trọng: nổ bình xăng khi xảy ra va chạm. Bình xăng của Pinto được bố trí ở khoảng trống giữa trục sau và mặt lưng của cản va. Chính vì vậy, bình xăng dễ vỡ khi xe bị đâm từ phía sau và gây cháy nếu gặp nguồn nhiệt/tia lửa.

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 2

Cơ quan quản lý an toàn giao thông đường cao tốc Mỹ NHTSA đã phải vào cuộc điều tra sau làn sóng phản đối dữ dội. Kết luận được đưa ra là do lỗi ở hệ thống nhiên liệu. Điều này khiến cho Ford phải triệu hồi 1,4 triệu chiếc Pinto. Vụ việc nghiêm trọng tới mức Ford đã phải đối mặt với tội ngộ sát khi có 3 phụ nữ bị chết cháy trong một chiếc Pinto.

8. Huyền thoại John DeLorean bị bắt vì buôn ma túy

John DeLorean được biết tới là cha đẻ của Pontiac GTO và sau này là phó chủ tịch tập đoàn GM phụ trách mảng sản xuất. Vào năm 1973, vị này rời GM và thành lập nên thương hiệu DeLorean 2 năm sau đó. Dù tạo nên một biểu tượng thực sự - mẫu xe thể thao DeLorean DMC-12 trong những năm 80 nhưng công ty này vẫn không tránh khỏi cơn lao đao.

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 3

Vào tháng 10 năm 1982, DeLorean bị bắt vì tội tàng trữ trái phép gần 27kg heroin. Thậm chí, ông này còn định dùng khoản tiền 24 triệu USD có được từ việc bán gần 100kg thuốc phiện để cứu vớt công ty của mình. Tuy nhiên, luật sư của DeLorean đã cho rằng các điệp viên FBI đã bẫy ông trong một vụ mua bán ma túy. Lập luận này sau đó được tòa chấp thuận và DeLorean được tuyên trắng án. Vài năm sau, công ty của ông phá sản và ngôi sao một thời của ngành công nghiệp xe hơi dần chìm vào quên lãng.

7. Xe Audi tự tăng tốc

Vào tháng 11 năm 1986, chương trình 60 Minutes có đề cập tới sự cố tăng tốc đột ngột trên những chiếc Audi 5000. Luật sư của những người bị hại đã cho rằng sự cố trên đã gây ra nhiều thương vong và khiến cho Audi gặp vô vàn chỉ trích. Tuy nhiên, khi các cơ quan của chính phủ vào cuộc điều tra, họ không hề tìm thấy bất kỳ sự cố kỹ thuật nào.

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 4

Sau đó, chính NHTSA đã khẳng định rằng sự cố trên là do con người chứ không phải do máy móc. Cũng phải nói thêm rằng chân ga và phanh của Audi 5000 được bố trí gần nhau với hình dạng tương đồng. Sự cố trên đã khiến cho doanh số của Audi tụt dốc trong vài năm trước khi phục hồi trở lại. 

6. Daimler mua chuộc các quan chức quốc tế

Vào năm 2010, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đã mở một cuộc điều tra và phát hiện ra rằng Daimler đã mua chuộc không ít quan chức quốc tế nhằm được đối xử một cách thiên vị. Ngay sau đó, tập đoàn xe hơi của Đức đã bị xử phạt với số tiền lên tới 185 triệu USD.

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 5

Theo cáo trạng, tập đoàn này đã chi hơn 56 triệu USD trong 10 năm để đẩy mạnh việc bán xe cho chính phủ một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Nigeria, Hungary, Latvia hay Croatia. Không những vậy, Daimler còn tận dụng chương trình đổi dầu lấy lương thực của Mỹ nhằm kiếm lời từ chính phủ Iraq. 

5. Sự cố lốp Firestone trên Ford Explorer

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 6

Vào năm 2000, NHTSA đã tiến hành điều tra sự cố rơi ta-lông trên lốp Firestone của những chiếc Ford Explorer. Được biết, sự cố này đã gây ra 271 tai nạn chết người khiến hơn 800 người khác bị thương. Ngày lập tức, Firestone đã triệu hồi 14,4 triệu chiếc lốp để khắc phục sự cố này. Không chỉ riêng Ford Explorer, sự cố này còn xuất hiện trên Mercury Mountaineer, Ford Ranger, Mazda Navajo và B-Series. Sau đó, cả Ford lẫn Firestone liên tục phải đối mặt với những lời luận tội và thậm chí là điều trần trước quốc hội. Cuối cùng, những công ty này đã phải ngừng hợp tác và CEO của cả Ford và Firestone đều đã phải từ chức. 

4. Xe Toyota tự động tăng tốc

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 7

Những chiếc xe tự tăng tốc đã từng khiến cho danh tiếng của Toyota bị sứt mẻ. Nhiều khách hàng đã thông báo lại cho hãng về sự cố này. Và ban đầu, Toyota cho rằng sự cố trên là do những tấm thảm trải sàn đè vào chân ga. Sau khi triệu hồi 5,5 triêu sản phẩm đề khắc phục sự cố, hãng này tiếp tục phát hiện ra nguyên nhân thứ 2. Đó là việc chân ga bị kẹt cũng có thể gây ra tăng tốc ngoài ý muốn, dẫn tới việc Toyota phải tiếp thục thu hồi thêm hàng triệu chiếc xe nữa để sửa chữa.

Chưa hết, hãng này còn cũng chấp nhận trả khoản phạt lên tới 1,2 tỷ USD theo phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ. Đây là một động thái được cho là để khôi phục danh dự và lấy lại niềm tin từ khách hàng.

3. Lỗi công tắc khởi động của GM

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 8

Vào đầu năm 2014, GM đã phải tiến hành triệu hồi hàng loạt mẫu xe do lỗi tự động tắt máy khi chạm tay vào công tắc đề. Khi đó, các hệ thống trên xe sẽ bị ngắt. Được biết, sự cố này đã khiến cho 124 người thiệt mạng và GM đã buộc phải thu hồi hàng triệu sản phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn phải chi trả một khoản tiền bồi thường lên tới 594,5 triệu USD.

Chỉ riêng chi phí khắc phục sự cố đã lên tới 900 triệu USD. Đó là chưa kể 1 triệu USD tiền phạt từ Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ cùng với 35 triệu USD nộp lên NHTSA.

2. Gian lận khí thải tại Tập đoàn Volkswagen

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 9

Một trong những bê bối nóng nhất trong nhiều năm qua chính là sự cố gian lận khí thải trên các sản phẩm của tập đoàn VW sử dụng động cơ diesel. Sự cố này gây chấn động ở cả châu Âu lẫn thị trường Mỹ. Ban đầu, gian lận này được phát hiện tại Mỹ khi mức khí thải được nhà sản xuất công bố khác xa những gì đo đạc được trên thực tế. Sau khi vào cuộc điều tra, giới chức Mỹ kết luận rằng có một thiết bị lạ đã hạ thấp lượng khí thải của những chiếc xe VW chạy dầu diesel trong các bài kiểm tra.

Bê bối này đã khiến cho CEO của VW là Martin Winterkorn bị bắt giam, trong khi tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức phải chịu án phạt lên tới 30 tỷ USD chỉ riêng tại Mỹ. Không những vậy, rất nhiều lãnh đạo cấp cao khác của tập đoàn này cũng bị bắt mà gần đây nhất là Rupert Stadler – CEO của Audi. 

1. Lỗi túi khí Takata

TOP 10 bê bối gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Thế giới ảnh 10

Lỗi túi khí Takata được coi là bê bối nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi. Theo thống kê của NHTSA, chỉ riêng tại Mỹ đã có tới 37 triệu xe bị triều hồi vì có liên quan tới sự cố này. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Nhiều chiếc xe được triệu hồi tới vài lần. Trong đó, lần đầu là để hạn chế rủi ro từ những túi khí bị lỗi. Sau đó, chúng mới được khắc phục hoàn toàn.

Được biết, hợp chất kích hoạt túi khí có thể bị thay đổi thành phần hóa học theo thời gian do tác động của độ ẩm. Từ đó, chúng bị kích nổ nhanh hơn, đồng thời làm bắn ra những mảnh kim loại nhỏ có thể dẫn tới chết người. Đã có ít nhất 15 người Mỹ bị thiệt mạng do nổ túi khí Takata, bên cạnh đó là khoảng 250 người khác bị thương. Vì bê bối này mà ông lớn một thời Takata đã phải nộp đơn xin phá sản. Toàn bộ tài sản của Takata sau đó đã được bán lại cho Key Safety Systems – một nhà cung ứng các trang bị an toàn dành cho xe hơi.


Tác giả: Lương Trung